Giáo dục Thái Thụy thay đổi diện mạo với ứng dụng CNTT, triển khai chuyển đổi số

Triển khai quyết liệt, hiệu quả ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đã mang lại những thay đổi mạnh mẽ với giáo dục huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Đỗ Trường Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT - tặng giấy chứng nhận cho tập thể có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng CNTT ngành GD&ĐT giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.

Đồng chí Đỗ Trường Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT - tặng giấy chứng nhận cho tập thể có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng CNTT ngành GD&ĐT giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.

Bảo đảm hạ tầng, cơ sở vật chất

Trong những năm qua, các cấp, các ngành và các đơn vị trường học đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng CNTT; các thiết bị đã được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ, số máy tính, tivi màn hình rộng, thiết bị CNTT phục vụ công tác quản lý, dạy và học được lắp đặt và nâng cấp thường xuyên hơn.

Đến nay, gần 100% lớp học từ mầm non đến lớp 9 được đầu tư máy tính, tivi màn hình rộng và kết nối internet để phục vụ công tác dạy học. 100% trường tiểu học, THCS, TH&THCS có tối thiểu 1 phòng tin học, thực hiện dạy học môn Tin học theo đúng phân phối chương trình Bộ GD&ĐT quy định; bảo đảm tốt số lượng máy cho học sinh thực hành, không quá 2 em/ máy tính.

100% các đơn vị trực thuộc lắp đặt và sử dụng hiệu quả hệ thống camera giám sát tại các lớp học. 100% trường học đã kết nối trên 1 đường cáp quang. Phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện đầu tư 22 điểm cầu trực tuyến từ năm 2017, với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. 100% văn phòng (phòng họp) các trường được đầu tư tivi thông minh màn hình rộng để phục vụ hội nghị trực tuyến.

Phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy cũng đã duy trì đầu tư mua bản quyền phần mềm Zoom với số lượng tham gia tối đa là 300 điểm cầu để triển khai họp trực tuyến.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong tất cả hoạt động

Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giáo dục tại Thái Thụy được thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong tất cả hoạt động.

Trong công tác quản trị, hiện 100% các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai phần mềm quản trị nhà trường, kết nối với cơ sở dữ liệu ngành của Bộ GD&ĐT; thực hiện in ấn sổ điểm, học bạ, sổ gọi tên ghi điểm trên hệ thống và khai thác hiệu quả dữ liệu trên hệ thống. Năm học 2023-2024, triển khai thí điểm học bạ số đối với 100% học sinh lớp 1. Triển khai triệt để hệ thống tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1, lớp 6 từ năm học 2023-2024.

Hệ thống kiểm định chất lượng, hệ thống quản lý đồ dùng, thiết bị dạy học, hệ thống quản lý công sản của MISA, hệ thống quản lý nuôi dưỡng NutriAll... cũng được các nhà trường triển khai sử dụng hiệu quả.

Ngành GD Thái Thụy đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính từ rất sớm. Từ năm 2017, 100% văn bản đã được ban hành bằng hình thức điện tử bằng chữ kí do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp miễn phí. Việc số hóa hồ sơ sổ sách đã góp phần nâng cao hiệu quả công việc, giảm áp lực cho đội ngũ. 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS, TH&THCS tự xây dựng hệ thống quản lý giáo án trên nền tảng kết hợp giữa website và Google driver đảm bảo khoa học, hiệu quả và hoàn toàn miễn phí. Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường bỏ sổ quản lý văn bản, sổ gọi tên ghi điểm, sổ học bạtruyền thống sang sử dụng bằng phương thức điện tử.

Đến ngày 31/5/2024, trên 95% giáo viên trong toàn ngành sử dụng giáo án điện tử, không phải in ấn. Việc phê duyệt giáo án điện tử được thực hiện đảm bảo tính pháp lý và đúng quy định về chuyên môn.

 Thầy Vũ Vân Phong – Phó Hiệu trưởng trường TH&THCS Thụy An.

Thầy Vũ Vân Phong – Phó Hiệu trưởng trường TH&THCS Thụy An.

Thầy Vũ Vân Phong – Phó Hiệu trưởng trường TH&THCS Thụy An chia sẻ: việc thực hiện quyết liệt và có hiệu quả ứng dụng CNTT và chuyển đổi số đã làm thay đổi toàn diện công tác quản lý nhà trường theo hướng tích cực, giúp giáo viên linh hoạt trong việc tổ chức giảng dạy, giảm thời gian in ấn giáo án và tổng hợp điểm học sinh. Việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số được giáo viên, học sinh đồng thuận rất cao.

Triển khai công nghệ e-learning, Phòng GD&ĐT tiếp tục yêu cầu mỗi trường tối thiểu xây dựng 1 video bài giảng/ học kỳ. Hoạt động xây dựng kho học liệu mở trực tuyến được duy trì. Đây là nơi học sinh tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi; cán bộ quản lý, giáo viên chia sẻ, học tập kinh nghiệm. Đến nay, kho học liệu mở đã có gần 1.000 video bài giảng của cán bộ quản lý, giáo viên.

