Giảm thiểu tai nạn cho người lao động

Hiện nay nhiều ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp rất cao. Thực tế này đòi hỏi công tác phòng ngừa, xử lý cấp cứu đúng cách cần quan tâm ngay từ cơ sở nhằm xây dựng môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

Xây dựng điển hình

Năm 2023, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh xây dựng 3 điển hình về quản lý an toàn lao động (ATLĐ), phòng, chống BNN tại Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng số 2 Hà Bắc, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang); Công ty cổ phần Nhựa Bắc Giang, phường Đa Mai và Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang).

Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho công nhân Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang.

Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu cho công nhân Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang.

Bác sĩ Đặng Bá Hiểu, Trưởng Khoa Sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: “Tại những doanh nghiệp (DN) này, Trung tâm hỗ trợ công tác tập huấn sơ cấp cứu ban đầu, quan trắc môi trường lao động, tư vấn, hướng dẫn cải thiện điều kiện làm việc, loại trừ yếu tố nguy hiểm, có hại cho người lao động. Nâng cao ý thức phòng ngừa và xử trí đúng cách khi gặp sự cố nguy hiểm cho NLĐ”.

Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) chuyên kinh doanh và sản xuất nước sạch, ngoài ra còn nhận thi công xây lắp các công trình cấp nước trên địa bàn TP. Theo bà Cao Thị Quỳnh, Trưởng phòng Kế hoạch của công ty, hằng năm, đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn kiến thức làm việc ATLĐ, phòng, chống BNN cho cán bộ, nhân viên.

Khi tham gia mô hình điểm, DN phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi xảy ra TNLĐ cho cán bộ, nhân viên. Anh Lê Văn Dũng, Tổ trưởng Tổ quản lý nước khu vực xã Song Khê nói: “Mới đây, tôi được tham gia lớp huấn luyện kỹ năng xử lý cứu thương. Sau khi nghe các bác sĩ tư vấn và thực hành, tôi đã nắm rõ được quy trình xử lý cấp cứu nạn nhân gặp chấn thương tại chỗ”.

Là một trong số 3 đơn vị thực hiện mô hình điểm, dịp này Công ty cổ phần Nhựa Bắc Giang vừa phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức khám, lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp cho 68 NLĐ. Đây là những cán bộ, nhân viên làm việc ở vị trí thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm nên các bác sĩ đã quan tâm tổ chức khám sàng lọc các bệnh: Viêm phế quản mạn tính; bệnh điếc nghề nghiệp, đo các chức năng hô hấp, thính lực. Ngoài ra, NLĐ còn được chụp X quang tim - phổi, xét nghiệm máu, đo độ pH da.

Theo lãnh đạo DN, cùng với việc phổ biến nội quy, quy chế về ATVSLĐ, các yếu tố nguy hiểm, độc hại có thể gây TNLĐ, BNN, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, DN còn quan tâm sắp xếp công việc phù hợp, phân bổ chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý cho NLĐ. Phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất gắn với việc phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, hạn chế và ngăn ngừa TNLĐ, BNN.

Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giám sát

Toàn tỉnh hiện có hàng nghìn DN và gần 1,1 nghìn hợp tác xã, tổ hợp tác đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Những năm gần đây nhiều DN đã quan tâm cải thiện môi trường lao động thông qua đầu tư trang thiết bị ngày càng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất. Quan tâm cử cán bộ làm công tác ATVSLĐ, thành lập đội sơ cấp cứu tại chỗ; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Nơi làm việc đã trang bị phòng y tế, thuốc, giường bệnh và các dụng cụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Qua đó góp phần cải thiện môi trường làm việc, nâng cao sức khỏe cho NLĐ.

Công ty TNHH Crystal Martin, Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên) trang bị đầy đủ thuốc, thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động.

Công ty TNHH Crystal Martin, Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên) trang bị đầy đủ thuốc, thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động.

Bên cạnh kết quả tích cực thì công tác khám, phòng bệnh nghề nghiệp còn nhiều hạn chế. Đơn cử năm 2022, ngành y tế tổ chức điều tra, rà soát, thống kê, đánh giá và phân cấp quản lý đối với cơ sở lao động có yếu tố nguy hại gây BNN.

Qua điều tra cho thấy toàn tỉnh có hơn 800 DN có yếu tố nguy cơ gây BNN đang hoạt động với 240 nghìn lao động. Tuy vậy mới chỉ có 26,7% DN tổ chức khám BNN cho NLĐ. 26% thực hiện quan trắc môi trường lao động định kỳ. Kết quả quan trắc môi trường tại 24 DN, trong tổng số 3.064 mẫu được lấy có 295 mẫu không đạt.

Qua điều tra, toàn tỉnh có hơn 800 DN có yếu tố nguy cơ gây BNN đang hoạt động với 240 nghìn lao động. Tuy vậy mới chỉ có 26,7% DN tổ chức khám BNN cho NLĐ 26% thực hiện quan trắc môi trường lao động định kỳ. Kết quả quan trắc môi trường tại 24 DN, trong tổng số 3.064 mẫu có 295 mẫu không đạt.

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, qua kiểm tra, giám sát cho thấy công tác khám sức khỏe cho NLĐ trong một số DN thuộc khu, cụm công nghiệp chưa bảo đảm theo quy định.

Những lỗi phổ biến là không đầy đủ quy trình khám bệnh, bố trí bàn khám thiếu chuyên khoa, thời gian khám ngắn; sổ khám sức khỏe không đúng mẫu. Tình trạng này dẫn đến chất lượng khám sức khỏe thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của DN và NLĐ.

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ NLĐ còn chủ quan, không thực hiện đầy đủ quy trình làm việc an toàn. Thực tế cho thấy, TNLĐ gây thiệt hại lớn về người và tài sản cũng như những mất mát về tinh thần rất khó bù đắp đối với mỗi gia đình và xã hội. Thống kê sơ bộ từ năm 2022 đến 8 tháng năm nay, toàn tỉnh xảy ra 166 vụ TNLĐ làm 8 người tử vong và nhiều người bị thương.

Để chấn chỉnh công tác khám sức khỏe cho NLĐ, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc khám sức khỏe theo đúng các quy định. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, TP hướng dẫn DN khi phối hợp với các cơ sở y tế khám sức khỏe cho NLĐ phải yêu cầu cung cấp các thông tin chứng minh cơ sở đó có đủ điều kiện khám sức khỏe theo quy định.

Cùng đó, DN có trách nhiệm thông báo rõ thời gian, địa điểm tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ đến Trung tâm Y tế các Khu công nghiệp tỉnh (đối với DN trong khu công nghiệp) hoặc trung tâm y tế huyện, TP (đối với DN ngoài khu công nghiệp) để cơ quan quản lý nhà nước giám sát. Kịp thời phát hiện hoạt động khám sức khỏe nhưng không đáp ứng các điều kiện theo quy định để chấn chỉnh hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Được biết, từ năm 2024 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ nhân rộng mô hình điểm đến các DN trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/412141/giam-thieu-tai-nan-cho-nguoi-lao-dong.html