Giãn cách hai mũi vaccine COVID của Pfizer giúp tăng kháng thể
Nghiên cứu của Đại học Oxford cho thấy việc giãn khoảng cách dài hơn giữa hai mũi vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech sẽ cho lượng kháng thể tổng thể cao hơn.
Nghiên cứu có tên Pitch của các nhà khoa học Anh đã phát hiện ra khoảng cách dài hơn giữa các liều vaccine Pfizer được tiêm sẽ dẫn đến mức kháng thể tổng thể cao hơn ở người được tiêm so với khoảng cách ngắn hơn, nhưng mức độ kháng thể không duy trì được lâu sau liều đầu tiên.
Nghiên cứu do Đại học Oxford dẫn đầu có thể giúp cung cấp thông tin về các chiến lược tiêm chủng chống lại biến thể Delta, loại biến thể lây lan nhanh đang càn quét khắp thế giới, được cho là làm giảm hiệu quả của liều vaccine đầu tiên, mặc dù cả hai liều vẫn có tác dụng bảo vệ. Tác giả nghiên cứu cho rằng khoảng cách 8 tuần giữa hai mũi vaccine Pfizer mà Anh đang áp dụng đem lại hiệu quả tốt trước biến thể Delta.
“Những gì chúng tôi phát hiện, tính trung bình, là nếu bạn để khoảng cách thời gian gần hơn giữa hai liều vaccine, bạn có lượng kháng thể thấp hơn”, Susanna Dunachie, Giáo sư về Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Oxford và là trưởng nhóm điều tra của nghiên cứu nói trên, phát biểu với tờ Al Jazeera.
Tuy vậy Giáo sư Dunachie vẫn khẳng định “hai liều vaccine Pfizer làm rất tốt trong việc tạo ra các phản ứng miễn dịch, và nếu bạn đã tiêm vaccine Pfizer với khoảng cách thời gian ngắn, đừng lo lắng, đó là một loại vaccine tuyệt vời”.
Các tác giả nhấn mạnh rằng cả hai biện pháp về khoảng cách mũi tiêm đều tạo ra phản ứng kháng thể và tế bào T mạnh mẽ, trong nghiên cứu tiến hành trên 503 nhân viên y tế.
Họ cho biết: “Với khoảng cách dài hơn giữa hai liều, nồng độ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Delta được tạo ra kém hơn sau liều đầu tiên và không được duy trì trong khoảng thời gian trước liều thứ hai”.
Tuy nhiên, “sau hai liều vaccine, nồng độ kháng thể trung hòa cao gấp đôi với khoảng thời gian dài hơn giữa hai mũi tiêm, so với thời gian ngắn hơn.”
Các kháng thể trung hòa được cho là đóng một vai trò quan trọng trong khả năng miễn dịch chống lại COVID-19, nhưng không phải là toàn bộ bức tranh bởi các tế bào T cũng đóng vai trò.
Nghiên cứu nói trên cho thấy lượng tế bào T tổng thể thấp hơn 1,6 lần với khoảng cách tiêm dài so với khoảng thời gian tiêm ngắn 3-4 tuần, nhưng tỷ lệ tế bào T “trợ giúp”, vốn hỗ trợ trí nhớ miễn dịch dài hạn, lại cao hơn khi hai mũi tiêm có khoảng cách dài.
Ông Peter English, cựu Chủ tịch Hiệp hội Y tế Anh (BMA), cho biết: “Trong khi chúng ta có xu hướng nhấn mạnh các kháng thể vô hiệu hóa như một thước đo phản ứng miễn dịch… thì miễn dịch tế bào, khó đo hơn, cũng có vai trò rất quan trọng”.
Các phát hiện nói trên của trường Đại học Oxford ủng hộ quan điểm rằng, mặc dù liều thứ hai là cần thiết để cung cấp sự bảo vệ đầy đủ chống lại biến thể Delta, việc trì hoãn liều thứ hai cũng có thể cung cấp khả năng miễn dịch lâu bền hơn, ngay cả khi nó khiến ta phải trả giá ở khía cạnh bảo vệ trong ngắn hạn.
Giáo sư Dunachie cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng chiến lược của Anh – với khoảng cách hai liều tiêm dài hơn, vốn dựa trên kiến thức về vaccine phòng các bệnh khác - và việc khoảng cách tiêm xa hơn thường tốt hơn, cũng như là một cách để nhanh chóng đưa vaccine đến nhiều người nhất có thể, thực sự đưa đến lượng kháng thể cao hơn”.
Tháng 12/2020, Chính phủ Anh đã kéo dài khoảng cách giữa các liều vaccine lên 12 tuần, mặc dù nhà sản xuất Pfizer cảnh báo rằng không có bằng chứng nào chứng minh cho việc nới dài khoảng cách lên trên 3 tuần.
London hiện khuyến nghị khoảng cách giữa các liều vaccine là 8 tuần để giúp nhiều người có khả năng bảo vệ chống lại biến thể Delta nhanh hơn, trong khi vẫn tối đa hóa các phản ứng miễn dịch trong thời gian dài hơn.
Hiện nay, Australia cũng đang cân nhắc khả năng kéo dài thời gian giữa 2 mũi tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer để có thêm nhiều cơ hội cho mọi người được tiếp cận ít nhất 1 mũi.
Thủ tướng Australia, Scott Morrison cho biết: “Dựa trên lời khuyên của các chuyên gia y tế và nhóm chuyên gia tư vấn vaccine, mũi thứ hai của vaccine Pfizer có thể tiêm cách mũi một 6 tuần. Như vậy chúng ta sẽ tăng được số lượng người tiêm mũi thứ nhất và tối đa hóa việc cung cấp vaccine tại bang New South Wales, nơi dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng”.
Cơ quan chức năng Australia ngày 23/7 đã cấp phép sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Phụ nữ đang mang thai từ 16 tuần tuổi trở lên cũng được đưa vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine này.