Về tổ chức dạy học, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến theo quy định của Bộ GDĐT phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và đổi mới phương pháp dạy - học, ngay cả trong điều kiện học sinh đến lớp bình thường.

Các trường khai thác, sử dụng tối đa tiện ích của phần mềm quản lý học tập (LMS) trong kết nối và tổ chức các hoạt động giáo dục giữa cơ sở giáo dục, giáo viên với học sinh trong việc hướng dẫn học sinh tự học, kiểm tra đánh giá và phối hợp với gia đình. Đồng thời, tăng cường đánh giá thường xuyên bằng hình thức trực tuyến; từng bước tổ chức triển khai thi, kiểm tra, đánh giá trên máy tính, bảo đảm khách quan, công bằng, tin cậy.

Hệ thống thư viện điện tử (bao gồm phần mềm quản trị thư viện và cơ sở dữ liệu số hóa sách và tài nguyên phục vụ dạy học) được các nhà trường chú trọng nghiên cứu triển khai hiệu quả; kết nối liên thông với các kho học liệu số, chia sẻ tài nguyên số hóa giữa các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên.

Các nhà trường đồng thời đẩy mạnh hình thức thanh toán học phí, các khoản thu bằng hình thức trực tuyến không dùng tiền mặt; từng bước kết nối phần mềm quản lý tài chính của cơ sở giáo dục với các nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt.

 Thầy Nguyễn Văn Thuy – Phó Trưởng phòng GD&ĐT Thái Thụy.

Thầy Nguyễn Văn Thuy – Phó Trưởng phòng GD&ĐT Thái Thụy.

Thầy Nguyễn Văn Thuy – Phó Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: xác định việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số rất quan trọng và là xu hướng tất yếu. Trong những năm qua, ngành GD&ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Ngành GD&ĐT Thái Thụy luôn là đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi phương thức ban hành văn bản giấy sang văn bản kí số. Chỉ đạo khuyến khích giáo viên sử dụng giáo án điện tử đã giúp tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng/ năm.

Nâng cao chất lượng dạy Tiếng Anh, Tin học

Thực hiện chỉ đạo của Phòng GD&ĐT, các nhà trường thực hiện ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng giáo viên chủ động tích hợp CNTT vào từng môn học để nâng cao hiệu quả bài giảng; sử dụng phần mềm trình chiếu, kết hợp các phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo và phần mềm dạy học.

Phòng GD&ĐT quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy học môn Tin học trong nhà trường, đặc biệt quan tâm đến phổ cập lập trình cho học sinh. Tổ chức các hội thi, hội giảng, chuyên đề đối với bộ môn Tin học. Chất lượng dạy học Tin học là một tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục toàn diện của mỗi nhà trường. Ứng dụng CNTT trong dạy học Tiếng Anh cũng được đẩy mạnh. Hạn chế lạm dụng CNTT trong dạy học hoặc ứng dụng một cách hình thức.

Phòng GD&ĐT phối hợp với Học viện Kidscode triển khai tập huấn lập trình robot ảo cho câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật các trường tiểu học, THCS, TH&THCS trong toàn huyện.

 Học sinh trường THCS Nguyễn Đức Cảnh tham gia Giải vô địch Robotics VEX IQ toàn quốc năm 2023.

Học sinh trường THCS Nguyễn Đức Cảnh tham gia Giải vô địch Robotics VEX IQ toàn quốc năm 2023.

Đặc biệt, tham gia Cuộc thi “Xây dựng thể lệ Cuộc thi sáng tạo STEM robot” trong khuôn khổ “Ngày hội STEM vùng cao và nông thôn thúc đẩy chuyển đổi số năm 2022”, tổ chức ở huyện Than Uyên, Lai Châu, Phòng GD&ĐT Thái Thụy đã đoạt giải xuất sắc.

Nhằm giúp học sinh được tiếp cận với giáo dục STEM theo chuẩn quốc tế. Phòng GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo Trường THCS Nguyễn Đức Cảnh, Trường TH&THCS Thái Hưng, Thụy Hải thành lập đội thi tham gia Giải vô địch Robotics VEX IQ toàn quốc năm 2024.

Ngoài ra, hiện nay, các nhà trường đang bước đầu triển khai tốt giải pháp xây dựng trường học điện tử, lớp học điện tử, các giải pháp giáo dục thông minh nhằm ứng dụng những công nghệ tiên tiến, đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy - học.

Đẩy mạnh bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn huyện Thái Thụy, đến nay 100% cán bộ quản lý giáo dục ứng dụng tốt CNTT phục vụ công tác dạy học trên lớp học. 100% giáo viên đạt chứng chỉ kỹ năng sử dụng CNTT theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT (hoặc tương đương); 90% giáo viên có thể soạn bài giảng e-learning.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-thai-thuy-thay-doi-dien-mao-voi-ung-dung-cntt-trien-khai-chuyen-doi-so-post705044.html