Giáo dục pháp luật thông qua những phiên tòa giả định

Phiên tòa giả định mang tính trực quan, thông qua việc phản ánh những hành vi phạm tội giúp người xem biết được ranh giới giữa cái đúng và cái sai, tính nghiêm minh của pháp luật và tính nhân văn trong chính sách hình sự. Đây được xem là hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả, giúp những người tham dự nhận thức rõ hành vi sai phạm ảnh hưởng đến xã hội, góp phần nâng cao ý thức pháp luật.

Sáng 4/11, tại Trường THPT Nghèn, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), Công an huyện Can Lộc phối hợp với Viện KSND, TAND, Ban Chỉ huy Quân sự huyện và Huyện đoàn Can Lộc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nghĩa vụ quân sự bằng hình thức phiên tòa giả định. Tham dự "phiên tòa" còn có đại diện Tỉnh đoàn Hà Tĩnh và hơn 1.000 cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh của Trường THPT Nghèn.

Quang cảnh phiên tòa giả định được tổ chức tại Trường THPT Nghi Xuân, huyện Nghi Xuân.

Quang cảnh phiên tòa giả định được tổ chức tại Trường THPT Nghi Xuân, huyện Nghi Xuân.

Theo bản cáo trạng của phiên tòa giả định, tháng 12/2022, Nguyễn Văn Nam tham gia khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự và đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện để nhập ngũ. Ngày 5/1/2023, Ban Chỉ huy quân sự huyện Can Lộc ra Lệnh gọi công dân Nguyễn Văn Nam nhập ngũ nhưng Nam đã bỏ trốn khỏi địa phương.

Ngày 25/3/2023, Chủ tịch UBND huyện Can Lộc đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Văn Nam số tiền 30 triệu đồng và gia đình Nam đã chấp hành nộp phạt. Đến kỳ tuyển quân năm 2024, Nam tiếp tục tham gia khám sức khỏe để tuyển nghĩa vụ quân sự và tiếp tục trúng tuyển. Nhận được lệnh gọi nhập ngũ và quân trang chiến sĩ theo quy định song Nguyễn Văn Nam vẫn không có mặt tại địa điểm tổ chức giao quân để nhập ngũ.

Sau một thời gian bỏ trốn khỏi địa phương, đến ngày 5/8/2024, Nam trở về thăm nhà thì bị lực lượng chức năng phát hiện. Cơ quan CSĐT Công an huyện Can Lộc đã bắt tạm giam, sau đó truy tố đối tượng về tội "Trốn tránh nghĩa vụ quân sự" theo khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự. Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu của vụ án và diễn biến tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Nam 6 tháng tù giam về tội "Trốn tránh nghĩa vụ quân sự".

Phiên tòa giả định được tổ chức dịp này xuất phát từ thực tiễn trong những năm vừa qua, trên địa bàn huyện Can Lộc nói riêng và nhiều địa phương của tỉnh Hà Tĩnh, hằng năm đến mùa tuyển quân, bên cạnh phần lớn thanh niên đều chấp hành nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự thì vẫn có không ít đối tượng trốn tránh.

Riêng trong năm 2023, huyện Can Lộc có 29 nam thanh niên không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; trong năm 2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành quyết định xử phạt 6 thanh niên tổng số tiền gần 400 triệu đồng vì không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

Thông điệp mà ngành chức năng muốn gửi đến thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự nói riêng, với tất cả công dân, tổ chức, gia đình, đoàn thể và xã hội thông qua "phiên tòa" này là ngoài việc tuyên truyền các nội dung cơ bản về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, còn nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết, thay đổi thái độ, hành vi và tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác tuyển quân.

Phiên tòa giả định là mô hình tuyên truyền, giáo dục pháp luật mới, sáng tạo, phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là thanh, thiếu niên. Thông qua các phiên tòa này giúp học sinh, sinh viên nhận rõ hành vi vi phạm ảnh hưởng đến xã hội, góp phần nâng cao ý thức pháp luật nên trong thời gian vừa qua, tại nhiều địa phương, cơ quan và trường học ở Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều phiên tòa giả định.

Đơn cử, ngày 1/11, Huyện đoàn Nghi Xuân phối hợp Trường THPT Nghi Xuân tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong đoàn viên thanh niên, học sinh dưới hình thức phiên tòa giả định hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11). Thông qua việc tái hiện một phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" gây hậu quả nghiêm trọng trong lứa tuổi học sinh, đã giúp hơn 1.000 em học sinh có mặt tại chương trình nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức khi tham gia giao thông, hạn chế các vụ tai nạn giao thông ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Trước đó, ngày 5/10, Trung ương Đoàn, Tỉnh đoàn phối hợp với Thành đoàn Hà Tĩnh tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên năm 2024. Ngày 27/8, Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh và Hội LHPN thị xã Kỳ Anh phối hợp với Hội Luật gia thị xã, UBND xã Kỳ Ninh tổ chức phiên tòa giả định với nội dung "Tội môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép" cho toàn thể hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn.

Ngày 12/5, tại UBND phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, Tổ chức di cư quốc tế IOM tại Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh, Hội LHPN thị xã Kỳ Anh tổ chức sự kiện truyền thông "Phòng chống di cư trái phép từ Việt Nam sang Úc bằng tàu thuyền" dưới hình thức phiên tòa giả định cho hơn 350 cán bộ, hội viên phụ nữ và các em học sinh ở thị xã Kỳ Anh...

Chỉ tính riêng từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh, tại các trường học, các tổ chức đoàn, hội đã tổ chức thành công hàng trăm phiên tòa giả định, qua đó đã tạo chuyển biến mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, tạo sự chuyển biến về ý thức thượng tôn pháp luật, góp phần nâng cao văn hóa giao thông.

Thực tế cho thấy, các phiên tòa giả định được tổ chức như một phiên xét xử tại tòa án, bao gồm đủ các thành phần và các bước từ xét hỏi, luận tội, tranh luận, nghị án, tuyên án, phản ánh đầy đủ hành vi phạm tội của bị cáo, các quy định pháp luật và mức án được áp dụng.

Với những hiệu quả rất thiết thực từ các phiên tòa giả định mang lại nên trong năm 2024, các đơn vị TAND các cấp ở tỉnh Hà Tĩnh đã chú trọng và tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các phiên tòa giả định với nhiều chủ đề khác nhau nhằm tuyên truyền pháp luật đến cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là thế hệ học sinh.

Việc tổ chức phiên tòa giả định đã "mềm hóa" công tác phổ biến, giáo dục pháp luật một cách trực quan, sinh động, dễ nhớ, nhất là trong các trường học. Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật sinh động, thu hút sự quan tâm theo dõi của giáo viên cũng như học sinh. Các vụ việc được tái hiện trong phiên tòa giả định vừa có tác dụng răn đe, vừa giúp người tham dự hiểu thêm các quy định pháp luật, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là đối với các em học sinh.

Do vậy, trong thời gian tới, trên địa bàn Hà Tĩnh sẽ tiếp tục nhân rộng, tổ chức nhiều phiên tòa giả định ở nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về hiểu biết và ý thức chấp hành, thượng tôn pháp luật của người dân. Đây chính cũng là yếu tố quan trọng, then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ANTT, giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Thiên Thảo

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/giao-duc-phap-luat-thong-qua-nhung-phien-toa-gia-dinh-i749555/