Gian nan nghề câu mực khơi

Núi Thành ( Quảng Nam) hiện có gần 2.000 phương tiện đánh bắt hải sản, trong đó có trên 400 tàu công suất lớn hoạt động xa bờ, với khoảng 4.500 người khai thác nghề biển. Trong đó, riêng tàu câu mực khơi có số lượng khá nhiều, hàng năm, thu về hàng trăm tấn mực khô, giúp cho nhiều ngư dân vươn lên làm giàu, xóa nghèo từ những chuyến vươn khơi. Song, bên cạnh những tấn mực cùng với niềm đam mê biển là sự gian nan vất vả, bởi người thợ câu thường xuyên đối mặt với những rủi ro luôn rình rập.

Tàu mực khơi cập cảng cá Tam Quang.

Tàu mực khơi cập cảng cá Tam Quang.

Niềm đam mê và sức hấp dẫn từ biển cả

Vừa trở về từ ngư trường Trường Sa, ngư dân Phạm Thế Sự (45 tuổi, trú xã Tam Quang) phấn chấn chia sẻ: “Đây là chuyến thứ hai trong năm 2024. Chuyến trước câu được 4 tạ vào sớm do thời tiết, chuyến này câu được 6 tạ sau 2 tháng ra khơi”. Điều đáng nói, anh Sự là một trong 42 ngư dân thoát chết, được cứu sống từ tàu 90129 TS do ông Lương Văn Viên làm thuyền trưởng không may bị lốc đánh chìm vào ngày 16-10-2023. Chỉ sau 4 tháng tàu anh gặp nạn, các anh lại ra khơi đánh bắt. Anh nói: “Nghề này tuy rất vất vả nhưng biển, sóng và gió đã ăn sâu vào máu thịt của ngư dân chúng tôi từ lâu lắm rồi, như duyên nợ với biển vậy, vào bờ được vài hôm lại muốn ra khơi. Vì thế, anh em chúng tôi cứ mãi bám biển vươn khơi cho đến khi nào sức khỏe không cho phép”…

Ông Nguyễn Quốc Dũng phụ trách Nông nghiệp xã Tam Quang cho biết, xã Tam Quang hiện nay có 9 chiếc tàu đánh bắt mực khơi, trong đó có 5 chiếc mành chụp. Mỗi năm các tàu ra khơi 4 chuyến, đa phần các tàu sau mỗi chuyến đều thu nhập khá, mỗi lao động cập bờ bình quân câu được từ 4 - 5 tạ mực trở lên.

Còn xã Tam Giang, nơi khai sinh ra nghề câu mực khơi ở Núi Thành hiện nay có trên 50 chiếc tàu câu mực khơi và 20 chiếc mành chụp. Trung bình mỗi tàu có 45-50 bạn câu nên số lượng ngư dân tham gia hành nghề không hề nhỏ.

Sự hấp dẫn của biển cả, nguồn thu nhập cao đã cuốn hút nhiều thanh niên ra khơi mỗi ngày một nhiều hơn, nhất là các xã Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải. Mỗi năm ra khơi bốn chuyến bắt đầu từ tháng giêng và kết thúc trước mùa mưa bão. Năm nào trời yên biển lặng được mùa được giá, sau khi trừ chi phí xong, mỗi thợ câu thu về hàng trăm triệu đồng.

Gian nan với nghề

Để chuẩn bị cho một chuyến ra khơi, người thợ câu chuẩn bị khá đơn giản. Ngoài những dụng cụ sinh hoạt cá nhân và đồ câu, còn lại những gì phục vụ yêu cầu cho một chuyến đi đều do chủ tàu lo liệu. Trước cơn bão giá về xăng dầu, lương thực, thực phẩm, các vật dụng thiết yếu đều tăng nên chi phí cho một chuyến câu là rất lớn.

Từ bến khởi hành 3 ngày 2 đêm mới đến được ngư trường, nơi câu thường là ở đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Một ngày làm việc của mỗi ngư dân bắt đầu từ 15 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. 15 giờ chiều tàu cái sẽ thả lần lượt các thúng chai xuống biển, mỗi lần thả 5 chiếc. 50 chiếc thúng chai được rải đều theo một hàng dọc chạy dài trên 10 hải lý, thúng này cách thúng kia khoảng từ 500m đến 700m. Đến 18 giờ chiều là xong việc thả thúng. Tàu quay về vị trí trung tâm để theo dõi hỗ trợ các thợ câu khi cần thiết. Lúc này trời bắt đầu nhá nhem tối cũng là lúc người thợ câu móc mồi buông câu… Mực ăn xuyên đêm, mỗi con mực câu lên nặng từ 3-4 lạng đến 1kg có con 1kg4, nhiều con mực to phải gồng tay mà kéo. Giữa đêm tối mịt mùng, chiếc thuyền thúng và người thợ câu chao nghiêng cùng mái chèo trên sóng nước đen ngòm. Những lo sợ giữa bóng đêm nhanh chóng qua đi nhường chỗ cho sự hấp dẫn bởi những con mực bắt đầu cắn câu.

