Gian nan bán vé số mưu sinh

Ở chợ, quán ăn, quán cà phê hay trên những con phố có nhiều người lớn tuổi đi bán vé số dạo. Nghề bán vé số giúp người lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn có thu nhập, trang trải cuộc sống.

KHÔNG MUỐN LÀM GÁNH NẶNG CHO CON, CHÁU

Vừa bán vé số vừa chăm chồng bị bệnh phổi nằm một chỗ, bà Thị Hạnh (77 tuổi), ngụ ấp Hòa Mỹ, xã Định Hòa, huyện Gò Quao (Kiên Giang) vất vả mưu sinh. Hàng ngày, từ 4 giờ sáng, bà nấu cơm cho chồng rồi đi bộ hơn 7km đến chợ Đường Xuồng, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) bán vé số. Đến trưa bà về nhà nấu cơm, ăn cơm rồi tiếp tục đi bán.

Bà Hạnh nói: “Vợ chồng tôi có 4 con đều đi làm xa và có hoàn cảnh khó khăn nên không thể phụng dưỡng cha mẹ. Tôi bán vé số từ năm 44 tuổi đến nay, còn sức tôi còn bán. Với số tiền kiếm được khoảng 100.000 đồng/ngày giúp vợ chồng tôi sống qua ngày”.

Bà Thị Hạnh bán vé số cho khách.

Bà Thị Hạnh bán vé số cho khách.

Từng là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Tân Hồng, xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang), có hơn 10 công đất, ông Trung Văn Đạt (66 tuổi) phải bán hết tài sản để chữa bệnh tai biến cho bản thân và mẹ vợ. Sức khỏe ổn định, ông đến TP. Rạch Giá mưu sinh, ông ở trọ tại phường Rạch Sỏi. Vợ ông ở nhà chăm cháu để các con đi làm xa.

Hàng ngày với chiếc xe ba bánh được đồng nghiệp cũ đóng góp mua tặng, ông Đạt rong ruổi bán vé số kiếm tiền gửi về cho vợ. Ông Đạt cho biết: “Không muốn làm gánh nặng cho người khác nên tôi đi bán vé số dạo ở TP. Rạch Giá. Mỗi ngày tôi bán từ 100-200 tờ, sau khi trừ chi phí ăn ở, tôi gửi cho vợ 500.000 đồng/tháng”.

Ông Trung Văn Đạt bán vé số dạo trên chiếc xe ba bánh.

Là hộ nghèo, ở một mình, ông Võ Văn Bé (76 tuổi), ngụ ấp Đồng Giữa, xã Nam Thái, huyện An Biên (Kiên Giang) chọn nghề bán vé số để mưu sinh tuổi xế chiều. Ông bán vé số ở thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, mỗi ngày kiếm khoảng 150.000 đồng.

“Nhiều người thấy tôi già, không chỉ mua vé số còn cho tôi tiền, gạo, quần áo cũ. Bán vé số là nghề chân chính giúp tôi kiếm tiền lo cho bản thân, không làm phiền con cháu”, ông Bé chia sẻ.

NHIỀU LẦN BỊ CƯỚP, LỪA GẠT

Đi bán vé số dạo, nhiều người lớn tuổi bị cướp, lừa gạt. Hơn 30 năm bán vé số dạo, bà Thị Hạnh nhiều lần trở thành nạn nhân của những kẻ cướp giật, lừa đảo. Bà 2 lần bị thanh niên điều khiển xe gắn máy chạy áp sát, giật tiền và vé số.

Lần khác, có người nhờ bà Hạnh đổi 15 tờ vé số trúng giải 100.000 đồng/tờ. Thấy số tiền trúng không lớn, nếu đổi người này sẽ mua cho bà 20 tờ vé số nên bà đồng ý. Khi bà đến đại lý đổi tiền mới phát hiện vé số bị cạo sửa. Bà Hạnh nói: “Tuổi già, mắt mờ nên tôi không nhận ra vé số giả, khi bị cướp, tôi không có sức chống trả. Những lúc như vậy tôi chỉ biết ngồi bệt xuống đường khóc”.

Ông Đạt từng phải bỏ nghề vì bị lừa mất tất cả tiền tiết kiệm và 150 tờ vé số. Hai năm trước, có một phụ nữ khoảng 35 tuổi, mang thai đến nói với ông là mới trúng số độc đắc muốn mua 500 tờ vé số làm từ thiện, đặc biệt muốn mua vé số của người nghèo để tặng thêm tiền. Lúc đó, ông Đạt còn 150 tờ, người phụ nữ gợi ý ông đến đại lý lấy vé số thêm và kêu ông đưa tiền cho đếm lại có thể mua thêm được bao nhiêu tờ vé số.

"Tôi đưa cho người phụ nữ ấy tất cả tiền tiết kiệm 4,5 triệu đồng. Sau khi cầm trên tay tiền và vé số, người này nhanh chóng lên xe chạy mất. Lúc đó tôi chưa hiểu chuyện gì xảy ra, tôi mất tất cả và phải tạm bỏ nghề bán vé số vì hết vốn”, ông Đạt kể.

Đa số người lớn tuổi bán vé số đều hoàn cảnh khó khăn. Mỗi lần bị cướp, lừa mất vé số, họ phải đi vay mượn khắp nơi để trang trải cuộc sống. Nghề bán vé số tưởng đơn giản nhưng lại nhiều gian nan khi người lớn tuổi chọn gắn bó để tìm kế sinh nhai.

Bài và ảnh: BẢO TRÂN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//xa-hoi/gian-nan-ban-ve-so-muu-sinh-13262.html