Giáo sư nào quê Hà Tĩnh là người đặt nền móng cho ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam?

Ông sinh ra trong một gia đình nhà giáo tại xã Song Lộc (nay là xã Kim Song Trường), huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông là Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, được xem là người đặt nền móng cho ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Người đặt nền móng cho ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam là một giáo sư quê Hà Tĩnh. Ông là ai?

A: Hoàng Xuân Hãn

B: Hà Huy Khoái

C: Nguyễn Đình Tứ

D: Đinh Nho Hào

Giải thích

Giáo sư Nguyễn Đình Tứ (1/10/1932 – 28/6/1996) quê ở xã Song Lộc (nay là xã Kim Song Trường), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người thông minh, học giỏi. Năm 1949, khi còn là học sinh phổ thông, ông Nguyễn Đình Tứ đã vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Đình Tứ không chỉ được biết đến là một cán bộ lãnh đạo mẫu mực, được Đảng, Nhà nước giao đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, mà trước hết, ông là một nhà vật lý tài năng, người xây dựng và phát triển ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Trước khi đến với ngành Năng lượng nguyên tử, ông từng theo học ngành gì?

A: Thiên văn học

B: Thủy lợi - thủy điện

C: Công nghệ thông tin

D: Tự động hóa

Giải thích

Từ năm 1951 - 1957, ông Nguyễn Đình Tứ được Nhà nước cử sang Trung Quốc học tập. Trong đó, từ năm 1954 - 1957, ông theo học tại Trường Đại học Thủy lợi Vũ Hán, chuyên ngành Thủy lợi - thủy điện và tốt nghiệp loại ưu. Tháng 8/1957, Nhà nước tiếp tục cử ông Nguyễn Đình Tứ lãnh đạo một nhóm gồm 3 thanh niên ưu tú sang học tập và làm việc tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúp-na (Liên Xô - nay là Liên bang Nga), một trung tâm khoa học hạt nhân thuộc loại lớn nhất thế giới thời bấy giờ. Tại Viện Đúp-na, dưới sự dẫn dắt của các giáo sư người Nga, ông Nguyễn Đình Tứ được bố trí làm việc trong phòng thí nghiệm năng lượng cao, chuyên nghiên cứu về vật lý hạt cơ bản. Để chuẩn bị hành trang bước vào lĩnh vực vật lý hiện đại, ông Nguyễn Đình Tứ đã tự trang bị thêm cho mình những kiến thức cần thiết và cả ngoại ngữ mới - tiếng Nga, chủ yếu bằng con đường tự học. Chỉ sau một thời gian ngắn, với kiến thức tự trang bị, khả năng sử dụng thành thạo 4 ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga và Trung văn, ông Nguyễn Đình Tứ đã nhanh chóng làm chủ các phương pháp thực nghiệm, nắm bắt sâu sắc những kiến thức vật lý lý thuyết cần thiết, cùng với các nhà khoa học tiến hành nhiều nghiên cứu có giá trị.

Phát hiện nào của ông Nguyễn Đình Tứ và các cộng sự được xem là một trong những thành tựu khoa học công nghệ của thế kỷ XX?

