Giáo sư nổi tiếng đưa ra quan điểm gây tranh cãi: Phải cho con học trường cấp 2 trọng điểm, khổ 2-3 năm thì đời mới khá lên được

'3 năm cũng không phải điều gì quá to tát. Nếu con khóc bảo: Bố ơi, con học hành mệt quá. Vậy là ai cũng cho con nghỉ học à?', vị giáo sư bày tỏ quan điểm.

Mới đây, một cuộc tranh luận trong chương trình "Điều bạn nói không đúng" của kênh Tencent News, Trung Quốc đã gây xôn xao dư luận. Khách mời hôm đó là 2 giáo sư từ các trường đại học hàng đầu Trung Quốc, gồm Giáo sư, Tiến sĩ Chử Ân - hiện đang công tác tại Đại học Nhân dân Trung Quốc và Giáo sư Trương Tuyết Phong - hiện giảng dạy tại khoa Hành chính công, Đại học Quan hệ Quốc tế.

Chủ đề được đưa ra như sau: "Có nên cố gắng hết sức để mang đến cho trẻ một nền giáo dục tốt nhất?". Tất nhiên, câu trả lời đều là dù nghèo đến đâu cũng phải cho con học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng giữa việc bố mẹ cho con học đầy đủ và tạo áp lực buộc con phải vào bằng được trường trọng điểm gây nhiều tranh cãi.

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Ân.

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Ân.

Thầy Chử Ân cho rằng: Phụ huynh cần phải cố gắng hết sức để cho con vào học tại các trường cấp 2 trọng điểm. Áp lực học tập chỉ kéo dài 2-3 năm nhưng tỷ lệ đỗ vào các trường đại học top đầu là rất cao. Đây cũng là nền tảng khiến cuộc sống sau này tốt hơn.

"Với các trường học bình thường, xác suất thi đỗ đại học rất thấp. Còn các trường trung cấp trọng điểm, tỷ lệ đỗ đại học cao hơn nhiều. Căng thẳng 2-3 năm cũng không phải điều gì quá to tát. Nếu con khóc bảo: Bố ơi, con học hành mệt quá. Vậy là ai cũng cho con nghỉ học à?", thầy Chử Ân nói.

Tuy nhiên thầy Trương Tuyết Phong lại phản bác và đưa ra quan điểm ngược lại: "Đối tượng chính của giáo dục là trẻ em và chúng ta nên xem xét liệu trẻ em có hạnh phúc hay không?".

Giáo sư Trương Tuyết Phong.

Giáo sư Trương Tuyết Phong.

Đáp lại, thầy Chử Ân cho rằng: "Trong giai đoạn này, con cái không được tự quyết định lợi ích của mình, càng không nên hy sinh giá trị lâu dài và chỉ nhìn tới cái lợi, hạnh phúc trước mắt. Nếu cha mẹ buông tay, sau này có thể hối hận".

Quan điểm của thầy Chử Ân sau đó nhận được rất nhiều sự đồng tình của các bậc phụ huynh. Có thể thấy, thầy Chử và nhóm phụ huynh này có chung suy nghĩ: "Cách giáo dục tốt nhất" là tạo áp lực cho trẻ. Yêu cầu trẻ cống hiến hết mình vì sự nghiệp học hành, nhất quyết không bỏ cuộc nếu không được nhận vào trường tốp đầu.

Tuy nhiên đây có thực sự là phương pháp giáo dục tốt nhất?

"Tôi dễ dàng giải được một bài toán nhưng lại không tìm ra ý nghĩa cuộc sống"

Lý Tuyết Cầm đến từ một thị trấn nhỏ ở vùng Đông Bắc. Sau nhiều năm học tập chăm chỉ, cô đã thi đỗ vào Đại học Bắc Kinh - một trong hai ngôi trường đứng đầu Trung Quốc và châu Á, cùng với Đại học Thanh Hoa.

Tuy nhiên cuộc sống riêng của Lý chẳng hề hạnh phúc. Cô từng mắc bệnh trầm cảm từ năm cấp 2. Nguyên do vì bị bố mẹ ép học hành quá độ. Lý Tuyết Cầm luôn sống trong áp lực, căng thẳng và không cho phép mình tụt xuống vị trí thứ hai. Sau khi tốt nghiệp đại học, Lý ra nước ngoài du học, làm nghiên cứu sinh.

