Giáo dục 'nóng' với những điều chỉnh liên quan trực tiếp đến học sinh

Tuần qua, giáo dục thu hút sự quan tâm lớn của dư luận với Dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh và Thông tư 32 ban hành Điều lệ trường THCS, THPT với nhiều điểm mới.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Điều chỉnh quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh

Dự thảo Thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Trong đó, nội dung nhận được nhiều quan tâm là quy định bỏ hình thức kỷ luật buộc thôi học, bỏ cảnh cáo trước lớp, trường.

Như vậy, sau 30 năm tồn tại, những quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh của Thông tư 08 trước đây sẽ được thay thế. Nội dung điều chỉnh này đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều nhà giáo, nhiều chuyên gia và dư luận xã hội.

Nếu như nhiều nhà giáo ủng hộ vì nhận thấy những nội dung trong trong thông tư cũ đã bộc lộ nhiều nhược điểm thì Bộ GD&ĐT cho biết, việc bỏ hình thức kỷ luật cũ còn được xem xét trên nguyên tắc nhất quán với các văn bản pháp lý khác.

Theo ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên Bộ GD&ĐT: Bộ được giao xây dựng quy định mới về khen thưởng, kỷ luật học sinh phù hợp với những quan điểm đổi mới trong một số bộ luật vừa được Quốc hội ban hành, Công ước LHQ về quyền trẻ em và Luật trẻ em được Quốc hội ban hành năm 2016.

Với việc xóa bỏ các hình thức xử phạt tiêu cực, dự thảo lần này còn bỏ cả nội dung ghi hình thức kỷ luật vào học bạ. Thay đổi này đặc biệt nhận được sự hoan nghênh từ phía các nhà trường theo đuổi phương pháp kỷ luật tích cực bởi học bạ theo cả đời người, mức kỷ luật dù được khắc phục cũng sẽ trở thành "vết đen" khó mờ.

Thực tế, trong 30 năm qua, dù Thông tư 08 vẫn có hiệu lực nhưng thực tế đã xuất hiện nhiều trường học sáng tạo, đổi mới cách kỷ luật học sinh theo hướng tích cực. Đây chính là cơ sở thực tiễn để Bộ GD&ĐT xây dựng nội dung thông tư lần này.

Học sinh sử dụng điện thoại khi được sự cho phép của giáo viên (Ảnh minh họa)

Học sinh sử dụng điện thoại khi được sự cho phép của giáo viên (Ảnh minh họa)

Hiểu đúng nội dung “cho phép HS sử dụng điện thoại trong lớp

Thông tư 32 ban hành Điều lệ trường THCS, THPT cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp phục vụ việc học tập nhưng phải được giáo viên đồng ý. Thông tư 32 sẽ thay thế Thông tư số 12 ban hành năm 2011.

Nội dung này ngay lập tức nhận nhiều ý kiến trái chiều của nhiều nhà giáo và phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, cần hiểu đúng nội dung Thông tư: Thầy cô quyết định thời điểm nào học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp. Việc tạo điều kiện có công cụ truy cập vào bài học, không đồng nghĩa các em được dùng điện thoại không kiểm soát.

Trước đây, Thông tư 12 quy định một trong những hành vi học sinh không được làm là “Sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học”, thì nội dung này được thay đổi tại Điều lệ ban hành kèm Thông tư 32 là: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Như vậy, học sinh được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép.

Làm rõ hơn về quy định mới này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, quy định này để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nhấn mạnh, cần phải hiểu đúng quy định này và giáo viên sẽ quyết định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp hay không.

"Theo thông tư 12 trước đây, hành vi học sinh không được làm là "sử dụng điện thoại di động trong giờ học". Tức là cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại trong giờ học, đã vào lớp học là không được dùng điện thoại. Như vậy, thông tư mới sẽ áp dụng từ ngày 1/11 tới đây là chỉ cấm việc sử dụng mà không phục vụ cho việc học tập và việc sử dụng sẽ có sự quản lý của giáo viên". - Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT).

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-duc-nong-voi-nhung-dieu-chinh-lien-quan-truc-tiep-den-hoc-sinh-Wql1dwOMg.html