Gian nan ngăn chặn nạn tảo hôn ở Sa Pa

Bài 1: Cánh én báo mùa Xuân vui

Bài 2: Tảo hôn vẫn còn nhức nhối

Công tác phòng, chống tảo hôn trên địa bàn huyện Sa Pa trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng tình trạng tảo hôn ở một số xã vùng cao Sa Pa vẫn tiếp tục có dấu hiệu gia tăng và “cuộc chiến” chống lại hủ tục tảo hôn vẫn chưa có hồi kết.

“Khăn quàng đỏ” bỏ học lấy chồng

Trở lại câu chuyện ở Trường Phổ thông DTBT THCS Tả Giàng Phình (Sa Pa), năm học 2019 – 2020, trường có 8 lớp học với 266 học sinh, đều là người dân tộc Mông, trong đó có 138 học sinh ở bán trú tại trường. Mặc dù từ đầu năm học đến nay mới có 2 học sinh bỏ học không ra lớp, nhưng thầy cô giáo vẫn rất lo lắng khi sắp đến mùa tết, cũng là mùa lễ hội - thời điểm dễ “mất” học sinh do tảo hôn.

Tình trạng tảo hôn khiến các nhà trường đau đầu tìm cách duy trì sĩ số (Trong ảnh: Giờ học của học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Tả Giàng Phình - ảnh minh họa)

Tình trạng tảo hôn khiến các nhà trường đau đầu tìm cách duy trì sĩ số (Trong ảnh: Giờ học của học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Tả Giàng Phình - ảnh minh họa)

Thầy giáo Đoàn Văn Nhượng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Tả Giàng Phình chia sẻ: Năm học 2018 - 2019, trường có 4 học sinh tảo hôn. Ngay khi phát hiện các em có ý định lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi, thầy cô giáo đã tích cực vận động các em không được tảo hôn, chính quyền xã cũng không đăng ký kết hôn, nhưng do tập tục lạc hậu và ảnh hưởng từ phía gia đình nên các em vẫn về ở với nhau như vợ chồng. Đa số các trường hợp học sinh tảo hôn đều dẫn tới bỏ học. Hiện nay, trong số học sinh lớp 9 vẫn còn em Hạng Thị S nhà ở thôn Móng Xóa, học sinh lớp 9 sắp cưới chồng. Thầy cô giáo đang tích cực vận động em bỏ ý định tảo hôn để tiếp tục đến trường.

Tại Trường THCS Tả Phìn, theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng học sinh tảo hôn trong những năm qua cũng rất đáng quan tâm. Năm học 2018 - 2019, một số học sinh dân tộc Mông từ lớp 7 đến lớp 9 (14 - 16 tuổi) nhưng đã lấy vợ, lấy chồng. Đó là các em: Giàng Thị S, Giàng Thị P (học sinh lớp 7), Giàng Thị M, Giàng Thị P, Giàng Thị D, Vàng Thị C (học sinh lớp 8). Một cô giáo làm công tác chủ nhiệm lớp của trường chia sẻ: Trong năm học trước, lớp tôi chủ nhiệm có 2 học sinh tảo hôn, còn năm học này có 1 học sinh nữ mới lấy chồng cách đây hơn một tháng vẫn đang học tập tại trường. Từ khi về ở nhà chồng, học sinh này hay nghỉ học hơn trước, tôi cũng rất lo chỉ sợ em phải bỏ học giữa chừng.

Học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Tả Giàng Phình tại khu vực bán trú.

Học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Tả Giàng Phình tại khu vực bán trú.

Qua khảo sát của các huyện, thành phố, trong quý I/2019, trên địa bàn tỉnh có 112 trường hợp tảo hôn. Tình trạng tảo hôn xảy ra tại 8 huyện, bao gồm: Sa Pa 30 trường hợp, Bát Xát 22 trường hợp, Bắc Hà 20 trường hợp, Mường Khương 10 trường hợp, Bảo Yên 10 trường hợp, Si Ma Cai 7 trường hợp, Văn Bàn 7 trường hợp và Bảo Thắng 6 trường hợp; riêng huyện Sa Pa có tới 19 trường hợp tảo hôn là học sinh đang học THCS.

