Giao lại quyền sở hữu vốn nhà nước nhằm cắt lỗ tại 12 dự án

(TBKTSG Online) - Sau hơn 2 năm phải xử lý 12 dự án thua lỗ nặng nề của ngành công thương để tìm lối thoát, đến nay, Bộ Công Thương đã rút lui khỏi công việc khó khăn này và giao lại quyền chủ sở hữu vốn nhà nước cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN)

Hôm 9-7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Chủ tịch UBQLVNN tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã ký bàn giao nhiệm vụ xử lý một số xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương (dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, dự án sản xuất sơ xợi Đình Vũ, dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi…) về UBQLVNN tiếp quản quyền đại diện vốn chủ sở hữu Nhà nước. Riêng dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang hoàn thiện thủ tục bán thanh lý dự án không có tên trong danh sách này.

 Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn II đã thanh toán 90% cho tổng thầu nhưng không thể hoàn thành dự án, đi vào sản xuất. Ảnh minh họa là dây chuyền cán thép tại nhà máy cán thép Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN

Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn II đã thanh toán 90% cho tổng thầu nhưng không thể hoàn thành dự án, đi vào sản xuất. Ảnh minh họa là dây chuyền cán thép tại nhà máy cán thép Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN

Việc chuyển giao quyền quản lý, điều hành, xử lý yếu kém từ bộ qua ủy ban xuất phát từ việc ra đời của UBQLVNN, đơn vị này thay các bộ ngành nói chung làm đại diện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Kể từ khi ủy ban ra đời thì các bộ chỉ còn giữ vai trò là quản lý nhà nước, không còn vừa quản lý nhà nước vừa giữ quyền đại diện vốn như trước đây.

Cho dù Bộ Công Thương đã rất tích cực cùng Chính phủ xử lý các dự án thua lỗ nhằm vực dậy tình hình ở các dự án nói trên nhưng tiến độ xử lý khá chậm. Điều kiện xử lý là không rót thêm vốn nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp, cộng với những vướng mắc khó có thể giải quyết khiến cho nhiều dự án đi vào ngõ cụt.

Đã có 2 trong số 6 dự án có hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ đã bước đầu có lãi, bao gồm Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy thép Việt- Trung. Bốn dự án còn lại còn khó khăn nhưng đã sản xuất trở lại là Nhà máy sản xuất sơ xợi Đình Vũ, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi..

Trước khi bàn giao các dự án về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã đề xuất đưa 2 dự án sản xuất phân bón và thép Việt Trung ra khỏi danh sách dự án thua lỗ. Các dự án còn lại đã cắt được một phần lỗ, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, hy vọng thu lại được một phần vốn nhà nước.

Lan Nhi

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291234/giao-lai-quyen-so-huu-von-nha-nuoc-nham-cat-lo-tai-12-du-an.html