Sự cô đơn, áp lực nơi xứ người khiến cô bỏ học và quyết định quay về Trung Quốc lập nghiệp. Tháng 9 năm ngoái, Lý đã rạch 3 nhát vào cổ tay để tự tử nhưng may mắn được cứu sống.

Lý Tuyết Cầm là một sinh viên xuất sắc nhưng mắc bệnh trầm cảm từ năm cấp 2.

Lý Tuyết Cầm là một sinh viên xuất sắc nhưng mắc bệnh trầm cảm từ năm cấp 2.

Thực tế Lý không phải sinh viên giỏi bị trầm cảm duy nhất. Từng có một topic trên diễn đàn của trường Đại học Thanh Hoa đưa ra câu hỏi: "Nếu bị trầm cảm thì nên uống thuốc gì?". Chỉ có 28 câu trả lời nhưng lượt xem lại lên tới hơn 130 nghìn.

Ông Từ Khải Văn - Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn Tâm lý Đại học Bắc Kinh từng có bài phát biểu và đưa ra thuật ngữ "bệnh rỗng tim". Theo khảo sát, 30,4% sinh viên năm nhất của Đại học Bắc Kinh, bao gồm cả sinh viên đại học và nghiên cứu sinh cảm thấy ghét việc học hoặc cho rằng việc học là vô nghĩa. 40,4% sinh viên cho rằng cuộc sống vô nghĩa, và hiện đang sống theo logic của người khác.

Những đứa trẻ nhận được giấy báo nhập học của Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa đã chiến thắng trong cuộc đua với hàng vạn thí sinh xuất sắc khác. Đó đều là những học sinh có thành tích cao, hạnh kiểm tốt từ khi còn nhỏ. Nhưng khi lên đại học, những cá nhân này lại nghi ngờ về bản thân: Sống theo logic của người khác, không biết mình là ai, muốn gì? Giá trị và ý nghĩa của cuộc sống là như nào?

Thật đáng sợ khi biết rằng, "bệnh rỗng tim" lại tồn tại ở các sinh viên đại học...

Nhiều học sinh cố gắng học hành để vào trường trọng điểm. Nhưng khi bước chân vào cánh cửa đại học lại không biết ý nghĩa cuộc sống của mình là gì.

Nhiều học sinh cố gắng học hành để vào trường trọng điểm. Nhưng khi bước chân vào cánh cửa đại học lại không biết ý nghĩa cuộc sống của mình là gì.

Hiệu trưởng của một trường trung học nổi tiếng ở Bắc Kinh từng chia sẻ: Những đứa trẻ bị bố mẹ tạo áp lực, quản thúc từ nhỏ khi lớn lên thường có tính khí khác biệt. Trước khi vào đại học, cuộc sống của trẻ đều bị cha mẹ trông chừng.

Mục tiêu của trẻ lúc này là vào bằng được một trường danh tiếng và không thể có những mối tình học đường đáng yêu, không thể làm theo ý mình muốn. Chính vì vậy trẻ không thể cảm nhận ý nghĩa cuộc sống. Và những cảm xúc tiêu cực này có thể đeo bám mãi.

"Bố mẹ thích 100 điểm, con thì không"

"Bố mẹ ơi, con không vượt qua được kỳ thi giữa kỳ. Con xin lỗi mẹ. Con đã đi rồi. Đừng tìm con nữa ..." - Đây là những lời cuối cùng mà một cô bé 12 tuổi ở Tứ Xuyên đã viết cho bố mẹ trước khi bỏ nhà ra đi. Sau ba ngày tìm kiếm, một người hàng xóm đã tìm thấy thi thể đứa trẻ trong một hồ chứa nước cách nhà không xa.

Năm 2019, một cậu bé 17 tuổi ở Dương Châu, Giang Tô đã nhảy sông tự tử. Bức thư tuyệt mệnh nói rằng nam sinh này đã bị tụt hạng từ 40 xuống 200 vì bị áp lực học tập quá lớn. Trước khi hành động dại dột, cậu đã đốt tất cả sách vở của mình. Trong tang lễ con trai, người mẹ ôm di ảnh òa khóc nức nở nhưng mọi chuyện khi ấy đã quá muộn.

