'Giáo sư Thần kinh học' gần 60 năm tâm huyết với nghề
Dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm, nhưng GS.TS Lê Đức Hinh - nguyên Trưởng khoa Thần kinh và Tinh thần, Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh Việt Nam vẫn mải miết khám chữa bệnh phục vụ bệnh nhân. Ông bảo, nghề bác sĩ là nghề cứu người, bao giờ người bệnh cần, còn sức, ông vẫn phải làm việc, tận sức cống hiến.
Chúng tôi tìm đến Bệnh viện Đa khoa An Việt - nơi GS.TS Lê Đức Hinh đang công tác tại đây, chứng kiến ông vô cùng tận tâm, tận tình với người bệnh. Dù đã đặt lịch khám trước đó nhưng ông Đặng Thúc Lan (72 tuổi, phố Hàng Dầu, Hoàn Kiếm) có mặt từ sớm để được GS Lê Đức Hinh thăm khám.
Ngồi trên xe lăn, chậm rãi trả lời những câu hỏi của bác sĩ một cách chính xác, ông Lan thở phào nhẹ nhõm khi được kết luận không bị bệnh Parkinson mà đó là những biến chứng của tiểu đường, cao huyết áp. “Ông cứ yên tâm, bệnh tình ông không nặng, thực hiện đúng chỉ dẫn, bệnh sẽ cải thiện” - GS Hinh nắm tay động viên bệnh nhân.
Cùng có mặt trong phòng khám là anh Nguyễn Thế Thái (26 tuổi, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng) không may bị bệnh bẩm sinh. Theo năm tháng, Thái lớn lên với những biểu hiện chậm chạp trong nhận thức và trong những hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Không giống như bệnh nhân trước, lần này, bác sĩ kiểm tra trình độ tiếng Anh của chàng trai nhưng đáp lại câu hỏi chỉ là những cái lắc đầu. Như hiểu mọi chuyện, vị bác sĩ già vội trấn an tinh thần người nhà bệnh nhân: “Tôi hiểu rồi, không sao bác ạ! Ai cũng có bệnh, khác nhau là bệnh nặng hay nhẹ thôi”…
Ngồi trong phòng khám, thấy chúng tôi có vẻ ngạc nhiên về cách khám bệnh “lạ” này, GS Hinh giải thích, khi khám bệnh, ông thường hỏi bệnh nhân những câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản nhưng lại có ý nghĩa đánh giá tình trạng bệnh. “Nếu tôi không hỏi bệnh nhân những câu hỏi đó, coi như tôi không khám bệnh. Cách khám đó là tính toán trí tuệ của bệnh nhân” - GS Hinh chia sẻ.
Với gần 60 năm tâm huyết với chuyên ngành Thần kinh học nhưng GS Lê Đức Hinh luôn kiệm lời khi nói về những đóng góp của mình cho ngành y. GS kể về một kỷ niệm khó quên mà ông không thể nào quên trong suốt cuộc đời. Đó là ngày 20/9/1945, đúng vào Rằm Trung thu, tại sảnh chính của Bắc Bộ phủ, cậu bé Lê Đức Hinh vinh dự là một thiếu nhi Thủ đô đứng cạnh Bác Hồ đọc lời chúc mừng sức khỏe Bác và hứa với Bác, tất cả thiếu nhi Việt Nam theo lời Bác dạy trở thành con ngoan, trò giỏi. Và tấm gương của Người đã theo ông suốt cuộc đời.
Nhớ lời Bác dạy nên dù thời điểm nào, trong mọi hoàn cảnh, ông luôn đặt trách nhiệm phục vụ lên hàng đầu. GS bảo, nghề Y là nghề phục vụ, phải dấn thân vào những chỗ đau khổ để làm dịu bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu nên mỗi khi khám bệnh, kê đơn, chọn thuốc cho bệnh nhân, ông luôn tính toán làm sao để phù hợp, hiệu quả với túi tiền của người bệnh. Chỉ khi đó, ông mới thấy nghề y thực sự có ý nghĩa.
Giờ đã ở tuổi 85 nhưng ông vẫn luôn nghĩ cho người bệnh, làm sao để họ điều trị bệnh hiệu quả với chi phí thấp nhất. Với những cống hiến không ngừng nghỉ, GS Lê Đức Hinh vinh dự là một trong 10 cá nhân tiêu biểu vừa được trao tặng danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô năm 2019.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giao-su-than-kinh-hoc-gan-60-nam-tam-huyet-voi-nghe-355859.html