Theo thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, năm 2008, huyện Sa Pa có 71 phụ nữ sinh con trước tuổi 18 (chiếm 5,7% tổng số ca đẻ). Sau 11 năm, đến hết năm 2018, Sa Pa có 68 phụ nữ sinh con trước tuổi 18 (chiếm gần 5,3%). Các chuyên gia xã hội chứng minh rằng tảo hôn, sinh con sớm làm tăng gấp 2 lần tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, biểu hiện thiếu cân và thấp còi; tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ em từ 1 đến 5 tuổi; tăng tỷ lệ tử vong của các bà mẹ mang thai sớm (cao gấp 5 lần) so với những người mẹ trên 20 tuổi. Tảo hôn là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo và thất học.

Xã nông thôn mới lại “nóng” tảo hôn

Trong khi thực hiện loạt phóng sự về tình trạng tảo hôn đang có dấu hiệu gia tăng ở Sa Pa, điều làm chúng tôi không khỏi băn khoăn đó là vấn nạn tảo hôn không chỉ xảy ra ở các xã khó khăn, mà xảy ra ở cả một số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sa Pa, trong 9 tháng năm 2019, toàn huyện có 33 trường hợp tảo hôn, trong đó nhiều nhất là ở xã Hầu Thào (7 trường hợp), Tả Phìn (5 trường hợp), Nậm Cang (4 trường hợp), Tả Van (3 trường hợp),…

Xét riêng hai xã được coi là có điều kiện kinh tế - xã hội thuộc tốp đầu của Sa Pa, đặc biệt đều đã về đích nông thôn mới như Nậm Cang (đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014), Tả Phìn (đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2018) thì tình trạng tảo hôn lại có diễn biến phức tạp. Ở hai xã này, từ năm 2017 đến nay, mỗi xã đều có 10 trường hợp tảo hôn, trong đó tình trạng tảo hôn ở xã Tả Phìn còn có chiều hướng gia tăng. Các cặp tảo hôn chủ yếu ở đồng bào dân tộc Mông, Dao. Qua khảo sát thực tế tại hai xã này, chúng tôi thấy số trường hợp tảo hôn có thể còn cao hơn trong các báo cáo.

Câu hỏi đặt ra là tại sao vấn nạn tảo hôn lại xảy ra ở ngay những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới? Đã có bao nhiêu học sinh phải bỏ học giữa chừng, bao nhiêu trẻ em sinh ra do tảo hôn ở những xã nông thôn mới này phải chịu thiệt thòi? Khi tìm hiểu thực tế ở xã Tả Phìn, chúng tôi không thể tiếp cận được với các thông tin từ UBND xã Tả Phìn vì nhiều lần gọi điện thoại cho Chủ tịch UBND xã đều không nghe máy, còn Phó Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, đồng thời là Trưởng Ban Phòng chống tảo hôn xã lại từ chối cung cấp thông tin cho phóng viên. Phải chăng xã Tả Phìn vừa đạt chuẩn nông thôn mới nên lãnh đạo xã không muốn nhắc đến sự thật này vì lo ảnh hưởng đến thành tích?

Cần quyết liệt hơn trong phòng, chống tảo hôn

Trước thực tế tình trạng tảo hôn đang có dấu hiệu gia tăng ở một số xã trên địa bàn huyện Sa Pa, vấn đề đặt ra là làm thế nào để phòng ngừa, ngăn chặn tảo hôn hiệu quả? Nhìn từ một số xã những năm qua đã thành công bước đầu trong việc giảm tỷ lệ tảo hôn có những giải pháp khá thiết thực.

