Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp tại Tuần Giáo, Mường Chà

ĐBP - Ngày 27/2, các tổ giám sát của HĐND tỉnh do các đồng chí: Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm tổ trưởng đã tiến hành giám sát 'Việc thực hiện Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 của HĐND tỉnh Điện Biên ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm 2019 - 2023' trên địa bàn huyện Tuần Giáo và Mường Chà.

Đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Tổ trưởng tổ giám sát số 1 kết luận buổi giám sát tại huyện Tuần Giáo. Ảnh: Văn Tâm

Giai đoạn 2019 - 2022, tổng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Tuần Giáo hơn 16,8 tỷ đồng; trong đó đã thực hiện hơn 13,4 tỷ đồng. Trong lĩnh vực thú y, tổng kinh phí đã thực hiện hỗ trợ hơn 4,7 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất, phát triển lâm nghiệp hơn 313 triệu đồng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa có rừng. Từ nguồn kinh phí trên, huyện Tuần Giáo tập trung hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, như: Xoài Đài Loan, mít siêu sớm TL1, nhãn chín muộn, cây mắc ca...

Đối với huyện Mường Chà, tổng kinh phí được giao 2,989 tỷ đồng; hết năm 2022, toàn huyện đã giải ngân 1,558 tỷ đồng. Về hỗ trợ thú y, tổng kinh phí được giao 2,732 tỷ đồng, đã thực hiện giải ngân 2,555 tỷ đồng. Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND, huyện Mường Chà đã xây dựng 2 dự án liên kết sản xuất về trồng trọt gắn với tiêu thụ sản phẩm, gồm: Hỗ trợ HTX Trung Thành (xã Pa Ham) liên kết trồng và tiêu thụ sả Java cho 249 hộ với tổng diện tích 43,4ha, cho thu hoạch 3 lứa/năm, năng suất đạt 3 tấn/ha/lứa, giá trị đạt 18 triệu đồng/ha/năm; hỗ trợ HTX Nam Dương (thị trấn Mường Chà) thực hiện dự án liên kết trồng hoa hồng Pháp với 19 hộ tham gia, tổng diện tích 2ha.

Các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn 2 huyện.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ còn dàn trải, chưa tập trung nên hiệu quả đầu tư chưa thể hiện rõ nét. Nội dung, mức và hạn mức hỗ trợ còn nhiều hạn chế chưa khuyến khích được các đối tượng đầu tư vào phát triển sản xuất, trong khi đó đại đa số người dân ở địa phương cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, thiếu kinh phí đối ứng đầu tư phát triển nông nghiệp.

Tổ giám sát số 2 do đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm tổ trưởng kiểm tra thực địa mô hình trồng khoai tây tại bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà). Ảnh: Phạm Trung

Đối với huyện Tuần Giáo, thời gian qua công tác chỉ đạo, điều hành ở một số xã chưa quyết liệt, sâu sát; thiếu chủ động, sáng tạo; người dân vẫn còn có tư tưởng thụ động, ỷ lại. Công tác phối hợp giữa cơ quan chuyên môn với các xã còn có mặt hạn chế, chưa được thường xuyên, liên tục. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao ở một số xã còn lúng túng, thiếu đồng bộ. Còn huyện Mường Chà khó khăn trong việc tìm kiếm các chủ thể kinh tế là hợp tác xã, doanh nghiệp để chủ trì liên kết và thực hiện dự án; các hợp tác xã còn hạn chế về tiềm lực kinh tế, năng lực tổ chức sản xuất. UBND huyện Mường Chà đề nghị tiếp tục triển khai Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND trong giai đoạn tiếp theo và tăng mức hỗ trợ đối với các hộ gia đình, cá nhân tham gia liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tối đa lên 70 – 80 triệu đồng.

Đồng chí Lò Văn Phương, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị huyện Tuần Giáo rà soát lại các chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất. Trong công tác hỗ trợ, cần lựa chọn mô hình tập trung, quy mô lớn để hỗ trợ; việc hỗ trợ cần sát với thực tế địa phương và người dân. Rà soát lại mức, hạn mức hỗ trợ sản xuất, khuyến khích các đối tượng tham gia phát triển sản xuất. Tăng cường vai trò của đội ngũ cán bộ khuyến nông xã, vai trò của các hợp tác xã trong thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Ghi nhận huyện Mường Chà đã có những bước phát triển mới trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhất là xây dựng được các mô hình liên kết để người dân thay đổi tư duy sản xuất, phát triển kinh tế, song đồng chí Giàng Thị Hoa nhắc nhở huyện Mường Chà vẫn còn nhiều nội dung chưa triển khai theo Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND. Huyện cần sớm xây dựng báo cáo bổ sung nêu rõ nguyên nhân, vướng mắc, kiến nghị đối với các nội dung chưa thực hiện được ở giai đoạn 2019 – 2022.

Văn Tâm - Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/203883/giam-sat-viec-thuc-hien-chinh-sach-ho-tro-phat-trien-san-xuat-nong---lam-nghiep-tai-tuan-giao-muong-cha