Giảm thiểu tác động tiêu cực tới đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Khuyến nghị trên được chuyên gia đưa ra tại hội thảo 'Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam' do Bộ Tài chính tổ chức ngày 18-4, tại Hà Nội.

Ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài

Thuế tối thiểu toàn cầu là một trong 2 trụ cột chính của chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Theo đó, các công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu EUR (khoảng 19.500 tỷ đồng) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Điều này có nghĩa, khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài mà nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% thì sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước họ có trụ sở chính.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội thảo

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội thảo

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đến nay, hầu hết nước thuộc Liên minh châu Âu; Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Australia... đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, và là các nước có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi áp dụng từ năm 2024. Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính hơn 12 nghìn tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, ưu đãi thuế luôn là một trong những công cụ quan trọng thu hút đầu các nhà đầu tư nước ngoài. Khi Việt Nam áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%, chắc chắn ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã chỉ ra 5 tác động, cả tích cực và tiêu cực, đối với kinh tế Việt Nam từ thuế tối thiểu toàn cầu như: Cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế trốn, tránh thuế, chuyển giá…của các tập đoàn đa quốc gia; sức cạnh tranh trong thu hút FDI có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi chính sách ưu đãi thuế không còn tác dụng; có thể làm phát sinh một số chi phí; các nội dung về thuế tối thiểu toàn cầu được thống nhất về mặt nguyên tắc song một số nội dung vẫn được bảo lưu và chưa được quy định, hướng dẫn chi tiết có thể khiến hoạt động của các doanh nghiệp đa quốc gia bị ảnh hưởng.

Vì vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam cần thực hiện sớm thuế tối thiểu, nhưng cũng phải tìm cách điều chỉnh chính sách ưu đãi khác tương thích để vừa bảo đảm quyền đánh thuế, vừa ít tác động nhất đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Cần giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần sớm ban hành chủ trương thí điểm việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu và xây dựng các kịch bản cho các đối tượng chịu tác động; rà soát và có thể duy trì chính sách ưu đãi thuế hợp lý đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng điều chỉnh...

Còn chuyên gia Cấn Văn Lực đưa ra một số khuyến nghị, trong đó, Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với những bước đi chủ động; có giải pháp phù hợp để hỗ trợ một phần cho các đối tượng chịu tác động, song việc hỗ trợ phải theo 4 nguyên tắc: Theo chuẩn của OECD, phân nhóm, phân ngành chứ không cào bằng, phải khả thi, phù hợp với chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, sớm rà soát, cập nhật và thay đổi phù hợp quy định pháp luật liên quan; chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tạo đòn bẩy nâng cao sức chống chịu và phát triển kinh tế bền vững; nâng cao năng lực công tác quản lý thuế, công tác cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Về phía doanh nghiệp, ông Choi Joo Hom, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần xây dựng các hình thức hỗ trợ nhằm bù đắp cho các doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Phương án triển khai các hình thức hỗ trợ này sẽ tùy theo đặc điểm của từng loại hình doanh nghiệp...

Trong khi đó, đại diện của Canon Việt Nam nêu quan điểm, với doanh nghiệp không nằm trong phạm vi ảnh hưởng khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi như hiện tại. Với doanh nghiệp bị ảnh hưởng, cần sửa đổi chính sách ưu đãi để bù đắp.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Đặng Ngọc Minh cho biết, để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam, cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.

Các giải pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu ban hành có thể bao gồm việc hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường...

Hương Thủy

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1061681/giam-thieu-tac-dong-tieu-cuc-toi-dau-tu-khi-ap-dung-thue-toi-thieu-toan-cau