Giao Hà Nội quản lý, các bệnh viện Trung ương sẽ thành cấp địa phương?

Đây là ý kiến của ĐBQH về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó, đề xuất chuyển giao các bệnh viện thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn thủ đô cho TP. Hà Nội quản lý.

Trao đổi với phóng viên, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) thể hiện không đồng tình với đề xuất chuyển giao một số bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn Thủ đô cho TP. Hà Nội quản lý, trừ đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của trường đại học (khoản 1 điều 27 dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi).

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Hải Dương (Ảnh: Quốc hội)

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Hải Dương (Ảnh: Quốc hội)

“Luật chồng chéo luật”

Theo ĐB Việt Nga, đề xuất này sẽ khiến quản lý bị chống chéo khi Bộ Y tế quản lý chuyên môn, còn TP. Hà Nội quản lý nhân sự. Mặt khác, nếu đưa bệnh viện tuyến trung ương cho Hà Nội quản lý, Quốc hội sẽ lại phải tính đến phương án sửa Luật Khám chữa bệnh. Trong thời gian chờ sửa luật, chắc chắn xảy ra tình trạng luật nọ chồng chéo luật kia, rối càng thêm rối cho các cơ sở y tế.

“Thứ nhất, cần đối chiếu với Luật Khám chữa bệnh sửa đổi. Trong luật quy định rõ nhiệm vụ, chức năng, đơn vị quản lý các bệnh viện tuyến trung ương. Thứ hai, các bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, Sản, Nhi, K… ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân còn đảm nhận nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ các địa phương công tác y tế cộng đồng, y tế cơ sở. Thứ ba, bệnh viện trung ương là nơi phụ trách sức khỏe của hàng triệu nhân dân không phải chỉ khu vực Hà Nội…”, ĐB đoàn Hải Dương nói.

ĐB Việt Nga phân tích cụ thể, bệnh viện T.Ư do Bộ Y tế quản lý sẽ mang tầm quốc gia, nếu đưa về Hà Nội quản lý thì các cơ sở y tế này sẽ trở thành bệnh viện cấp địa phương, đồng thời, sẽ rất khó hợp tác quốc tế trong trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kinh nghiệm, mua bán đấu thầu thuốc…

Bên cạnh đó, quá trình bệnh viện T.Ư đào tạo nhân lực, chỉ đạo tuyến và hỗ trợ các địa phương khác cũng bị đứt gãy: “Về cơ bản, các bệnh viện đồng hạng giữa các địa phương sẽ không hỗ trợ được nhiều cho nhau. Thông thường bệnh nhân nặng, tình trạng bệnh phức tạp sẽ được điều chuyển từ địa phương về trung ương để điều trị. Nếu xáo trộn đơn vị quản lý sẽ gây ra xáo trộn dây truyền về nhân sự, cơ chế, mô hình. Cuối cùng đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất là tính mạng của hàng triệu người dân. Không ai có thể dám chắc được việc quy hoạch này không ảnh hưởng đến bệnh nhân”.

Các bệnh viện sẽ “một cổ hai tròng”?

Cũng theo ĐB Việt Nga, việc đưa bệnh viện trung ương về Hà Nội quản lý gây tình trạng “một cổ hai tròng” cho các bệnh viện, khi Bộ Y tế phụ trách quản lý chuyên môn, khám chữa bệnh, Hà Nội quản lý về cơ sở vật chất, đầu tư, nhân lực… Trong khi đó, dự thảo Luật Thủ đô cũng chưa ngã ngũ quy định sẽ quản lý các bệnh viện này thế nào, đơn vị nào quản lý, Sở Y tế hay UBND thành phố.

Do đó, khi nghiên cứu, xây dựng và góp ý dự thảo Luật Thủ đô cần đặc biệt cân nhắc đề xuất này để tránh xáo trộn.

“Việc này rất hệ trọng, tầm chiến lược quốc gia, không phải của riêng địa phương, kể cả Thủ đô cũng cần hoạch định dài hơi”, ĐB Việt Nga nói.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Về ý kiến đưa các bệnh viện tuyến T.Ư về cho Hà Nội sẽ giúp ngành y giải quyết được những vướng mắc về nhân lực, lương, phụ cấp, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế bằng những cơ chế của Thủ đô, ĐB Việt Nga cho rằng “đây chỉ là phỏng đoán”. Thực tế dự thảo Luật Thủ đô mới chỉ nêu lên vấn đề để lấy ý kiến, chưa có quy định, kế hoạch cụ thể nào cho đề xuất này.

Hiện Sở Y tế quản lý 42 bệnh viện công, 43 bệnh viện tư, 579 trung tâm y tế xã phường và gần 3.900 phòng khám đa khoa và chuyên khoa, chưa kể hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh dược, trang thiết bị.

Tại hội nghị góp ý dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị Hà Nội tính toán lại năng lực quản lý, khi việc tiếp nhận thêm bệnh viện tuyến trung ương là quá sức, đặc biệt trong bối cảnh cán bộ Sở Y tế còn đang rất mỏng.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-ha-noi-quan-ly-cac-benh-vien-trung-uong-se-thanh-cap-dia-phuong-post1037392.vov