Giảng viên đình công, hàng nghìn sinh viên Anh không thể tốt nghiệp

Do bất bình với chế độ lao động, hàng chục nghìn giảng viên và nhân viên trong ngành Giáo dục ở Anh đã đình công. Các giảng viên thì tẩy chay chấm thi dẫn đến hàng nghìn sinh viên Anh không thể tốt nghiệp đại học đúng lịch.

Các thành viên của Liên đoàn Giáo dục Quốc gia ở Anh phản đối về lương và điều kiện làm việc trong cuộc tuần hành tới trụ sở quốc hội tại Westminster, London vào ngày 1/2/2023. Ảnh: CNN

Các thành viên của Liên đoàn Giáo dục Quốc gia ở Anh phản đối về lương và điều kiện làm việc trong cuộc tuần hành tới trụ sở quốc hội tại Westminster, London vào ngày 1/2/2023. Ảnh: CNN

Giảng viên Anh đình công, không chấm bài khiến sinh viên không thể tốt nghiệp

Chỉ hai tuần trước ngày trọng đại, Đại học Queen Mary ở London, Anh gửi email cho sinh viên Hafsa Yusuf thông báo rằng cô không thể tốt nghiệp vì cuộc đình công của các giảng viên và nhân viên trong ngành Giáo dục trên khắp Vương quốc Anh.

Trước đó, cô sinh viên chuyên ngành Văn học Anh 21 tuổi này đã chi 200 bảng Anh để thuê lễ phục tốt nghiệp, chụp ảnh và vé cho gia đình cô tham dự.

Theo đó, giảng viên tại khoảng 140 trường đại học từ chối chấm bài thi và bài tập, trong bối cảnh gia tăng bất đồng về vấn đề lương và điều kiện làm việc.

"Vì chiến dịch đình công và tẩy chay chấm điểm của các giáo viên, trường không có cơ sở để xác nhận rằng tôi đủ điểm để có thể tốt nghiệp đại học. Tất cả chúng tôi vẫn đóng tiền như bình thường, chỉ để nhận được email trước đó hai tuần nói rằng chúng tôi không thể đến tham dự buổi lễ tốt nghiệp", Yusuf nói.

Yusuf và sinh viên khóa 2023 đã phải trải qua những gián đoạn nghiêm trọng trong quá trình học. Họ vào đại học năm 2020, đỉnh điểm của đợt giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19.

Sau đó là đợt đình công của các giảng viên và nhân viên trường đại học, trong làn sóng biểu tình của hàng trăm nghìn người trên khắp Vương quốc Anh đòi trả lương cao hơn để bù đắp khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Giờ đây, hàng ngàn sinh viên từ Cambridge (Anh) đến Edinburgh (Scotland) không thể tốt nghiệp đại học hoặc phải đối mặt với sự trì hoãn không biết đến bao giờ mới được chấm điểm cuối kỳ. Bởi cuộc đình công của giáo viên Anh đã bắt đầu từ tháng 4 nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại vì không được giải quyết.

Không rõ bao nhiêu sinh viên bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công, nhưng Hiệp hội Đại học và Cao đẳng, đại diện cho các học giả và giảng viên Anh, ước tính rằng "hàng chục nghìn sinh viên" không thể tốt nghiệp vào mùa hè năm nay vì tình trạng gián đoạn có vẻ sẽ kéo dài sang năm học tiếp theo.

Yusuf cho biết, có ít nhất 130 sinh viên từ khoa Tiếng Anh và Kịch nghệ của cô bị ảnh hưởng. Tất cả không biết đã đạt điểm theo tiêu chuẩn để được tốt nghiệp hay chưa, trong khi họ đang cần tìm cơ hội việc làm hoặc tiếp tục học tập sau đại học.

Giảng viên đình công gây thiệt hại nặng nề đối với sinh viên quốc tế

Tình trạng này đặc biệt đáng lo ngại đối với sinh viên quốc tế, khi họ phải đối mặt với những vấn đề phức tạp và chi phí bổ sung để ở lại Anh. Những người hy vọng ở lại đất nước này để tìm việc làm chỉ có thể nộp đơn xin thị thực sau đại học sau khi họ nhận được bằng tốt nghiệp.

Yusuf nói rằng, gia đình cô sống ở Anh, nhưng nhiều người khác là sinh viên quốc tế. "Họ phải trả tiền mua vé máy bay cho gia đình họ đến từ nước ngoài. Việc hủy buổi lễ tốt nghiệp trong phút chót thực sự gây thiệt hại", cô nói.