Ông Tẩn Ỳ Guyện, Chủ tịch UBND xã Suối Thầu, nơi trước đây là “điểm nóng” tảo hôn, nay đã giảm cơ bản vấn nạn này chia sẻ: Cách đây 4 - 5 năm, ở Suối Thầu tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến trong đồng bào Dao đỏ. Hai năm trở lại đây, Suối Thầu gần như không có tảo hôn, lý do chính vì trường THCS được xây dựng khang trang ngay tại thôn trước đây có tỷ lệ tảo hôn cao nhất. Giờ đây đa số học sinh được đến trường, được thầy cô giáo và cán bộ xã tuyên truyền, các bậc phụ huynh cũng được nâng cao nhận thức nên tỷ lệ tảo hôn giảm xuống.

Người dân thôn Nậm Ngấn, xã Nậm Sài (Sa Pa) tích cực phát triển kinh tế, đẩy lùi lạc hậu, đói nghèo.

Người dân thôn Nậm Ngấn, xã Nậm Sài (Sa Pa) tích cực phát triển kinh tế, đẩy lùi lạc hậu, đói nghèo.

Tại xã Nậm Sài, bà Đào Thị Sần, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: Ở thôn Nậm Ngấn, tỷ lệ tảo hôn mấy năm qua giảm xuống là do bà con đưa nội dung chống tảo hôn vào hương ước để xử lý vi phạm. Toàn bộ số tiền phạt sẽ được đưa vào quỹ thôn để khen thưởng những gia đình chấp hành tốt quy định này. 4 năm qua, thôn Nậm Ngấn có 4 trường hợp vi phạm bị phạt theo hương ước, không có ngoại lệ, nên tảo hôn giảm rõ rệt.

Đối với xã Trung Chải, nơi tình trạng tảo hôn diễn ra nhiều ở đồng bào dân tộc Mông, theo ông Đỗ Công Quyền, Chủ tịch UBND xã, thời điểm trước và sau Tết Nguyên Đán hằng năm là mùa cưới hỏi, mùa lễ hội của người Mông, người Dao, nên Ban Chỉ đạo phòng, chống tảo hôn tập trung tuyên truyền, vận động với đối tượng học sinh THCS, THPT và gia đình có con ở độ tuổi học THCS trở lên, để nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của tảo hôn nhằm ngăn chặn kịp thời.

Mặc dù tình trạng tảo hôn đang diễn ra nhiều ở một số xã vùng cao Sa Pa, nhưng trong quá trình tìm hiểu thực trạng này, chúng tôi nhận thấy lãnh đạo cấp ủy, chính quyền một số xã còn chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, sự phối hợp giữa các xã trong ngăn chặn tảo hôn còn nhiều khó khăn. Vì thế, cùng với các giải pháp trên, cấp ủy, chính quyền các xã cần nhìn thẳng vào sự thật, vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt trong phòng, chống, ngăn chặn tảo hôn, làm tốt công tác phối hợp với nhau trên “mặt trận” này thì mới đem lại hiệu quả. Việc các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới như Tả Phìn, Nậm Cang mà vẫn để xảy ra tình trạng tảo hôn thì trước hết lãnh đạo xã phải chịu trách nhiệm.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Sa Pa, cơ quan thường trực về phòng, chống tảo hôn của huyện cho biết: Việc phòng, chống tảo hôn trên địa bàn huyện Sa Pa hiện nay là “bài toán” nan giải và không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Để giảm thiểu tảo hôn, cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ đó sẽ tìm ra được lối ra cho vòng tròn luẩn quẩn tảo hôn - bỏ học - đói nghèo vẫn quấn chặt lấy đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao Sa Pa suốt những năm qua, giúp nhân dân có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc.

Tuấn Ngọc – Tô Dung

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/gian-nan-ngan-chan-nan-tao-hon-o-sa-pa-z5n20191130100815592.htm