A: Phát hiện hạt pentaquark

B: Phát hiện hạt Higgs boson

C: Phát hiện hạt proton trong hạt nhân nguyên tử

D: Phát hiện phản hạt hyperon sigma âm

Giải thích

Trong thời gian học tập và làm việc tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúp-na, ông Nguyễn Đình Tứ đã có những đóng góp xuất sắc vào các thành tựu nghiên cứu của tập thể, với 50 công trình khoa học có giá trị được công bố. Trong đó, cụm công trình phát minh một hạt cơ bản mới gọi là “phản hạt hyperon sigma âm” là một thành tựu nổi bật và ông Nguyễn Đình Tứ là một trong những chủ nhân chủ chốt của phát minh đó. Ở tuổi 30, nhà khoa học Việt Nam trẻ tuổi Nguyễn Đình Tứ đã thay mặt nhóm phát minh trực tiếp báo cáo thành tựu khoa học về phản hạt hyperon sigma âm tại Hội nghị Khoa học quốc tế ở Tây Âu. Cũng trong thời gian ở Liên Xô, ông Nguyễn Đình Tứ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Đánh giá vai trò của Tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ, Giáo sư Baldin - Viện sĩ, Giám đốc Phòng thí nghiệm năng lượng cao của Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúp-na cho biết: “Từ những năm 1958 - 1962, với sự tham gia tích cực của Nguyễn Đình Tứ, Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúp-na đã thu được những kết quả vật lý rất quan trọng. Nguyễn Đình Tứ đã đóng góp to lớn trong việc nghiên cứu quá trình sinh hyperon nhiều bậc, phản hạt của hyperon sigma âm”. Với những đóng góp cho khoa học, năm 1961, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ đã nhận được giải thưởng của Hội đồng Khoa học Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Đúp-na. Năm 1968, ông cùng nhóm tác giả quốc tế ở phòng thí nghiệm năng lượng cao được Chính phủ Liên Xô cấp bằng phát minh khoa học về lĩnh vực hạt nhân. Phát hiện phản hạt hyperon sigma âm được xem là một trong những thành tựu khoa học công nghệ của thế kỷ XX.

Giáo sư Nguyễn Đình Tứ từng giữ chức vụ bộ trưởng bộ nào?

A: Bộ Khoa học và Công nghệ

B: Bộ Giao thông công chính (nay là Bộ Giao thông vận tải)

C: Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ GD&ĐT)

D: Bộ Nội vụ

Giải thích

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập và nghiên cứu khoa học, năm 1971, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ trở về nước công tác tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng, kiêm Bí thư Đảng ủy. Năm 1980, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ được phong hàm giáo sư. Từ tháng 6/1976 đến tháng 2/1987, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ GD&ĐT). Với tài năng khoa học và năng lực quản lý, đồng chí cũng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia ngay từ những ngày viện này mới thành lập (năm 1984) và giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Viện cho đến năm 1996. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam có những bước khởi đầu và phát triển mạnh sau này. Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Đình Tứ còn được tin tưởng giao trọng trách Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật của Quốc hội, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương; Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng các khóa V, VI,VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII. Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Nguyễn Đình Tứ luôn thể hiện là một cán bộ gương mẫu, đức độ, sống giản dị, khiêm tốn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ghi nhận công lao đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng đồng chí: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (năm 1989), Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất. Huân chương Hồ chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đồng chí từ trần vào ngày 28/6/1996, thọ 64 tuổi.

Lò phản ứng hạt nhân duy nhất của Việt Nam đặt ở đâu?

A: Lâm Đồng

B: Quảng Ninh

C: Bình Dương

D: Đồng Nai

Giải thích

Lò phản ứng hạt nhân TRIGA Mark-2 công suất 250 kWt ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của Đông Nam Á được người Mỹ xây dựng từ tháng 4/1961, hoàn thành vào tháng 12/1962, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cùng các phụ tá thiết kế công trình. Năm 1968, người Mỹ cho dừng vận hành lò phản ứng. Từ năm 1982, Liên Xô đã giúp đỡ khôi phục và mở rộng lò phản ứng này. Đến ngày 20/3/1984, lò phản ứng với tên mới là Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được đưa vào vận hành với công suất là 500 kWt, gấp 2 lần so với công suất của lò TRIGA trước đây. Được giao trọng trách là người đầu tàu xây dựng và phát triển ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ đã lãnh đạo ngành phát triển từng bước mạnh mẽ và vững chắc. Sau khi lò phản ứng Đà Lạt khôi phục và mở rộng, công nghệ chiếu xạ được triển khai thí điểm ở Đà Lạt, Hà Nội và mở rộng trên quy mô sản xuất ở thành phố Hồ Chí Minh. Các ứng dụng khoa học và kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực kinh tế quốc dân như nông nghiệp, y tế, địa chất, công nghiệp... được triển khai rộng rãi.

Kết quả

Bạn hãy chăm chỉ hơn nhé!

Điểm

Phương Đặng

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/giao-su-nao-que-ha-tinh-la-nguoi-dat-nen-mong-cho-nganh-nang-luong-nguyen-tu-viet-nam-post267868.html