Yusuf muốn theo đuổi sự nghiệp giảng dạy. Cô có một suất tham gia chương trình đào tạo bắt đầu từ tháng 9. Cô đã nhận được bảng điểm từ trường đại học của mình, nhưng cô vẫn lo lắng điều đó chưa đủ khi chưa được cấp bằng tốt nghiệp.

"Chúng tôi phải trả hàng trăm, hàng nghìn bảng Anh. Học phí dành cho sinh viên quốc tế rất cao. Chúng tôi mong có được bảng điểm và được tốt nghiệp đại học đúng hạn. Nhưng chúng tôi không biết mình đang mất tiền vì cái gì và tại sao chúng tôi phải gánh chịu hậu quả này", Yusuf nói thêm.

Lãnh đạo các trường đại học không giải quyết vấn đề đình công là nguyên nhân cốt lõi khiến sinh viên "lỡ hẹn" với tốt nghiệp

Saja Altamimi, bạn cùng lớp của Yusuf, cho biết cô đã đến lễ tốt nghiệp dù chưa có kết quả học tập cuối cùng. Cô đã đeo một chiếc dải khăn hồng sáng có dòng chữ "Giải quyết tranh chấp" tại lễ tốt nghiệp của mình để phản đối.

"Giáo sư phụ trách luận án của tôi không tham gia vào việc tẩy chay chấm điểm. Nhưng tôi vẫn đang chờ điểm từ một số học phần khác. Tôi không khó chịu với các giáo viên của mình, tôi đánh giá cao và tôn trọng mọi quyết định của họ. Chúng tôi chỉ muốn thể hiện sự đoàn kết bằng mọi cách có thể", Altamimi chia sẻ.

Giống như nhiều sinh viên khác, Altamimi nhấn mạnh rằng, sự tức giận và thất vọng của cô không nhắm vào giáo viên của mình mà là các nhà lãnh đạo của trường đại học.

Sinh viên cho rằng, lãnh đạo các trường đại học có quyền ngăn chặn sự gián đoạn, nhưng họ đã chọn không thương lượng để chấm dứt tranh chấp hoặc giải quyết các lý do đằng sau cuộc đình công của giảng viên Anh.

Đối với Sophia Shahid, một sinh viên khác tại Queen Mary, cho biết: "Chúng tôi cảm thấy như mình đã bị tước quyền tốt nghiệp đại học. Chúng tôi đã phải chi trả quá nhiều tiền học phí. Chưa kể, chúng tôi còn phải học trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19".

Ở những nơi khác, sinh viên tốt nghiệp từ chối bắt tay lãnh đạo trường đại học trên sân khấu, hoặc làm gián đoạn buổi lễ tốt nghiệp bằng cách hô khẩu hiệu "Trả lương cho các giảng viên!".

Hiệp hội Đại học và Cao đẳng cũng đổ lỗi cho lãnh đạo trường đại học khi cho rằng, họ mới chính là những người cản trở sinh viên được tốt nghiệp đại học. Họ cho rằng, các trường có đủ thu nhập để tăng lương cho giảng viên và nhân viên thêm 10% nhưng họ không thực hiện.

Tanzil Chowdhury, giảng viên luật cao cấp tại Đại học Queen Mary. Ảnh: Independent

Tanzil Chowdhury, giảng viên luật cao cấp tại Đại học Queen Mary. Ảnh: Independent

"Thực tế, lương của các đồng nghiệp của tôi đã giảm 20-25% trong 10 năm qua. Dù họ đã được tăng lương, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tỉ lệ lạm phát", Tanzil Chowdhury, giảng viên luật cao cấp tại Đại học Queen Mary, cho biết.

Theo Chowdhury, phần lớn giảng viên ở Anh đang phải làm việc quá sức và từ lâu đã phải chấp nhận những hợp đồng bất lợi. Và ông thừa nhận rằng, việc tẩy chay chấm thi thực sự khó khăn cho sinh viên.

Hiệp hội các nhà tuyển dụng trường đại học và cao đẳng, đại diện cho các trường đại học đàm phán với công đoàn, cho biết sẽ không tăng lương từ năm 2023 đến năm 2024, nhưng vẫn sẵn sàng đàm phán về các vấn đề khác như khối lượng công việc và hợp đồng.

Tổ chức này ước tính rằng, phần lớn các trường đại học không bị ảnh hưởng trong đợt đình công, và chưa đến 2% sinh viên không thể tốt nghiệp.

Nguồn: The Economic Times

Lam Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/giang-vien-dinh-cong-hang-nghin-sinh-vien-anh-khong-the-tot-nghiep-179230809110500435.htm