Giám sát chặt chẽ việc khai thác, vận chuyển cát biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

Sau hơn 4 tháng khởi công khai thác cát biển tại khu B1 tỉnh Sóc Trăng, đến nay nguồn cát này đã được chuyển đến san lấp tại công trình thi công đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Quá trình khai thác, vận chuyển, đánh giá tác động môi trường… luôn được các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh theo dõi, giám sát chặt chẽ.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và triển khai Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến đường cao tốc vùng ĐBSCL, vùng Đông Nam Bộ và hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp trong vùng.

Các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giám sát rất chặt chẽ việc khai thác, vận chuyển cát biển. Ảnh: QUANG BÌNH

Các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giám sát rất chặt chẽ việc khai thác, vận chuyển cát biển. Ảnh: QUANG BÌNH

Theo đó, dự án đã có kết quả bước đầu là đánh giá được tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng đạt 680 triệu m³; trong đó, cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3 có thể đáp ứng được nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng, san lấp phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng các tuyến đường cao tốc vùng ĐBSCL (trong đó có tỉnh Sóc Trăng). Ngày 25/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải tổ chức cuộc họp bàn giao kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng thuộc Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL” cho UBND tỉnh Sóc Tăng để quản lý, khai thác, sử dụng theo quy định.

Theo lãnh đạo tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, hỗ trợ chủ đầu tư, các nhà thầu thi công tiếp cận, khảo sát cát biển để lập hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác phục vụ các dự án trọng điểm về phát triển hạ tầng giao thông theo cơ chế đặc thù. Qua đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp 2 bản xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường trong khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C. Việc này được thực hiện theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH15, ngày 28/11/2023 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ và Nghị quyết số 16/NQ-CP, ngày 27/1/2024 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 106/2023/QH15, tại Bản xác nhận số 07/XN-UBND và Bản xác nhận số 08/XN-UBND, ngày 21/6/2024 với công suất được phép khác thác là 5.494.232 m³ tại 2 mỏ cát biển Tiểu khu B1.1 và Tiểu khu B1.2 thuộc khu B1 tỉnh Sóc Trăng và Bản xác nhận số 12/XN-UBND, ngày 27/8/2024 cho Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP công suất được phép khác thác là 2 triệu m3 để phục vụ Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Kết quả tình hình hoạt động khai thác cát biển của nhà thầu thi công, gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C được giao khu vực biển, nhà thầu thi công đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao khu vực biển đối với Tiểu khu B1.1 và Tiểu khu B1.2 theo Quyết định số 1746/QĐ-BTNMT và Quyết định số 1747/QĐ-BTNMT, ngày 28/6/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhà thầu thi công đã xây dựng phương án bảo đảm an toàn hàng hải và được Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ phê duyệt. Cụ thể, Tiểu khu B1.1 được phê duyệt tại Quyết định số 176/QĐ-CVHHCT, ngày 2/7/2024 và bổ sung phương án tại Quyết định số 197/QĐ-CVHHCT, ngày 30/7/2024; Tiểu khu B1.2 được phê duyệt tại Quyết định số 177/QĐ-CVHHCT, ngày 2/7/2024 và bổ sung phương án tại Quyết định số 198/QD-CVHHCT, ngày 30/7/2024.

Đối với phương tiện khai thác thì theo thông tin từ nhà thầu thi công (Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C), đơn vị đã đăng ký phương tiện khai thác cát biển tại mỏ B1.1 và B1.2 đã được Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ có văn bản chấp thuận, tính đến ngày 22/10/2024 đã có 19 tàu hút; đối với phương tiện vận chuyển từ khu chuyển tải đến chân công trình đều có đăng ký và cập nhật thông tin, tính đến ngày 22/10/2024 đã có 215 phương tiện và đã cung cấp hạn đăng kiểm, tải trọng phương tiện. Trên cơ sở số liệu báo cáo của nhà thầu thi công từ khi khởi công khai thác (ngày 29/6/2024) đến ngày 22/10/2024 đã vận chuyển đến chân công trình 986 chuyến, với khối lượng vật khai thác là 545.266 m3 cát.

