Giáo dục giới tính - lá chắn bảo vệ trẻ em

Trong những năm gần đây, khi vấn nạn về lạm dụng tình dục trẻ em ngày càng gia tăng trong xã hội thì giáo dục giới tính là vấn đề được cơ quan chức năng và các gia đình đặc biệt chú trọng quan tâm. Việc này góp phần tới sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ, giúp trẻ em biết cách bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục hoặc mang thai trong độ tuổi vị thành niên.

Cung cấp kỹ năng sống ở mỗi giới

Giáo dục giới tính cung cấp những kiến thức liên quan đến sinh sản, kỹ năng sống ở mỗi giới, giúp trẻ có những hiểu biết để không bỡ ngỡ trong quá trình phát triển của cơ thể. Khi bước vào lứa tuổi vị thành niên, trẻ em bắt đầu xuất hiện dấu hiệu dậy thì từ 10-17 tuổi và độ tuổi thích hợp nhất trong quá trình sinh sản vào khoảng 20 đến 30 tuổi ở cả nam và nữ.

Việc mang thai sớm ở lứa tuổi vị thành niên sẽ dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ như: sảy thai, nhiễm độc thai nghén, đẻ non, đẻ khó, băng huyết làm tăng nguy cơ tử vong mẹ... Vì thế, giáo dục giới tính có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển toàn diện cho trẻ, giúp trẻ hiểu rõ về sự phát triển của cơ thể. Đây được xem là tấm lá chắn bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ liên quan đến sức khỏe và tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Thời gian qua, ngành Y tế đẩy mạnh phổ biến các kiến thức về giới, giới tính đến các em học sinh. Nội dung tuyên truyền gồm: Những thay đổi về tâm sinh lý khi bước vào độ tuổi dậy thì, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, xâm hại và lạm dụng tình dục trẻ em...

Trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, tìm hiểu kiến thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, các em được giải đáp những thắc mắc liên quan đến sức khỏe sinh sản, mạnh dạn, cởi mở hơn khi chia sẻ những điều thầm kín trong lòng, những câu hỏi mà trước nay các em rất e ngại chia sẻ, kể cả với bố mẹ và thầy cô giáo của mình…

Phối hợp đồng bộ từ gia đình, nhà trường, xã hội

Mặc dù đã đẩy mạnh các hoạt động giáo dục giới tính nhưng lĩnh vực. hiện vẫn bị rào cản bởi quan niệm, văn hóa phương Đông. Để thực hiện tốt việc giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ em trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi sự chung tay phối hợp đồng bộ từ gia đình, nhà trường, xã hội.

Đối với nhà trường, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phối hợp với gia đình trong việc cung cấp các kiến thức về giới tính cho học sinh tuổi vị thành niên. Các nhà trường tăng cường hoạt động ngoại khóa tuyên truyền về giới tính và kỹ năng tự bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro về sức khỏe sinh sản và các nguy cơ bị quấy rối, xâm hại tình dục cho học sinh.

Đối với gia đình, đây là yếu tố quan trọng nhất, các bậc cha mẹ cần chủ động nâng cao nhận thức và tìm hiểu các kiến thức về tuổi dậy thì và sức khỏe sinh sản gắn với độ tuổi vị thành niên, những thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi này. Điều đó không chỉ giúp các cha mẹ khắc phục được sự bối rối, e ngại khi trao đổi với con cái về chủ đề giới tính, mà còn bảo vệ con cái khỏi các nguy cơ bị quấy rối, xâm hại tình dục. Cha mẹ cũng cần tôn trọng, lắng nghe trẻ chia sẻ những quan điểm cá nhân và tạo điều kiện, hoặc khích lệ trẻ chủ động tìm hiểu những kiến thức về giới tính, nêu các ý kiến, bày tỏ nguyện vọng và chia sẻ khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của các em.

Đối với các cơ quan chức năng, các đơn vị cần phối hợp đồng bộ với nhà trường, đoàn thanh niên, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa về giáo dục giới tính, các biện pháp bảo vệ, giúp các bạn trẻ cởi mở, xóa bỏ tâm lý rụt rè, e ngại, mạnh dạn tự chăm lo bản thân và tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra đối với chính mình.

Phan Mai

228

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xa-hoi/giao-duc-gioi-tinh-la-chan-bao-ve-tre-em-87360.html