Giáo dục nghề nghiệp đối diện nguy cơ 'đổ nợ'
So với khối trường ĐH, khối giáo dục nghề nghiệp (bao gồm trường CĐ, trung cấp) chưa có sự chuẩn bị tốt cho việc dạy học trực tuyến.
Do vậy, nếu dịch bệnh bùng phát một lần nữa, khối trường này rơi vào tình thế rất khó khăn, đặc biệt với trường ngoài công lập.
Đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát tại TP HCM cũng như ở nhiều tỉnh/TP khác khiến nhiều trường học phải đóng cửa. Sinh viên, học sinh nghỉ học nên các trường không có nguồn thu trong khi vẫn phải chi trả lương, trả tiền thuê cơ sở vật chất.
TS Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho biết nghỉ Tết nguyên đán vừa xong thì dịch Covid-19 bùng lên. Để phòng chống dịch bệnh, các trường trên địa bàn TP phải đóng cửa. Sinh viên không thể đến trường nên trường không có nguồn thu trong khi chi phí lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và tiền thuê cơ sở vật chất trường vẫn phải trả đều đặn. Sau 3 tháng đóng cửa, trường mở cửa trở lại nhưng chưa hoạt động được bao lâu thì bùng phát dịch bệnh đợt 2 khiến trường phải đóng cửa thêm 2 tháng. Sau dịch, vì khó khăn kinh tế nên nhiều sinh viên bỏ học giữa chừng. Tính trong 5 tháng đóng cửa, trường thiệt hại khoảng 5 tỉ đồng.
Thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra không phải cho riêng trường nào mà nhiều trường khác cũng chung cảnh ngộ. TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho biết sau 2 đợt dịch, có 400 sinh viên bỏ học vì nhiều lý do khiến trường thất thu 2,4 tỉ đồng; kèm theo đó, để khuyến khích sinh viên đóng học phí, trường thực hiện giảm 10% học phí cũng khiến trường mất đi hơn 2 tỉ đồng. Các chi phí về lương, mặt bằng cùng với việc mất đi các khoản thu khác, tính trong 5 tháng đóng cửa, trường thiệt hại khoảng 17 tỉ đồng. Nếu tính cả các trường CĐ, trung cấp khác trong hệ thống thì thiệt hại trên 20 tỉ đồng.
Tại Trường CĐ Viễn Đông, thiệt hại cũng ước cả chục tỉ đồng. ThS Trần Thanh Hải, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong 5 tháng đóng cửa, trường phải tăng chi phí lên tới 30% trong khi nguồn thu giảm do có nhiều sinh viên bỏ học…
Các trường CĐ, trung cấp cho biết thiệt hại do phải đóng cửa trong 2 đợt dịch vừa qua khá nặng nề, các trường buộc phải tìm giải pháp tài chính để khắc phục. Nhiều chủ trường phải bán tài sản riêng, thậm chí có nơi phải đi vay nợ để chi trả.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang xảy ra tại TP HCM, ThS Trần Thanh Hải cho biết trong khi các trường ĐH đã sẵn sàng phương án dạy học online thì với khối giáo dục nghề nghiệp, việc dạy online còn những hạn chế do việc đầu tư của các trường cũng như những ràng buộc về thời lượng học thực hành. Cụ thể, ở hệ giáo dục nghề nghiệp, các trường phải bảo đảm tối thiểu 60% học thực hành, 40% học lý thuyết. Với tỉ lệ như vậy, nếu bùng phát dịch bệnh đợt 3 sẽ đảo lộn kế hoạch dạy học. Sinh viên không đi thực hành, thực tập được thì hoạt động coi như ngưng trệ. Việc dạy học online chỉ có thể thực hiện ở một số môn học.
Hiệu trưởng một trường trung cấp cũng cho rằng sự chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật của khối giáo dục nghề nghiệp phần lớn chưa có nên nếu dạy online thì cũng chỉ dạy cho có chứ không có bài bản, hiệu quả, mà không dạy online thì xem như trường dừng hoàn toàn hoạt động dạy học.
Nguy cơ hơn, nếu trường phải đóng cửa, sinh viên chỉ học online một số môn thì các trường gần như không thu được học phí, trong khi vẫn phải trả chi phí đều đặn, thậm chí tăng hơn so với điều kiện bình thường thì các trường, đặc biệt là khối trường ngoài công lập, tiếp tục rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn.
Hiệu trưởng một trường trung cấp tại TP HCM cho rằng nguy cơ đổ nợ đang chờ các trường nếu như dịch bệnh bùng phát khiến trường phải đóng cửa. Khi đó, trường rơi vào tình trạng mất cân đối thu chi, nếu vay nợ để chi trả thì lâm vào cảnh nợ nần, còn nếu không có nguồn chi trả thì giáo viên sẽ nghỉ việc, khi hết dịch thì lấy đâu ra đội ngũ để giảng dạy.