Giảm thiểu ô nhiễm môi trường gắn với tăng trưởng xanh trong ngành giao thông vận tải

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong xây dựng kết cấu hạ giao thông đường bộ; thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới ... là những giải pháp chủ yếu mà ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã và đang triển khai nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Ngoài đăng kiểm an toàn kỹ thuật, công tác đăng kiểm về môi trường, đặc biệt là khí thải phương tiện giao thông được thực hiện chặt chẽ. (ảnh chụp tại Trung tâm Đăng kiểm xe 88 - 01S ) Ảnh: Nguyễn Lượng

Ngoài đăng kiểm an toàn kỹ thuật, công tác đăng kiểm về môi trường, đặc biệt là khí thải phương tiện giao thông được thực hiện chặt chẽ. (ảnh chụp tại Trung tâm Đăng kiểm xe 88 - 01S ) Ảnh: Nguyễn Lượng

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện phát triển hạ tầng giao thông đường bộ theo Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tính đến hết năm 2021, các tuyến đường mở mới đều có quỹ đất để trồng cây xanh hai bên đường, hè phố, dải phân cách, góp phần tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Các tuyến đường cải tạo, nâng cấp đều được nhựa hóa, bê tông hóa và từng bước xây dựng hệ thống rãnh thoát nước kiên cố hai bên đường, có nắp đậy, góp phần bảo vệ môi trường (BVMT).

Các chủ đầu tư khi lập, triển khai các dự án, công trình giao thông thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường như ưu tiên lựa chọn công nghệ, giải pháp thi công tiết kiệm năng lượng, chú trọng sử dụng các vật liệu không ô nhiễm môi trường.

Sử dụng vật liệu gạch không nung trong xây dựng rãnh thoát nước thân thiện với môi trường; trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ đã từng bước sử dụng phương án cào bóc tái sinh nhựa nguội; áp dụng các công nghệ, giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng.

Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp công trình có kết hợp công nghệ sinh học như trồng cây xanh bản địa, cây xanh nhập khẩu phù hợp cho công tác ổn định ta luy, mái dốc,…

Bên cạnh đó, triển khai ứng dụng năng lượng tái tạo, công nghệ ít tiêu tốn năng lượng như pin năng lượng mặt trời, đèn led,... vào các hạng mục chiếu sáng, báo hiệu giao thông và các hạng mục tiêu tốn năng lượng khác thuộc dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường quốc lộ ủy thác, đường tỉnh, đường đô thị...

Nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần tham gia vận tải cạnh tranh bình đẳng, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vận tải, lái xe và người tham gia giao thông thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu phát sinh khí thải.

Thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn bằng cách tăng thêm số lượng xe hoạt động và dự kiến kéo dài một số tuyến phục vụ việc đi lại cho nhân dân, tiến tới đưa vào sử dụng thí điểm xe buýt, xe taxi sử dụng nhiên liệu CNG (khí thiên nhiên nén), LPG (hỗn hợp hydrocacbon nhẹ).

Trên địa bàn tỉnh hiện đã có 8 tuyến xe buýt hoạt động từ Vĩnh Yên tới tất cả các huyện, thành phố. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã tổ chức đấu thầu công tác quản lý vận hành các tuyến xe buýt nêu trên, trong đó đã cơ bản thay thế hệ thống xe buýt cũ, lạc hậu bằng các xe mới hiện đại hơn, nâng cao năng lực vận chuyển khách, thân thiện với môi trường.

Các tuyến xe buýt hoạt động đã phát huy hiệu quả, giảm phương tiện giao thông cá nhân, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp, góp phần quan trọng giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và giảm lượng lớn khí thải ra môi trường.

Các phương tiện cơ giới tham gia giao thông đều thải ra môi trường một lượng khí thải phụ thuộc vào chất lượng của xe; do đó, ngành GTVT chú trọng công tác kiểm định phương tiện xe cơ giới.

Ngoài đăng kiểm an toàn kỹ thuật, công tác đăng kiểm về môi trường, đặc biệt là khí thải phương tiện giao thông được thực hiện chặt chẽ. Các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh gồm: 88 - 01S; 88 - 02D; 88 - 03D; 88 - 04D đã lắp đặt hệ thống dây chuyền kiểm định phương tiện xe cơ giới đường bộ đạt tiêu chuẩn Quốc gia.

Thông qua công tác đăng kiểm, loại bỏ những xe đã hết niên hạn sử dụng, xe không đủ điều kiện lưu hành đặc biệt về độ bụi, tiếng ồn và phát thải khí. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn của đội ngũ kiểm định viên góp phần nâng cao chất lượng trong công tác đăng kiểm phương tiện xe cơ giới đường bộ.

Ngoài ra, lực lượng Thanh tra Sở GTVT tuần tra kiểm soát thường xuyên, xử lý nghiêm các xe chở vật liệu rời không che phủ bạt và các xe quá tải lưu thông trên các tuyến đường để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đồng chí Hoàng Văn Bản, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) cho biết: Trong thời gian tới, ngành GTVT tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong xây dựng kết cấu hạ tầng.

Tăng cường quản lý hoạt động vận tải theo hướng phát thải khí thấp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát khí thải, ô nhiễm khói bụi của các phương tiện xe cơ giới thông qua các Trung tâm Đăng kiểm xe và lực lượng Thanh tra giao thông.

Lưu Nhung

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/77000/giam-thieu-o-nhiem-moi-truong-gan-voi-tang-truong-xanh-trong-nganh-giao-thong-van-tai.html