Giãn, hoãn nợ: Ngân hàng, doanh nghiệp cùng có lợi

Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) giãn, hoãn nợ cho các doanh nghiệp được cho là động thái thích cực để hỗ trợ nền kinh tế.

Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 và Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ, ngày 23/4/2023, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Theo NHNN, việc cho phép TCTD thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ đúng thời hạn sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vốn vay tại các TCTD.

Giãn, hoãn nợ giúp khách hàng có thể kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu.

Giãn, hoãn nợ giúp khách hàng có thể kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu.

Ngay sau khi ban hành Thông tư 02, NHNN đã tổ chức hội nghị triển khai theo hình thức trực tuyến trên quy mô cả nước. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết Thông tư 02 trao quyền chủ động cho các ngân hàng thương mại trong việc giãn, hoãn nợ và giữ nguyên nhóm nhợ cho khách hàng. Tuy nhiên, dù trao quyền chủ động, nhưng lãnh đạo NHNN yêu cầu khi các TCTD thực hiện việc giãn, hoãn nợ phải thực tế, không làm tăng thêm điều kiện, thủ tục cho khách hàng. Việc cho phép giãn, hoãn nợ phải dựa trên đánh giá sự sụt giảm doanh thu dẫn đến khó khăn dòng tiền; giãn, hoãn cho những khách hàng bị ảnh hưởng khách quan, có khả năng phục hồi; còn những dự án làm ăn thua lỗ, yếu kém của doanh nghiệp thì phải thận trọng.

Ngược lại, với những khách hàng có khả năng phục hồi tốt thì ông Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng phải giãn, hoãn thực chất, đảm bảo cơ cấu thời hạn hợp lý. Ngoài ra, Phó Thống đốc yêu cầu chi nhánh NHNN các tỉnh/thành phố theo dõi sát sao tình hình thực hiện giãn, hoãn nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn; phát hiện và xử lý nghiêm các ngân hàng thực hiện không đúng chủ trương giãn, hoãn nợ, gây khó khăn thiệt hại cho doanh nghiệp...

Đánh giá về tác động của Thông tư 02, các chuyên gia tài chính kỳ vọng sẽ phần nào tháo gỡ những vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp, cứu các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản hiện nay. Theo nhận định của các chuyên gia Chứng khoán VNDirect, không chỉ tác động tích cực tới doanh nghiệp mà Thông tư 02 còn có tác động tích cực lên một số các ngân hàng. Trước đó, triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản vẫn là một vấn đề đáng quan tâm đối với ngành Ngân hàng. Với Thông tư 02, áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng sẽ được giảm thiểu khi nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024.

Nhóm phân tích cho rằng, Thông tư sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản/vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng như Techcombank, MB, VPBank; vì các ngân hàng này đang đối diện với rủi ro trích lập dự phòng cao hơn so với các ngân hàng có mô hình kinh doanh "an toàn" - ít cho vay bất động sản, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, trong thời điểm này.

Được biết, cùng với Thông tư 02, NHNN cũng ban hành Thông tư 03 đã hoãn thi hành Khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021, đồng nghĩa với việc tiếp tục cho phép ngân hàng được quyền mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Thông tư 03 sẽ cho phép các ngân hàng chủ động, linh hoạt mua lại trái phiếu của nhà đầu tư cá nhân, qua đó tăng tính thanh khoản cho thị trường, giảm áp lực đáo hạn trái phiếu, cũng là cách để tăng vai trò tạo lập thị trường của ngân hàng…

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/gian-hoan-no-ngan-hang-doanh-nghiep-cung-co-loi-i692152/