Giám sát, thẩm tra Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã

(QT) - Sáng nay 15.10.2019, Ban Pháp chế - HĐND tỉnh Quảng Trị do Trưởng ban Nguyễn Văn Cầu làm trưởng đoàn làm việc với Sở Nội vụ để giám sát quá trình triển khai Đề án sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh trước khi trình HĐND tỉnh thông qua tại kì họp sắp tới.

 Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh Nguyễn Văn Cầu phát biểu tại buổi giám sát

Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh Nguyễn Văn Cầu phát biểu tại buổi giám sát

Báo cáo của Sở Nội vụ cho biết, theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, Quảng Trị có 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 32 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chí về diện tích và quy mô dân số. Tuy nhiên, xét các yếu tố đặc thù về truyền thống, lịch sử, điều kiện tự nhiên, quốc phòng - an ninh nên trong giai đoạn này chưa tiến hành sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã Quảng Trị và huyện đảo Cồn Cỏ; chưa sáp nhập đối với 9 xã, thị trấn gồm xã Xy (Hướng Hóa), Vĩnh Thái, Vĩnh Khê, thị trấn Bến Quan (Vĩnh Linh), Trung Giang (Gio Linh), Triệu Lăng, Triệu Vân (Triệu Phong), Hải Khê (Hải Lăng), phường An Đôn (thị xã Quảng Trị).

Trong giai đoạn 2019 - 2021, tiến hành sắp xếp 24 đơn vị hành chính cấp xã thành 16 đơn vị hành chính mới gồm: thị trấn Diên Sanh (Hải Thọ - thị trấn Hải Lăng), Hải Phong (Hải Tân - Hải Lăng), Hải Hưng (Hải Xuân - Hải Vĩnh), Hải Định (Hải Thiện - Hải Thành), Triệu Thành (Triệu Thành - Triệu Đông), Lìa (A Túc - A Xing), Linh Trường (Vĩnh Trường - Linh Thượng), Gio Sơn (Gio Hòa - Gio Sơn), Phong Bình (Gio Bình - Gio Phong), Gio Hải (nhập 2 thôn Nhĩ Thượng và Nhĩ Hạ, xã Gio Thành vào xã Gio Hải), Gio Mai (nhập thôn Tân Minh, xã Gio Thành vào xã Gio Mai), thị trấn Cửa Tùng (Vĩnh Tân nhập vào thị trấn Cửa Tùng), Kim Thạch (Vĩnh Kim - Vĩnh Thạch), Trung Nam (Vĩnh Trung - Vĩnh Nam), Hiền Thành (Vĩnh Hiền - Vĩnh Thành), Ba Lòng (nhập xã Hải Phúc vào xã Ba Lòng). Như vậy sau sắp xếp, toàn tỉnh còn 125 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 16 đơn vị. Đối với các đơn vị sự nghiệp cấp xã ở các lĩnh vực giáo dục, y tế trước mắt giữ nguyên, chưa sáp nhập.

Nhìn chung, việc tiến hành sáp nhập được thực hiện đúng quy trình, quy định pháp luật như đã thông qua ý kiến cử tri và biểu quyết của cơ quan dân cử địa phương với tỉ lệ đồng thuận cao. Tuy nhiên, vẫn còn cử tri, cơ quan dân cử một số địa phương chưa đồng thuận với tên gọi mới sau sáp nhập như ở các xã Vĩnh Nam, Vĩnh Thạch.

Về công tác cán bộ, sau sáp nhập có 258 cán bộ, công chức và 227 người hoạt động không chuyên trách cấp xã thuộc diện dôi dư. Phương án sắp xếp được xây dựng theo hướng bố trí riêng chức danh bí thư đảng ủy, chủ tịch HĐND xã đối với 5 người; bố trí thêm các chức danh chủ chốt như phó bí thư đảng ủy, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND xã đối với 18 người; thời gian giảm dần là 5 năm. Tiếp nhận cán bộ vào công chức để bố trí tại các xã, thị trấn với 48 người; tuyển dụng cán bộ vào công chức cấp huyện 5 người; điều động 40 công chức đến các xã, thị trấn khác trên địa bàn; tiếp tục bố trí, sắp xếp công việc tại các đơn vị hành chính mới với 73 người và giảm dần trong thời gian 5 năm; thực hiện tinh giản biên chế, nghỉ thôi việc đối với 69 người, trong đó nghỉ hưu trước tuổi 53 người, nghỉ thôi việc ngay 16 người. Thực hiện cho nghỉ việc đối với người hoạt đông không chuyên trách cấp xã do dôi dư.

Về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập được thực hiện theo các nghị định của Chính phủ hiện hành. Riêng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, hiện nay Chính phủ chưa có quy định cụ thể, trong khi đó tỉnh chưa ban hành chính sách hỗ trợ đặc thù dẫn đến có nhiều tâm tư trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh đánh giá cao quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện đề án của Sở Nội vụ, trong đó việc triển khai đảm bảo quy trình, quy định, dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Bên cạnh đó, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như một số địa phương thực hiện chưa đúng quy trình nên phải thực hiện lại làm kéo dài thời gian thực hiện ở cơ sở.

Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh cho rằng các phương án về bố trí, sắp xếp cán bộ được xây dựng là tối ưu trong điều kiện hiện tại của địa phương. Đồng thời, đề nghị Sở Nội vụ quan tâm tham mưu các phương án sớm ổn định bộ máy cấp ủy, chính quyền, mặt trận các đơn vị hành chính cấp xã mới để đi vào hoạt động hiệu quả, tránh gián đoạn. Quan tâm xây dựng cơ sở vật chất tại các đơn vị hành chính mới, đồng thời khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất hiện có. Rà soát, bổ sung quy hoạch địa bàn để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh địa phương. Tiếp tục xây dựng, lựa chọn phương án tối ưu để sắp xếp, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp cấp xã sau khi các đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động ổn định.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=143055