Giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động trong doanh nghiệp

Tai nạn lao động (TNLĐ) không chỉ tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người lao động mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây nên những hệ lụy lâu dài cho xã hội. Do vậy, nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho người lao động trong tình hình mới đang là yêu cầu cấp bách đề ra.

Nhân viên an toàn lao động Công ty TNHH CDL Precision Technology Việt Nam, Khu Công nghiệp Bình Xuyên hướng dẫn người lao động sử dụng trang bị bảo hộ lao động

Nhân viên an toàn lao động Công ty TNHH CDL Precision Technology Việt Nam, Khu Công nghiệp Bình Xuyên hướng dẫn người lao động sử dụng trang bị bảo hộ lao động

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 400 doanh nghiệp FDI đang hoạt động sản xuất kinh doanh; trên 13 nghìn doanh nghiệp dân doanh đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Riêng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tính đến hết quý I/2022 đang có 306 doanh nghiệp FDI và 51 doanh nghiệp DDI đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 122 nghìn lao động, trong đó trên 80 nghìn lao động là người Vĩnh Phúc.

Trong năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 62 vụ TNLĐ trong các doanh nghiệp làm chết 13 người, bị thương 14 người; trong đó, các vụ tai nạn chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp cổ phần và doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Các lĩnh vực sản xuất có tần suất xảy ra TNLĐ lớn là sản xuất linh kiện điện tử; sản xuất, gia công hàng may mặc; sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét; gia công cơ khí; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng…

Phân tích của cơ quan chức năng cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNLĐ là do ảnh hưởng từ các điều kiện thời tiết, môi trường xung quanh vượt quá quy chuẩn cho phép tác động trực tiếp đến người lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu sắp xếp thiếu hợp lý, để sai quy định; không gian sản xuất, diện tích làm việc chật hẹp gây khó khăn, cản trở thao tác làm việc của người lao động.

Sự quan tâm không đúng mức của doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động trong đảm bảo môi trường, giờ giấc, thời gian làm việc, trang bị bảo hộ lao động, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng đảm bảo vệ sinh an toàn lao động (ATLĐ) và kiểm tra, giám sát việc chấp hành các nội quy, quy định an toàn trong quá trình làm việc.

Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến TNLĐ nhiều khi lại đến từ chính người lao động, do áp lực về kinh tế, về thu nhập, nhiều lao động không đảm bảo sức khỏe, thể trạng, tâm lý nhưng không nghỉ ngơi mà vẫn cố đến doanh nghiệp làm việc dẫn đến các thao tác trong quá trình làm việc không được chuẩn xác như thường ngày.

Một số trường hợp, người lao động lơ là, chủ quan, không thực hiện các quy định ATLĐ được hướng dẫn, tự ý cởi bỏ những trang bị bảo hộ lao động; không thực hiện đúng các thao tác làm việc, vi phạm kỷ luật lao động khiến nguy cơ mất ATLĐ tăng cao.

Chánh Thanh tra Sở LĐTB&XH Phùng Văn Huệ cho biết: “Quá trình thanh tra, đơn vị đã phát hiện không ít doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo vệ sinh ATLĐ. Nhất là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp quy mô hộ gia đình.

Chỉ tính riêng trong năm 2021, qua thanh tra 10 doanh nghiệp, đơn vị đã có gần 70 kiến nghị yêu cầu doanh nghiệp, người sử dụng lao động chấn chỉnh, khắc phục liên quan đến nhiều lĩnh vực như việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội…”

Theo ông Huệ, để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh ATLĐ, giảm thiểu, ngăn ngừa nguy cơ mất ATLĐ thì cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm với sự tham gia quyết liệt của các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

Trong đó, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến ATLĐ, để từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đảm bảo an toàn cho cả người lao động và chủ sử dụng lao động, coi đây là giải pháp then chốt mang tính quyết định, bởi chỉ khi doanh nghiệp, người lao động có ý thức tự giác bảo vệ mình, bảo vệ doanh nghiệp mình thì vấn đề mất ATLĐ mới được giải quyết hiệu quả.

Cùng với đó, tăng cường tập huấn, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động, người sử dụng lao động; nâng cao trình độ, năng lực, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ làm công tác ATLĐ ở các doanh nghiệp.

Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành vệ sinh ATLĐ; xây dựng quy định việc sử dụng thiết bị chuyên dùng trong công tác thanh tra chuyện ngành vệ sinh ATLĐ và điều tra TNLĐ để thuận lợi cho quá trình thanh tra, kiểm tra.

Phát huy vai trò giám sát của người lao động, nhất là hệ thống công đoàn cơ sở trong việc phát hiện, thông tin đến cơ quan chức năng các trường hợp doanh nghiệp cố tình lơ là, chủ quan, không chấp hành các quy định về ATLĐ để có biện pháp xử lý.

Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động, các quy định về vệ sinh ATLĐ, kiên quyết tạm dừng hoạt động với các doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện an toàn cho người lao động…

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/76766/giam-thieu-nguy-co-tai-nan-lao-dong-trong-doanh-nghiep.html