Gian nan như lính tàu buồm

Tháng 4 năm nay, Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn tiếp tục thực hành huấn luyện biển đường dài cho học viên sĩ quan năm cuối kết hợp thăm, giao lưu với hải quân các nước Singapore và Indonesia. Sau hải trình kéo dài 34 ngày với hơn 2.600 hải lý, tàu đã trở lại cảng Nha Trang, kết thúc tốt đẹp chuyến đi.

Đây là lần thứ 3 tàu buồm tổ chức huấn luyện đường dài kết hợp đối ngoại quân sự. Để có thể làm chủ con tàu, các thủy thủ Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn đã “đi từ không đến có”; bắt đầu từ những bước chập chững leo cột sắt trên pông-tông ở cảng Nha Trang đến vững vàng trên những cột buồm lắc lư giữa ngàn trùng sóng...

“Người nhện” chinh phục độ cao

Năm nay, trong suốt hải trình từ Nha Trang đi Singapore, rồi tiếp đến là Indonesia, mải tập trung đi ca rồi lại điều hành các hoạt động chung trên tàu buồm và tham gia hoạt động đối ngoại, nên Đại úy Cao Xuân Long, Thuyền trưởng Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn có ít thời gian rảnh rỗi. Hơn nữa, vì khá kiệm lời nên anh ít nói về việc mình đã làm, những hải trình mình và đồng đội đã đi qua. Bởi thế, sau khi kết thúc cuộc thăm và giao lưu với hải quân hai nước bạn, trên hành trình về Côn Đảo, chúng tôi mới có dịp “khai thác” chàng thuyền trưởng của con tàu mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn.

 Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn hoạt động trên biển. Ảnh tư liệu.

Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn hoạt động trên biển. Ảnh tư liệu.

Khi được hỏi về sự khác biệt giữa Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn với các tàu quân sự khác, Cao Xuân Long đúc kết: “Có lẽ, sự khác biệt lớn nhất chính là những cánh buồm”. Thật thú vị, sự gợi mở của Long đã khơi đúng “mạch” chúng tôi đang đi tìm - “chuyện khai thác những cánh buồm”.

Có lẽ, trước khi Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn xuất hiện trên vùng biển Nha Trang, yêu cầu khai thác tàu buồm đã đặt ra cho Học viện Hải quân nhiều thách thức, bởi lúc đó trong biên chế của Hải quân Việt Nam chưa có tàu buồm. Đi tắt, đón đầu nhằm sẵn sàng làm chủ tàu buồm, 10 giảng viên và 30 thủy thủ đã được lựa chọn từ Học viện Hải quân và các đơn vị trong toàn Quân chủng Hải quân, tham gia huấn luyện theo từng giai đoạn ở Nha Trang, và sau đó là Ba Lan, háo hức chờ ngày đưa con tàu với những cánh buồm trắng trở về Tổ quốc.

“Thủy thủ tàu buồm phải đáp ứng một số yêu cầu cao, trong đó có 2 yêu cầu vượt trội. Thứ nhất, họ phải có khả năng hoạt động trên cao, thao tác hoàn toàn thủ công bằng sức người. Thứ hai, anh em phải là những người sử dụng thành thạo tiếng Anh chuyên ngành và giao tiếp tốt bằng ngôn ngữ này để tham gia các hoạt động đối ngoại của tàu”, Đại tá Nguyễn Đức Nam, Phó giám đốc Học viện Hải quân, Trưởng đoàn công tác trên Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn trong chuyến đi này chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Để đáp ứng hai yêu cầu khắt khe trên, cùng với tham gia các khóa học tiếng Anh, “môn” leo cao cũng được đưa vào huấn luyện. Ban đầu, các thủy thủ được tập leo cao ở cột sắt “trồng” trên pông-tông neo ở cảng Nha Trang. Đó là một cột sắt cao chừng 20 mét, thấp hơn hẳn so với cột buồm thực tế và có 3 thanh ngang tượng trưng cho yard (3 cành buồm).

 Thủy thủ Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn leo cột thực hiện nhiệm vụ thả buồm. Ảnh: Hoàng Hà.

Thủy thủ Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn leo cột thực hiện nhiệm vụ thả buồm. Ảnh: Hoàng Hà.