Tháng 10 năm ngoái, tại lễ khai mạc đại hội thể thao của một trường trung học cơ sở ở Thâm Quyến, một nhóm học sinh năm hai đã hét lên: "Con yêu việc học. Học làm mẹ vui. Mẹ vui, cả nhà vui".

Con yêu việc học. Học làm mẹ vui. Mẹ vui, cả nhà vui".

Con yêu việc học. Học làm mẹ vui. Mẹ vui, cả nhà vui".

Dưới khán đài, có những tràng cười rộ lên nhưng ngẫm lại, có thể thấy các em tuy còn nhỏ nhưng đã phải chịu áp lực học tập. Trẻ không học vì yêu thích, trẻ học vì để mẹ vui và cả gia đình cùng vui.

Nếu con ngoan và đạt điểm tốt, người lớn sẽ khen nức nở. Nếu thi trượt và bị điểm kém, con lại thành sự xấu hổ của bố mẹ. Chính những suy nghĩ, cách đối xử tiêu cực của người lớn đã đẩy nhiều đứa trẻ đến bước đường cùng.

Trẻ sẽ yêu thích việc học nếu người lớn giáo dục đúng cách

Trong chương trình tạp kỹ Dear Little Desk (Tạm dịch: Bạn nhỏ thân mến), một cậu bé tiểu học tên Vân Dực khiến ai nấy ngỡ ngàng vì sự chững chạc của mình. Dù còn nhỏ nhưng Vân Dực đã xác định: Học tập là để cho mục đích tương lai lâu dài.

Được biết, cậu bé luôn hoàn thành bài tập cô giáo giao trước khi về nhà và thường tìm thêm sách tham khảo để làm. Nhiều người cứ ngỡ bố mẹ của Vân Dực hẳn dạy cậu bé phải học tập chăm chỉ từ nhỏ nhưng thực tế lại trái ngược. Mẹ của cậu bé ít khi can thiệp vào bài tập trên lớp của con và còn thẳng thừng chỉ trích những lớp học thêm đắt tiền mà nhiều phụ huynh đang đổ xô cho con theo học.

Vân Dực còn nhỏ tuổi nhưng rất yêu thích việc học.

Vân Dực còn nhỏ tuổi nhưng rất yêu thích việc học.

Những người làm chương trình không khỏi thắc mắc: "Tại sao đứa trẻ này lại yêu thích việc học như vậy?". Đáp án là bởi bố mẹ của Vân Dực đã tạo áp lực vừa đủ cho con. Bố mẹ bé hoàn toàn tôn trọng con, không đánh giá con dựa trên điểm số. Vì vậy Vân Dực có thể thoải mái học tập mà không bị áp lực.

Thực tế nhiều cha mẹ đã quen với việc tạo áp lực cao để con cải thiện việc học, chăm chỉ hơn. Tuy nhiên việc dạy dỗ không đúng cách khiến trẻ mất dần hứng thú với chuyện học tập. Thay vì bắt ép, cha mẹ nên nghĩ cách khiến con thật sự yêu thích việc học. Khi điểm số quá giảm sút, có thể con đang âm thầm chống đối chuyện học.

Một đứa trẻ lớn lên trong sự tự do và khẳng khái sẽ có tính cách tự tin hơn. Sự khỏe mạnh về tâm hồn khiến trẻ có năng lực kiểm soát bản thân, đồng thời phát huy giá trị bản thân tốt nhất. Tính cách lành mạnh và tâm hồn độc lập chính là nền tảng để trẻ có thể đứng vững trong thế giới thay đổi chóng mặt này. Đây là sự đảm bảo cho "điểm trọn vẹn" trong cuộc đời và là mục tiêu đích thực của giáo dục.

Thanh Hương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/giao-su-noi-tieng-dua-ra-quan-diem-gay-tranh-cai-phai-cho-con-hoc-truong-cap-2-trong-diem-kho-2-3-nam-thi-doi-moi-kha-len-duoc-20201114151854035.htm