Giao dịch trực tuyến qua kho bạc đảm bảo an toàn, thuận lợi trong thời điểm COVID-19

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống COVID-19, thời gian qua các giao dịch thanh toán trực tuyến qua Kho bạc nhà nước (KBNN) đã hoạt động khẩn trương, đảm bảo các chi phí thanh toán của đơn vị dự toán, chi phí phục vụ các điểm cách ly phòng, chống dịch được thanh toán nhanh chóng, kịp thời, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thời điểm có dịch.

 Việc giao dịch trực tuyến qua kho bạc góp phần hạn chế tập trung đông người trong thời điểm xảy ra dịch bệnh. Ảnh: PV

Việc giao dịch trực tuyến qua kho bạc góp phần hạn chế tập trung đông người trong thời điểm xảy ra dịch bệnh. Ảnh: PV

Ngày 12/2/2020 tại Hội nghị Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, làm tốt Chính phủ điện tử cũng là một giải pháp ngăn ngừa COVID-19 khi hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ứng dụng Chính phủ điện tử trong giao dịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Đặc biệt ngày 31/3/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/ CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống COVID-19 thì việc giao dịch trực tuyến nói chung, giao dịch trực tuyến qua KBNN đã phát huy hiệu quả trong việc thanh toán, đảm bảo các hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, phục vụ tích cực, kịp thời các hoạt động khẩn cấp phòng, chống dịch nhưng không đến giao dịch trực tiếp tại kho bạc đảm bảo an toàn, thuận lợi, đúng quy định cách ly xã hội.

KBNN với chức năng, nhiệm vụ của một đơn vị quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), trong đó có hoạt động chi ngân sách cho các tình huống khẩn cấp thiên tai, bão lụt, hỏa hoạn, dịch bệnh... theo lệnh của Chính phủ và chính quyền các cấp. Để đảm bảo hoạt động liên tục, ngày 31/3/2020 KBNN đã ban hành công điện số 05/ CĐ-KBNN về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống COVID-19. Theo đó, ngoài việc trang bị các thiết bị, vật tư y tế, còn bố trí lãnh đạo và công chức có số lượng cần thiết tối thiểu (1/3) làm việc tại công sở (được cấp giấy đi đường), những cán bộ còn lại đều làm việc tại nhà (có giấy cam kết không ra khỏi nhà) nhằm tránh rủi ro khi tại công sở có bộ phận chuyên môn cùng bị lây nhiễm hoặc cùng bị cách ly.

Ông Bùi Văn Anh, Trưởng phòng Kiểm soát chi KBNN Quảng Trị cho biết: “Hiện theo chỉ thị của KBNN, số lượng cán bộ làm việc tại công sở rất hạn chế, song nhờ kiểm soát chi trên nền công nghệ trực tuyến nên chúng tôi đã giải quyết nhanh, gọn tất cả các món chi, đảm bảo kịp thời chi hoạt động cho các cơ quan đơn vị và công tác chi khẩn cấp phòng, chống dịch của tỉnh”.

Giao dịch trực tuyến qua KBNN là một giải pháp thiết thực đem lại hiệu quả có tính đột phá trong cải cách hành chính, thanh toán nhanh, tiện ích, kịp thời, chính xác, tiết kiệm, hạn chế đến giao dịch trực tiếp với kho bạc. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hạn chế tập trung đông người, tránh giao dịch trực tiếp thì việc giao dịch trực tuyến qua kho bạc đã phát huy tính năng mới, an toàn, thuận lợi hơn. Mặc khác, thanh toán trực tuyến đã giúp các cơ quan, đơn vị thanh toán nhanh chóng các chi phí phục vụ kịp thời và khẩn cấp công tác thông tin tuyên truyền, mua sắm vật tư, thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm cho hoạt động phòng, chống dịch.

Anh Trần Quốc Phú, Trưởng Ban Tài chính Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ: “Tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý 5 điểm cách ly, các huyện, thị xã có 9 điểm cách ly. Thời gian qua, việc thanh toán trực tuyến qua kho bạc rất nhanh chóng, giúp Ban Phòng chống COVID-19 hoạt động tốt, đảm bảo các mục tiêu phòng, chống dịch của Chính phủ đề ra, đúng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa khẩn cấp, nhanh chóng, kịp thời, vừa an toàn, hiệu quả”.

Chị Ngô Thị Ngọc Quỳnh, Kế toán trưởng Sở Y tế cho rằng: “Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp thì việc mua sắm thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là hết sức cần thiết và kịp thời. Việc thanh toán trực tuyến qua kho bạc đã đảm bảo được tính khẩn cấp, an toàn và hiệu quả trong hoạt động phòng, chống dịch”.

Trong tình hình hiện nay, việc đẩy nhanh hoạt động giám sát phục vụ yêu cầu xã hội theo từng tình huống cụ thể, đẩy mạnh giao dịch trực tuyến, giảm tiếp xúc trực tiếp, thanh toán không dùng tiền mặt để nhằm hạn chế lây nhiễm bệnh qua việc sử dụng tiền mặt trong giao dịch và mua bán hàng hóa là hết sức cần thiết. Việc giao dịch trực tuyến trên tất cả các lĩnh vực hoạt động không những đảm bảo an toàn trong phòng, chống COVID-19, qua đó cũng tạo thói quen mới cho mọi người trong việc sử dụng công nghệ thông tin thực hiện mọi hoạt động xã hội, tiến đến “xã hội không dùng tiền mặt” trong một đất nước văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Võ Xuân Tịnh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147651