Gian nan công tác vận động học sinh đến trường đầu năm học mới ở Nàn Xỉn

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi được thầy giáo Tô Quang Trọng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần đưa đi xã Nàn Xỉn (Xín Mần); một trong 4 xã biên giới có điều kiện giao thông và hạ tầng còn nhiều khó khăn để cùng thầy, cô giáo vận động học sinh đến trường. Nằm khuất sau dãy núi Gia Long, thời gian này, xã Nàn Xỉn đang khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho học sinh bước vào năm học mới. Được sự quan tâm đầu tư phát triển giáo dục vùng cao, phụ huynh học sinh của xã đã được nâng cao về nhận thức, tự giác đưa con em tới trường; tuy nhiên một số ít học sinh vẫn phải tới tận nhà vận động…

Thầy giáo Lý Văn Thắng vận động em Ly Thị Óng đến lớp học.

Thầy giáo Lý Văn Thắng vận động em Ly Thị Óng đến lớp học.

Trường Tiểu học Nàn Xỉn có 23 lớp với 1 trường chính và 7 điểm lẻ tại các thôn, với 464 học sinh. Tới thời điểm hiện tại, đã có 452 em nhập học; còn một số em đang được các thầy, cô vận động. Cùng 2 thầy giáo là Lù Văn Lợi và Lý Văn Thắng đến thôn Đông Lợi để vận động gia đình em Ly Thị Óng, học sinh lớp 4 mới thấy những vất vả của thầy, cô giáo nơi đây. Con đường đến thôn Đông Lợi chỉ có 1 km từ trung tâm xã đã được bê tông hóa, còn lại hơn 10 km là đường đất đỏ; mỗi khi có mưa, con đường lại trở nên trơn trượt... Thôn Đông Lợi nằm gần xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì) với 100% là người dân tộc La Chí. Muốn đi xe máy tới thôn phải vòng qua xã Bản Phùng, nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất của huyện. Qua câu chuyện, suốt chặng đường đi, chúng tôi mới biết thầy giáo Thắng là người dân tộc La Chí, công tác ở trường được 4 năm và là người được các thầy, cô giáo Mầm non và Tiểu học tin tưởng phân công đi vận động học sinh tới lớp; bởi vì thầy Thắng là người địa phương biết tiếng dân tộc La Chí.

Đường tới thôn Đông Lợi, xã Nàn Xỉn.

Đường tới thôn Đông Lợi, xã Nàn Xỉn.

Có nhiều lý do để học sinh không tới lớp, do nhà nghèo nên ở nhà phụ giúp bố mẹ; xa trường không người đưa đón. Với em Ly Thị Óng, lý do lại xuất phát từ bản thân. Óng học lớp 4 và theo học ở trường chính một năm; nhưng do hay ốm vặt nên không muốn ở trường, dù thầy, cô và mẹ đã vận động nhiều lần. Nhà em Óng nằm tách biệt hoàn toàn với mọi nhà khác trong bản; thậm chí không có đường mòn để vào. Thầy Thắng dẫn chúng tôi men bờ ruộng, vượt một con dốc đứng mới tới được nhà. Thầy Thắng cất tiếng gọi bằng tiếng La Chí, từ trong nhà, mẹ và 3 chị em Óng ra cửa đón. Chị Lùng Thị Dể cho biết, vẫn cho Óng và anh, chị của Óng đi học dù đường xa; nhưng cái Óng hay ốm, đêm hay bị đau bụng nên không muốn ở lại trường. Thầy Thắng trò chuyện với chị rất lâu bằng tiếng La Chí rồi thuật lại cho chúng tôi…, còn Óng nhút nhát mãi chẳng chịu lại gần nghe thầy vận động; về sau chạy ra sàn phơi thóc ngồi, thầy Thắng ra ngồi bên cạnh dỗ dành, ân cần khuyên em đến lớp cùng bạn bè và cuối cùng, thầy Thắng cũng nhận được cái gật đầu của em. Để vận động được học sinh đến lớp, các thầy, cô giáo nơi núi cao phải thấu hiểu hoàn cảnh gia đình từng em để đánh đúng tâm lý mới được các em đồng ý đến lớp học. Tâm sự về những lần vận động học sinh, thầy Lý Văn Thắng cho biết: Có lần vận động một học sinh, thầy phải lặn lội đến nhà 10 lần mới nhận được cái gật đầu của gia đình học sinh.

Trường Tiểu học xã Nàn Xỉn đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để đón học sinh vào năm học mới, các phòng học cũng đang được gấp rút hoàn thiện; sách vở, cặp sách cho học sinh đều đã được nhà trường chuẩn bị với sự hỗ trợ của các đoàn từ thiện trong và ngoài tỉnh; tin rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, năm học mới ở các xã biên giới sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa...

Bài, ảnh: Trọng Toan

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/201909/gian-nan-cong-tac-van-dong-hoc-sinh-den-truong-dau-nam-hoc-moi-o-nan-xin-749530/