Hiện nay, hoạt động khai thác cát biển tại Tiểu khu B1.1 và Tiểu khu B1.2 của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C có thiết lập 2 khu neo đậu chuyển tải tạm thời tại khu vực huyện Cù Lao Dung và khu vực sông Hậu phía cửa Định An; đối với các phương tiện khai thác khi ra mỏ khai thác và vào nơi sang mạn đều được Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cấp lệnh điều động và ghi nhận khối lượng từng tàu và được theo dõi hằng ngày. Đối với mỗi tàu khai thác sang mạn qua các tàu vận chuyển đều thể hiện rõ khối lượng từng tàu và được nhà thầu tổng hợp báo cáo hằng ngày.

Đối với Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP thì nhà thầu thi công đã được UBND tỉnh xác nhận Bản đăng ký khai thác cát biển tại Tiểu khu B1.3 thuộc khu B1, hiện nhà thầu đang đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét giao khu vực biển theo quy định.

Nhằm để tổ chức quản lý chặt chẽ đối với hoạt động khai thác, vận chuyển cát biển ở khu vực biển thuộc thẩm quyền quản lý, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1217/QĐ-UBND, ngày 12/6/2024 về việc thành lập Tổ công tác liên ngành quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị và Quyết định số 1893/QĐ-UBND, ngày 18/8/2024 về việc thành lập Tổ bảo vệ hoạt động khai thác cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 106/2023/QH15, ngày 28/11/2023 của Quốc hội. Qua đó, các tổ công tác, sở, ngành và địa phương có liên quan đã thực hiện khá tốt vai trò, trách nhiệm được giao trong quản lý đối với hoạt động khai thác, vận chuyển cát biển trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh mặt thuận lợi thì việc quản lý khai thác cát biển vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Cụ thể, đối với khu vực khai thác do nằm ngoài 6 hải lý thuộc thẩm quyền Trung ương quản lý và khu vực khai thác giáp ranh với các tỉnh nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý các tàu khai thác, vận chuyển cát. Trang thiết bị, phương tiện, nguồn lực và tài chính chưa được đảm bảo để thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát biển, dẫn đến việc kiểm soát tình hình khai thác và phương tiện hoạt động còn nhiều khó khăn.

Nhằm bảo đảm tiến độ dự án nên trong quá trình khai thác, nhà thầu thi công đã đăng ký số lượng phương tiện khai thác, vận chuyển rất nhiều, đặc biệt là phương tiện vận chuyển cát qua địa bàn nhiều tỉnh nên địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, kiểm soát đối với các phương tiện vận chuyển cát. Hiện nay, thị trường đang khan hiếm nguồn cát do tập trung nguồn cát phục vụ các công trình, dự án giao thông trọng điểm nên tình hình khai thác cát trái phép trên vùng biển có nhiều diễn biến phức tạp. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, giám sát hoạt động khai thác cát biển và đã bắt giữ một số phương tiện khai thác cát trái phép, dự báo tình hình khai thác cát biển trái phép sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp nên gây khó khăn cho tỉnh trong công tác quản lý, đặc biệt là khai thác cát biển ở khu vực nằm ngoài vùng biển 6 hải lý…

Từ những khó khăn, hạn chế nêu trên, mới đây, tại buổi làm việc với Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), phía tỉnh Sóc Trăng đề xuất, kiến nghị đến Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường tham mưu Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng trong việc quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển cát biển, nhất là khu vực nằm ngoài vùng biển 6 hải lý; đồng thời chỉ đạo Công an các tỉnh: Bạc Liêu, Trà Vinh phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh Sóc Trăng trong quản lý, giám sát hoạt động khai thác, vận chuyển cát, xử lý nghiêm hoạt động khai thác cát trái phép.

PHƯƠNG ANH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/cac-du-an-dau-tu-xay-dung-cong-trinh-trong-diem-soc-trang/202411/giam-sat-chat-che-viec-khai-thac-van-chuyen-cat-bien-tren-ia-ban-tinh-soc-trang-d6a7cdf/