Giáo dục đại học thế giới trong bối cảnh đại dịch
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động đối với hệ thống giáo dục đại học toàn cầu. Bên cạnh việc phải chuyển các hoạt động đào tạo truyền thống sang hình thức từ xa, trực tuyến, các đại học trên thế giới cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn khi nền kinh tế có sự suy giảm do dịch bệnh, vừa đồng thời tìm kiếm cách thức hỗ trợ sinh viên, giảng viên.
NDĐT - Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động đối với hệ thống giáo dục đại học toàn cầu. Bên cạnh việc phải chuyển các hoạt động đào tạo truyền thống sang hình thức từ xa, trực tuyến, các đại học trên thế giới cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn khi nền kinh tế có sự suy giảm do dịch bệnh, vừa đồng thời tìm kiếm cách thức hỗ trợ sinh viên, giảng viên.
Hầu hết các đại học đã điều chỉnh lịch học cho năm nay. Những cách thức truyền thống, các kỳ thi, tuyển sinh, nhập học đã được chuyển hướng sang trực tuyến. Một số trường đại học chuyển sang học từ xa, nhanh chóng tổ chức các khóa đào tạo cho giáo viên và bổ sung tài chính cho số hóa tốc độ cao.
Đại dịch Covid-19 xảy ra cho phép chúng ta đánh giá mức độ sẵn sàng của các trường đại học khi có thảm họa, và chỉ ra rằng các trường đại học, dù có lịch sử phát triển ổn định nhưng chưa sẵn sàng đối phó với khủng hoảng, hầu như gặp phải khó khăn trong chiến lược hoạt động, lên kịch bản ứng phó với tình trạng khẩn cấp.
Mọi khủng hoảng khi xảy ra đều ảnh hưởng nhiều nhất đến các nhóm dễ bị tổn thương. Trong trường hợp này, là những hệ thống giáo dục đại học không được bảo vệ bởi các công nghệ kỹ thuật số. Thí dụ như ở khu vực châu Phi phía nam Sahara, hay đối tượng các giáo viên và nhà nghiên cứu đang ở giai đoạn chuyển đổi học vấn, sinh viên thu nhập thấp và sinh viên nước ngoài.
Một bộ phận sinh viên có thu nhập thấp phải thay đổi nghề nghiệp đã lựa chọn hoặc sẽ từ bỏ giáo dục đại học để lo nhu cầu cấp thiết hơn. Trước hết, việc này xảy ra ở các quốc gia có học phí cao như: Mỹ, Vương quốc Anh, Australia…
Tại nhiều nước hiện vẫn đang thảo luận về việc hỗ trợ cũng như cách thức hỗ trợ cho sinh viên. Các trường đại học châu Phi cấp hoặc cho sinh viên mượn máy tính và đề nghị người dùng trả tiền truy cập internet. Đại học Chicago, một trường đại học nghiên cứu ưu tú ở Mỹ, mới đây đã hứa rằng học phí và các dịch vụ đại học khác sẽ không tăng trong năm học 2020-2021. 52 trường đại học Thái Lan và nhiều trường đại học ở Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất đã giảm học phí. Với sự suy thoái chung của nền kinh tế và số lượng kiến nghị của sinh viên ngày càng tăng, những điều chỉnh này sẽ không phải là cuối cùng. Nhiều trường đại học sẽ cung cấp học bổng, lệ phí, hoặc học phí thấp hơn để giữ chân những sinh viên giỏi nhất.
Trong số các trường đại học, cuộc khủng hoảng sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến các trường đại học tư, những trường phụ thuộc vào học phí và nguồn thu từ sinh viên nước ngoài. Chính phủ Australia, Vương quốc Anh và Mỹ đã cam kết hỗ trợ số tiền đáng kể cho các trường đại học của mình.
Theo dữ liệu Studyportals của Hà Lan, tính đến giữa tháng 4, 40% sinh viên du học đã thay đổi kế hoạch giáo dục, trong đó, một số đang tích cực tìm kiếm các chương trình trực tuyến. Các sinh viên nước ngoài từ các nước châu Á, Italy, Trung Quốc, các nước châu Phi, đang học tập ở châu Âu cũng đang hứng chịu những ảnh hưởng như sự kỳ thị vì dịch bệnh.
Ở một số quốc gia như Mỹ đã lập quỹ khẩn cấp hỗ trợ sinh viên nước ngoài. Còn ở Nga là việc cấm đuổi sinh viên nước ngoài khỏi ký túc xá. Nhiều trường đại học tự hỗ trợ sinh viên của mình bằng cách trả tiền hỗ trợ vật chất, cung cấp tài liệu về hỗ trợ di chuyển vào ở ký túc xá và sắp xếp các buổi hỗ trợ trực tuyến thường xuyên.
Các trường đại học hàng đầu thế giới hiện đang đặc biệt quan tâm hỗ trợ tâm lý cho sinh viên và nhân viên của mình, thiết lập hệ thống dịch vụ sức khỏe tâm thần theo định dạng trực tuyến.
Đối với các nhà nghiên cứu trẻ, và giáo viên đang tìm kiếm việc làm cũng là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Danh sách các trường đại học đóng băng trong công tác tuyển dụng đang dài thêm, bao gồm các trường đại học tiên tiến. Gần đây, nhiều trường đại học bắt đầu phải giảm nhân viên hoặc giảm trả mức lương.
Mặc dù gặp khó khăn, các trường đại học đã tham gia vào hầu hết các khía cạnh của cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Sinh viên y khoa đã làm việc như các bác sĩ được cấp phép. Các trường đại học đang tích cực sản xuất các chế phẩm và khẩu trang y tế, phát triển phần lớn trong số 70 loại vaccine đang được thử nghiệm, như tại Đại học Oxford, đang tiến hành các thử nghiệm thuốc trên người. Nhiều trường đại học phân bổ nguồn tài chính và nhân lực cho nghiên cứu Covid-19.
Đối với các trường đại học đã phát triển lâu dài và ổn định trong chuỗi giá trị phát triển kinh tế - xã hội, sau đại dịch, gánh nặng trách nhiệm xã hội của các trường đại học sẽ tăng lên cùng với tầm ảnh hưởng và trách nhiệm mới.
Một số đại học Mỹ đã bỏ yêu cầu bắt buộc vượt qua các kỳ thi đại học và cao đẳng SAT/ACT đang đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn nhập học cho sinh viên. Và để hỗ trợ sinh viên nước ngoài ở bất kỳ quốc gia nào giờ đây đang gặp khó khăn, các đại học trên thế giới đang bàn bạc để nâng chuẩn hỗ trợ ở cấp độ toàn cầu, liên quan đến mở rộng số hóa, các quy định pháp lý và đổi mới sư phạm.