Gian nan đường đến trường

Hơn một tháng sau khi những trận mưa lũ kinh hoàng đi qua, đường đến trường của nhiều giáo viên và học sinh ở huyện miền núi Hướng Hóa vẫn còn lắm gian nan.

 Sau mưa lũ, đường đến trường của nhiều giáo viên ở huyện Hướng Hóa rất khó khăn, nguy hiểm - Ảnh: B.L

Sau mưa lũ, đường đến trường của nhiều giáo viên ở huyện Hướng Hóa rất khó khăn, nguy hiểm - Ảnh: B.L

Điểm trường Tà Rùng thuộc Trường Tiểu học Húc, nơi có 123 học sinh của bản nghèo Tà Rùng, xã Húc đang theo học. Đợt mưa lũ vừa qua đã làm 2 học sinh ở đây vĩnh viễn không còn được đến trường. Những bài học nơi điểm trường nghèo này đã được nối lại nhưng nỗi kinh hoàng, ám ảnh vẫn còn hiện trên mỗi khuôn mặt trẻ thơ hồn nhiên. Chỉ có tình yêu của thầy cô ở đây mới có thể sưởi ấm, tạo động lực học tập cho các em. Năm nay 35 tuổi, đã hơn 10 năm bám trụ với các bản, làng trên địa bàn huyện Hướng Hóa nói chung và điểm trường Tà Rùng nói riêng, những khó khăn, gian khổ, cô giáo Lê Thị Loan đều đã trải qua, nhưng chưa lúc nào, con đường đến trường của cô lại gian nan như lúc này.

Trận bão lũ kinh hoàng vừa qua đã cuốn đi con đường quen thuộc hằng ngày cô vẫn đến trường trước đây, thay vào đó là lối đi không rõ hình hài, lắm hiểm nguy. Đường đến trường là vậy nhưng tình yêu thương dành cho học sinh nghèo đã khiến cô Lê Thị Loan vượt qua tất cả. Cô Loan chia sẻ: “Sau mỗi ngày đi dạy về, đêm đến nghe tiếng mưa ngoài trời chúng tôi lại lo lắng bởi con đường đến trường ngày mai của mình gồ ghề bùn đá, một bên là núi, bên là vực, không biết có an toàn hay không. Nhưng 10 năm công tác ở bản, chúng tôi thấu hiểu nổi mong chờ của các em nên lấy đó làm động lực vượt qua tất cả để đến với các em”.

Anh Hồ Văn Chung, một người dân ở thôn Tà Rùng từng có ý định cho con mình nghỉ học sau đợt mưa lũ kéo dài, nhưng trước tấm chân tình của các thầy cô giáo ở đây, anh đã từ bỏ suy nghĩ đó. “Sau mưa lũ thấy đường đến trường nguy hiểm trong khi gia đình cũng quá khó khăn nên chúng tôi không cho con đến trường học nữa. Nhờ các thầy cô đến nhà vận động nên tôi đã thay đổi suy nghĩ. Điều khiến gia đình hết sức cảm động là những lúc tôi lên rẫy thì giáo viên tự nguyện đến nhà chở cháu đi học. Bây giờ dù khó khăn đến mấy cũng theo lời thầy cô cho con trường học hành để sau này trở thành người có ích. Gia đình biết ơn các thầy cô nhiều lắm”, anh Chung nói.

Điểm trường Ra Ty, Trường Mầm non Hướng Lộc có 1 phòng học duy nhất là ngôi nhà cấp 4 mái lợp tôn, nơi nuôi dạy 20 trẻ của thôn nghèo Ra Ty, xã Hướng Lộc nằm chênh vênh trên đỉnh dốc. Trải qua 3 năm gắn bó với điểm trường này, nhiều khi cô giáo Lê Thị Thúy An phải ở lại trường cả tuần, nhất là vào mùa mưa bão vì đi lại quá khó khăn, nguy hiểm. Lắm lúc cô An và các giáo viên khác phải ăn, ngủ nhờ nhà người dân trong bản vì lương thực, thực phẩm mang theo đã hết. Chứng kiến cảnh ăn ở tạm bợ của các cô giáo ở đây mới cảm nhận được những vất vả mà họ và đang trải qua. Cô giáo Thúy An chia sẻ: “Những ngày mưa bão liên tiếp, tôi đã thu xếp việc gia đình lên đây để bám trường, bám lớp. Gian khó thì nhiều nhưng tôi có niềm vui, niềm tin lớn để vượt qua là trẻ được đến trường, bà con dân bản đùm bọc, tin yêu”.

Tổ chức tốt giảng dạy gắn với vận động học sinh đến lớp đầy đủ được xem là việc làm thường xuyên của các giáo viên cắm bản, song với những giáo viên ở huyện miền núi Hướng Hóa, chưa có năm học nào công việc này lại gian nan như thời điểm này. Đường đến trường của các thầy cô xa hơn, nguy hiểm hơn bởi sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào; việc huy động học sinh, trẻ mầm non đến lớp đầy đủ chất chồng gian nan bởi thiên tai liên tiếp đẩy nhiều gia đình lún sâu vào khó khăn.

Thầy giáo Đoàn Văn Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Húc cho biết: “Để bảo đảm việc dạy và học ở những điểm trường bị thiệt hại nặng do mưa lũ, trước mắt nhà trường động viên thầy cô tích cực cắm bản, cùng ăn cùng ở với dân để huy động học sinh đến lớp đầy đủ, tổ chức dạy bù cho kịp chương trình. Cùng với đó chúng tôi chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, các đồ dùng thiết yếu để các thầy cô yên tâm công tác”.

Giữa bộn bề khó khăn, hiểm nguy, nhiều giáo viên ở huyện Hướng Hóa hằng ngày vẫn kiên trì cắm bản. Niềm vui, động lực vươn tới của họ là bước chân học sinh rộn ràng đến trường đều đặn vào mỗi buổi sáng sau nhiều ngày đóng cửa vì mưa lũ.

Bích Liên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=153816