Ngư dân làng chài Thanh Long chuẩn bị mùa câu mực mới.

Ngư dân làng chài Thanh Long chuẩn bị mùa câu mực mới.

Quanh chiếc thuyền thúng là ngọn đèn chớp nháy được thả trên bề mặt nước biển để dụ mực đến. Điệp khúc thả mồi xuống biển kéo mực lên cứ thế theo thời gian đến tận trời hừng đông, lúc này thuyền lớn tới vớt người và thúng lên boong tàu. Lên tàu là tranh thủ ngủ để 10 giờ dậy xẻ mực phơi khô. Mực phơi được ngư dân túc trực bên giàn phơi trở đi trở lại nhiều lần cho mực khô, đến 3 giờ chiều lại xuống thúng, khép lại công việc của một ngày lao động tất bật giữa khơi xa với nhiều cung bậc cảm xúc lẫn nỗi vất vả, gian nan nhưng đầy sự hấp dẫn cùng với đam mê biển cả.

Ngư dân Nguyễn Quốc Tài (41tuổi) bên chiếc thúng chai đang trét lại dầu chuẩn bị ra khơi “lèo” thứ ba trong vài ngày tới chia sẻ: “Nghề câu mực khơi gian nan mọi bề từ cái ăn, cái ngủ thậm chí đến tắm rửa. Nhất là ngủ không đủ giấc và thiếu rau xanh, ngày ngủ chỉ có 3 giờ, tắm nước ngọt chỉ được mỗi người một lần nhiều nhất 2 lít nước ngọt tước (dội) lại. Vất vả là vậy song nó hấp dẫn và lôi cuốn vô cùng.”

“ Nghề này gian nan, cơ cực và không kém phần rủi ro, giữa đại dương mênh mông những ngư dân với chiếc thúng tròn bầu bạn từng đêm, tròng trành trên sóng nước trong đêm khuya với nhiều nỗi lo như gió lốc, cá lớn. Đánh cược mạng sống với sóng nước song vì mưu sinh hơn nữa lòng yêu biển, yêu nghề đã làm vơi đi những nỗi lo thường trực”- lão ngư Nguyễn Sen (60 tuổi) ở làng chài Thanh Long Tam Quang có thâm niên trên 10 năm đánh bắt mực khơi tiếp lời.

Nỗi lòng người thân cùng những mong muốn

Ngoài khơi xa ngư dân vất vả dường nào thì ở đất liền là nỗi lo đau đáu của người thân, nhất là mỗi khi nghe đài báo bão, áp thấp. Bà Bùi Thị Thúy (34) có chồng thường xuyên câu mực khơi trải lòng: “Vì cuộc sống mưu sinh, chồng bám biển thường xuyên. Mẹ con tôi ra bến tiễn anh bao lần rồi không nhớ, chỉ đọng lại nỗi lo và khắc khoải đợi chờ qua từng chuyến anh đi. Không chỉ một mình tôi mà còn nhiều người vợ mải ngóng thương chồng, lo nhất là những ngày nghe tin đài báo bão”. Còn chị Hiếu (40 tuổi) thôn Thanh Long trăn trở: “ Dân ở đây đa phần sống nhờ vào biển, biển đã mang đến cho họ miếng cơm, manh áo nhưng có những lúc biển nổi cơn thịnh nộ làm cho chúng tôi lo lắng, như vụ lốc xoáy vào tháng 10-2023 đã đánh chìm 2 chiếc tàu câu mực ở Núi Thành, chồng tôi là 1 trong 42 thuyền viên may mắn được cứu sống...”.

Được biết, hiện nay các tàu đánh bắt xa bờ được trang bị khá đầy đủ từ các phương tiện đánh bắt, sinh hoạt cho đến máy thông tin tầm xa (ICOM), máy thông tin tầm gần trên các thúng câu để liên lạc thường xuyên với nhau và kết nối cùng đất liền. Nhờ thế mà ngư dân yên tâm bám biển. Ngoài lợi ích kinh tế, ngư dân đang góp phần gìn giữ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Họ là những “cột mốc sống” minh định vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Thiết nghĩ các Hiệp hội đoàn thể tăng phần động viên, chia sẻ, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và lắng nghe những điều cần nói từ những “cần thủ”. Cùng đó, xây dựng chế độ đãi ngộ cho những người “lính” tiền phương như tổ chức khám sức khỏe định kỳ bên cạnh tuyên dương, ngợi ca những nét đẹp những gương sáng chịu thương chịu khó của các ngư dân để họ có thêm động lực từ hậu phương. Có như thế mới giúp cho ngư dân yên tâm bám biển vươn khơi lâu dài, vừa làm giàu cho bản thân, gia đình và cho xã hội, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo Việt Nam.

Lê Văn Vinh

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/gian-nan-nghe-cau-muc-khoi-post301385.html