GIÁO DỤC THUYẾT PHỤC, NHÂN VĂN

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó có quy định: Không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh; chỉ có các mức khiển trách, cảnh cáo và tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm.

Nếu dự thảo quy định này được thông qua thì từ nay, những cô cậu học sinh dù có thuộc diện cá biệt đến đâu cũng không bị “đuổi học”.

Trong nhiều năm qua, hình thức “buộc thôi học” có sức răn đe đáng kể, nhằm siết chặt kỷ luật học đường. Phải thừa nhận rằng, thực tế còn có một số học sinh rất ngỗ ngược, thậm chí vi phạm pháp luật. Thế nhưng cũng có nhiều học sinh vì sợ bị "đuổi học" mà đã có chuyển biến tích cực trong học tập và rèn luyện. Nhưng nay, với các học sinh đó, khi tất cả những biện pháp giáo dục đều thiếu hiệu quả và không còn giải pháp "đuổi học” nữa thì nhà trường phải làm sao?

 Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi.com.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi.com.vn

Dự thảo thông tư mới quy định: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của học sinh, căn cứ đề xuất của hội đồng kỷ luật học sinh của nhà trường, hiệu trưởng nhà trường xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp đối với học sinh tối đa là hai tuần để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng.

Có thể khẳng định, việc bỏ hình thức "buộc thôi học" là rất đúng đắn và nhân văn, bởi ở lứa tuổi măng non các em còn chưa nhận thức đầy đủ sự đúng-sai. Nếu bị "đuổi học", vô hình trung, chúng ta đã tước cơ hội sửa sai của học sinh, càng đẩy các em vào sai lầm, hư hỏng, trong khi nhiệm vụ của ngành giáo dục là phải "trồng người".

Giáo dục riêng là biện pháp duy nhất còn lại của các thầy, cô giáo và nhà trường đối với các học sinh cá biệt. Nhưng giáo dục riêng rất khó, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, cần phối hợp nhà trường-gia đình-xã hội. Giáo dục riêng đòi hỏi người giáo dục phải hiểu rõ, hiểu sâu sắc đời sống, tâm tư, tình cảm, tính nết của các em; đối với mỗi vi phạm, cần phải tìm hiểu nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân sâu xa. Có khi trong tâm hồn các em chứa đầy ẩn ức từ thơ bé, bị bạo hành, bị bỏ rơi, thiếu thốn tình yêu thương từ gia đình, người thân của các em... Những sang chấn tâm lý đó rất khó nhận biết nếu chỉ quan sát bên ngoài, nếu không gần gũi, yêu thương và tận tâm với các em.

Giáo dục riêng là một khoa học, các thầy, cô giáo, nhà trường phải thực hành nó với khối kiến thức khoa học và kinh nghiệm thực tiễn, cùng các phương pháp, kỹ năng vừa cập nhật tiệm cận với sự phát triển của xã hội và thời đại, vừa nhân văn, độ lượng, với sự hiểu biết thấu đáo về đối tượng giáo dục thì mới có thể thành công. Như vậy, dự thảo thông tư nêu trên đã đặt thêm gánh nặng trách nhiệm lên các thầy, cô giáo và nhà trường đối với các học sinh diện cá biệt. Thay vì bị “đuổi học”, các em sẽ được giáo dục riêng, chắc chắn điều đó sẽ tốt cho các em, cho gia đình và xã hội.

Dự thảo thông tư mới cũng quy định nhà trường lưu giữ hồ sơ liên quan tới kỷ luật học sinh theo quy định; không ghi hình thức kỷ luật vào học bạ của học sinh. Với những điểm mới như vậy, hoàn toàn có thể tin tưởng nền giáo dục của chúng ta ngày càng bám sát các giá trị phổ quát là nhân văn, khoa học và hiện đại.

TRẦN HOÀI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giao-duc-thuyet-phuc-nhan-van-635163