“Khi vượt qua thử thách đó, chúng tôi mới chỉ làm chủ được cột buồm có độ cao thấp, nằm gần cảng, ít bị ngả nghiêng bởi tác động của sóng gió. Khó khăn chỉ thực sự bắt đầu khi phải chinh phục các cột buồm cao vút bập bềnh trong sóng gió”, ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, Trung úy QNCN Đỗ Văn Quyền, Trưởng ngành Tổng hợp của Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn tâm sự.

Sang Ba Lan, sau khi được huấn luyện trên thuyền buồm cỡ nhỏ có sức chứa 11 người, kíp thủy thủ Việt Nam được đưa sang huấn luyện khoảng 10 ngày trên tàu buồm lớn hơn mang tên IKRA. Trung úy QNCN Đỗ Văn Quyền nhớ lại: “Hôm đầu, khi trèo lên cành buồm thấp nhất của tàu buồm IKRA, không ít người trong số chúng tôi chóng mặt, hoa mắt khi nhìn xuống”.

Quy trình huấn luyện được thực hiện theo nguyên tắc làm chủ từ cành buồm thấp một cách vững chắc mới tiếp tục tiếp cận và huấn luyện trên cành buồm cao hơn. Thêm nữa, trong quá trình huấn luyện, thủy thủ luôn phải mang mặc áo bảo hiểm được trang bị các móc sắt, leo đến đâu móc khóa bảo hiểm đến đó; trong quá trình leo cao tuân thủ quy tắc ít nhất có 3 điểm chạm (2 chân kết hợp 1 tay hoặc ngược lại); phải leo trên thang dây ở hướng gió thổi vào lưng để thân người ép vào thang dây thay vì leo theo hướng gió thổi vào mặt; đặc biệt phải tập trung cao độ trong quá trình luyện tập... Nhờ phát huy cao độ tinh thần tự giác, chủ động và tổ chức luyện tập nghiêm túc, nên trung bình sau 2 ngày, các thủy thủ cơ bản làm chủ được toàn bộ 5 cành buồm ngang của tàu buồm.

 Kéo dây căng buồm trên Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn. Ảnh: Hoàng Hà.

Kéo dây căng buồm trên Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn. Ảnh: Hoàng Hà.

Tâm sự của Trung úy QNCN Đỗ Văn Quyền khiến chúng tôi nhớ lại quá trình tác nghiệp buồm của kíp tàu trước khi vào cảng Changi (Singapore) cuối tháng 4 vừa qua. Khi chiều xuống, ráng đỏ hoàng hôn càng khiến cho khuôn mặt kíp thủy thủ làm nhiệm vụ tác nghiệp buồm thêm sắt lại. Trong những bộ quần áo bảo hiểm gọn gàng, dưới sự chỉ huy của Thượng úy Đoàn Tử Nguyên Ngọc, Phó thuyền trưởng Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn, như những “người nhện”, các thủy thủ thoăn thoắt leo thang dây lên các mast (cột buồm) và nhịp nhàng phối hợp gấp buồm. Đôi lúc, tiếng khóa bảo hiểm kéo dọc cành buồm tạo ra âm thanh chói tai, khiến các nhà báo giật mình và phải ngừng quay phim, chụp ảnh để hướng lên cành buồm. Thấy vậy, Trung tá Nguyễn Bá Hoàng, Chính trị viên Trung tâm Huấn luyện thực hành và huấn luyện kíp tàu (Học viện Hải quân) trấn an: “Anh em đã được huấn luyện cơ bản, thực hành thường xuyên và luôn chấp hành nghiêm các quy tắc bảo đảm an toàn trong quá trình tác nghiệp nên các nhà báo cứ yên tâm”. Sau một hồi thao tác nhịp nhàng của kíp thủy thủ, những lá buồm đã được gấp lại gọn gàng, đẹp mắt. Con tàu lướt gần hơn về cảng Changi...

Công phu bảo quản buồm

Để buồm hoạt động hiệu quả, kíp Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn không chỉ thường xuyên tổ chức huấn luyện tác nghiệp buồm cho thủy thủ, mà còn coi trọng công tác huấn luyện và thực hành bảo quản buồm cũng như các trang thiết bị đi kèm.

