Giảm nguy cơ tử vong do biến chứng tim thận ở bệnh ĐTĐ
Biến chứng suy tim, suy thận ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp 2 là một quá trình diễn tiến âm thầm liên tục, thường gặp và nghiêm trọng nhưng lại chưa được chú ý đúng mức.
Hiện nay, ước tính có hơn 450 triệu bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp 2 trên toàn thế giới và tại Việt Nam là khoảng 5 triệu. Bệnh ĐTĐ thường đi kèm các yếu tố nguy cơ biến chứng trên tim và thận, với hơn 90% bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 có rối loạn lipid máu, gần 70% có kèm tăng huyết áp, khoảng 30% bệnh nhân có đạm niệu trong nước tiểu.
Chính vì vậy, chiến lược điều trị ĐTĐ tuýp 2 hiện nay đã thay đổi từ kiểm soát đường huyết đơn thuần sang kiểm soát đường huyết tích cực, đồng thời can thiệp sớm để làm giảm biến cố tim mạch và thận với các giải pháp điều trị mới như ức chế SGLT2 – với cơ chế độc lập với insulin.
Chia sẻ tại chương trình đào tạo y khoa liên tục trực tuyến “CAREME - Gặp gỡ chuyên gia” do Hội Tim mạch học Việt Nam và AstraZeneca vừa phối hợp tổ chức, ThS. BS. Văn Đức Hạnh, Phòng C1, Viện Tim mạch Việt Nam, BV Bạch Mai chia sẻ: “Trong thực hành lâm sàng, hiểu biết rõ các yếu tố nguy cơ tim mạch - thận trên bệnh nhân sẽ là một điểm tựa vững chắc cho các bác sĩ. Nếu chúng ta biết cụ thể các yếu tố nguy cơ tim mạch-thận này, tôi tin là sẽ điều trị tối ưu hơn bệnh nhân ĐTĐ”.
ĐTĐ bản thân đã là một yếu tố nguy cơ tim mạch nghiêm trọng, tương đương với bệnh nhân đã từng có nhồi máu cơ tim. Do đó, bên cạnh phải điều trị các thuốc đường huyết thì bệnh nhân cần được kiểm soát các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, vòng bụng lớn…
Theo TS. BS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BV Bạch Mai, Giảng viên Bộ môn Nội, Đại học Y Hà Nội, sự hiện diện đạm (albumin) trong nước tiểu chính là một chỉ dấu xấu, báo hiệu bệnh nhân ĐTĐ không chỉ bị bệnh thận mạn mà còn là nguy cơ các bệnh tim mạch, đặc biệt là suy tim… Các hướng dẫn điều trị ĐTĐ hiện nay như ADA khuyến cáo đánh giá đạm niệu và eGFR trên tất cả BN ĐTĐ tuýp 2 ít nhất một lần/năm hoặc có thể nhiều hơn tùy vào độ lọc cầu thận và tình trạng bệnh của bệnh nhân. Đồng thời, khi đã phát hiện tổn thương thận do ĐTĐ, dù ở giai đoạn nào thì việc điều trị sớm và tích cực là rất cần thiết để đẩy lùi hoặc làm chậm diễn biến của bệnh thận. Nghiên cứu lâm sàng DECLARE, được thực hiện trên phổ rộng bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 bao gồm các bệnh nhân đã có bệnh lý tim mạch hoặc chỉ mới có yếu tố nguy cơ tim mạch, cho thấy một hoạt chất trong nhóm thuốc ức chế SGLT2 không chỉ giúp kiểm soát đường huyết mà còn bảo vệ bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2 khỏi các biến chứng tim thận, bảo tồn chức năng thận lâu dài cho bệnh nhân.