Giao lưu trực tuyến: Chương trình giáo dục phổ thông mới - Thuận lợi cho thầy và trò

Giao lưu trực tuyến 'Chương trình giáo dục phổ thông mới: Thuận lợi cho thầy và trò' diễn ra tại Báo Giáo dục và Thời đại từ 9h30 đến 11h ngày 2/4.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm, Hà Nội;

- Cô Trịnh Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bắc Hà, TP Hà Tĩnh;

- Cô Nguyễn Thị Thúy Hồng, GV môn Vật lý, Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và các đề án có liên quan.

Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt Chương trình giáo dục phổ thông, gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học; thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Các tỉnh thành phố tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương.

Nhà báo Nguyễn Đức Tuân, Trưởng ban Giáo dục điện tử tặng hoa cho các khách mời tại điểm cầu Hà Nội

Nhà báo Nguyễn Đức Tuân, Trưởng ban Giáo dục điện tử tặng hoa cho các khách mời tại điểm cầu Hà Nội

Cho đến thời điểm này, Chương trình mới đã và đang đi vào cuộc sống. Với sự sát sao chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; chuẩn bị chủ động, chu đáo của ngành GD-ĐT địa phương; sự quan tâm chỉ đạo, quyết định đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, kết quả ban đầu sau hơn 1 học kỳ triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1 là khả quan, tích cực.

Từ năm 2021-2022, chương trình mới sẽ tiếp tục được triển khai với lớp 2 và lớp 6. Danh mục sách giáo khoa cho 2 lớp này đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Hiện nay, các địa phương đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai tốt nhất chương trình mới với lớp 2, lớp 6; trong đó có triển khai lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch, thuận lợi cho dạy và học.

Điểm mới trong chọn sách giáo khoa năm nay là UBND cấp tỉnh quyết định chọn sách (theo quy định của Luật Giáo dục), thay cho việc cơ sở giáo dục được quyền quyết định như năm trước (theo Nghị quyết 88). Tuy nhiên, điểm chung là vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ giáo viên, các tổ chuyên môn trong lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường.

Tại chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức, trao đổi giữa khách mời và bạn đọc sẽ xoay quanh việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; hoạt động lựa chọn sách giáo khoa; lưu ý khai tác tốt sách giáo khoa vào dạy học…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/giao-luu-truc-tuyen-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-thuan-loi-cho-thay-va-tro-DvofGvlGg.html