Quan sát kỹ có thể thấy những chiếc thang dây hình “mạng nhện” giúp các thủy thủ Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn tiếp cận các cành buồm có những “đường gân” rất chắc chắc. Đó là những dây cáp sáng bóng được tạo thành từ các sợi thép không gỉ bện vào nhau chắc chắn. Một chức năng khác của những sợi cáp ấy là giữ cho cột buồm đứng vững chãi, với một đầu nối với cột buồm và đầu còn lại có bước ren kết nối với các “tăng đơ” cố định ở mạn tàu. Điều đặc biệt là các “tăng đơ” và những bước ren ấy được “cất giấu” vô cùng kỹ lưỡng.

“Sở dĩ các anh không nhìn thấy tăng đơ và những bước ren là bởi chúng được bơm, bôi mỡ rồi bọc kín trong 2 lớp vải tổng hợp đặc biệt, và cuối cùng được sơn trắng đồng bộ với màu của con tàu. Cách làm này nhằm bảo vệ cho các bước ren không bị tác động bởi nước biển, thậm chí là ít bị tác động bởi không khí”, Trưởng ngành tổng hợp Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn tâm sự.

Công việc bảo quản tàu nói chung, bảo quản buồm nói riêng ở Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn có những đỏi hỏi hết sức khắt khe. Công việc ấy thường được thực hiện vào ngày thứ 6, với sự tham gia của toàn bộ thành viên trên tàu.

Đại úy Cao Xuân Long cho biết: “Ngoài tác dụng bảo đảm cho buồm luôn ở tình trạng tốt nhất thì công tác bảo quản buồm cũng giúp kíp tàu có điều kiện luyện tập làm việc trên cao để ngày càng hoàn thiện kỹ năng và sự tự tin khi tác nghiệp trên cột buồm”.

Trong quá trình bảo quản buồm, những con ốc bị giơ sẽ được siết lại; những dây dù kết nối với buồm bị mòn sẽ được thay thế... để loại trừ những rủi ro có thể xảy ra.

Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn là tàu buồm huấn luyện đầu tiên được đóng mới tại Ba Lan. Ngày 10-3-2016, Lễ thượng cờ cấp quốc gia cho Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn được tổ chức trang trọng tại quân cảng Nha Trang và kể từ đó tàu thuộc biên chế của Hải đội 9, Trung tâm Huấn luyện thực hành và huấn luyện kíp tàu (Học viện Hải quân). Tàu có 3 cột buồm cao 41,5m, với 21 buồm và 10 que xoay. Tàu dài 67m, rộng 10m, lượng giãn nước 857 tấn. Tàu được trang bị hệ thống điện tử, thiết bị hàng hải, có thể hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết.

Hằng năm, các khóa huấn luyện tác nghiệp buồm, bảo quản buồm vẫn được tổ chức trên Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn dành cho các thành viên mới được điều động về tàu. Ngoài huấn luyện chinh phục độ cao thì huấn luyện cách thả, thu, gấp buồm cũng là nội dung đòi hỏi sự dụng công của người học. Một trong những kinh nghiệm được các thủy thủ tàu buồm đúc kết trong những năm qua là dù mở buồm hay thu buồm thì đều phải kết hợp nhuần nhuyễn đều tay giữa dây kéo và dây thả; kéo căng mạnh, thả chậm đều; thả chậm để tránh buồm mất kiểm soát và hư hỏng do gió lớn và bảo đảm cho người không bị buồm kéo văng gây tai nạn. Thêm nữa, các dây buồm phải được rải đều trên mặt boong để tránh rối dây khi mở hoặc thu buồm. Còn đối với gấp buồm, yêu cầu quan trọng là phải bố trí số lượng người thao tác trên từng cành buồm hợp lý; khi gấp buồm trên từng cành phải thao tác đều, đồng loạt thì “phom” buồm mới đẹp và cũng tránh mất sức cho thủy thủ.

Vất vả là vậy, song ai cũng tự hào khi vinh dự được đứng trong đội hình chiến sĩ tàu buồm. Là người có mặt trên con tàu từ những ngày đầu, Đại úy Bùi Tự Hào, Chính trị viên Tàu buồm 286/Lê Quý Đôn chia sẻ: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tàu là làm công tác đối ngoại. Bởi thế, chúng tôi tự hào được là một phần của con tàu mang sứ mệnh và khát vọng hòa bình. Đó cũng là điều khiến mọi người luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

Ghi chép của PHẠM HOÀNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/gian-nan-nhu-linh-tau-buom-574619