Giao thông đi trước một bước

ĐBP - Với phương châm 'Giao thông luôn phải đi trước một bước tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội', giai đoạn từ năm 2016 - 2020, tỉnh ta đã tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết cấu hạ tầng giao thông được phát triển đồng bộ, phù hợp, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Dự án Ðường Na Sang - Huổi Mí - Nậm Mức - thị trấn Tủa Chùa đang được các nhà thầu khẩn trương thi công, phấn đấu bàn giao trong quý IV/2020 (Ảnh chụp tháng 3/2020). Ảnh: Nhật Phương

Ưu tiên địa bàn vùng cao, biên giới

Phát triển hạ tầng giao thông được tỉnh ta xác định là một trong những chương trình trọng tâm thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng khó khăn, khu vực biên giới, tạo sức bật để phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững.

Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều dự án giao thông trọng điểm, như: Ðường Nà Nhạn - Mường Phăng (TP. Ðiện Biên Phủ); đường Chà Tở - Mường Tùng (huyện Nậm Pồ); phân đoạn chính tuyến đường Km 45 - Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ); đường Mường Lay - Nậm Nhùn (TX. Mường Lay); đường Mường Ðun - Tủa Thàng - Tả Huổi Tráng (huyện Tủa Chùa)...

Ông Tô Trọng Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông tỉnh cho biết: Ban đã bàn giao đưa vào sử dụng 6 dự án giao thông trọng điểm, kết nối các huyện vùng cao, biên giới như: Nậm Pồ, Tủa Chùa, TX. Mường Lay. Hiện nay, Ban đang tập trung thực hiện dựa án giao thông trọng điểm là đường Na Sang - Huổi Mí - Nậm Mức - thị trấn Tủa Chùa, với tổng mức đầu tư 690 tỷ đồng. Ðến hết tháng 5/2020, dự án đã hoàn thành 82% giá trị hợp đồng. Dự kiến, công trình sẽ được bàn giao và đưa vào sử dụng trong quý IV/2020. Những năm qua, phần lớn các dự án đều được đầu tư, triển khai tại các huyện vùng cao, biên giới, địa hình khó khăn, địa chất phức tạp và gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nhất là thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và rừng. Tuy nhiên, đối với mỗi dự án, Ban đã xây dựng kế hoạch chi tiết, áp dụng nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ nên các dự án đều hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng.

Chương trình Dự án cầu dân sinh LRAMP là một trong những đột phá trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã được phê duyệt đầu tư xây dựng 68 cầu, cống các loại, trong đó: 39 dự án đã hoàn thành, 18 dự án đang thi công và 11 dự án chuẩn bị đầu tư. Các dự án cầu cống dân sinh đã kết nối các thôn, bản khó khăn với trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội. Cầu dân sinh bản Huổi Hạ, xã Na Sang (huyện Mường Chà) là một điển hình. Cầu bê tông cốt thép bắc qua suối Nậm Chim có chiều rộng 3,5m, dài gần 100m với tổng mức đầu tư 5,7 tỷ đồng được hoàn thành, đưa vào khai thác đã chấm dứt cảnh người dân bản Huổi Hạ căng dây thừng, dùng bè tre, nứa qua suối mùa mưa lũ để mưu sinh; học sinh phải chui vào túi ni lông để người lớn kéo qua suối đến trường.

Thực hiện mục tiêu phát triển giao thông, đến nay toàn tỉnh có 8.337,9km đường giao thông (trong đó: Bê tông xi măng 1.083,57km; bê tông nhựa 400,77km; đường đá dăm láng nhựa 1.310,13km; đường cấp phối 949,84km và 4.593,63km đường đất). So với năm 2015 toàn tỉnh tăng thêm 145,8km đường các loại; về chất lượng kết cấu mặt đường (được bê tông nhựa, bê tông xi măng, đá dăm láng nhựa) tăng 799,65km.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Ông Trần Thanh Kiên, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Giai đoạn 2015 - 2020, mặc dù mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đã đạt được những kết quả tích cực song việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật về giao thông vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới các cấp, ngành cần tập trung giải pháp tháo gỡ một số dự án giao thông dở dang do thiếu vốn.

Hiện nay, tỉnh ta có 4 dự án xây dựng cơ bản trên hệ thống quốc lộ bị tạm dừng do thiếu vốn hoặc bị dừng giãn tiến độ. Ðó là: Dự án Thảm tăng cường lớp bê tông nhựa mặt đường, cải tạo các đường cong có bán kính nhỏ, kiên cố hóa các công trình phòng hộ, thoát nước và chỉnh hướng tuyến tránh các đoạn sụt trượt trên quốc lộ 12 đoạn Km102 - Km139+650; Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 279B (đoạn Nà Tấu - Mường Phăng); Dự án Ðầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Tuần Giáo - Lai Châu (Km405+300 - Km501); Dự án Cải tạo nâng cấp quốc lộ 279 đoạn Tuần Giáo - Ðiện Biên - Tây Trang, dự án thành phần 2 đoạn Ðiện Biên - Tây Trang.

Các dự án bị tạm dừng dẫn tới tình trạng thi công dở dang, lãng phí phần vốn đã đầu tư, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ðiển hình như Dự án trên quốc lộ 12 đoạn Km102 - Km139+650 được khởi công từ năm 2014, đã cơ bản hoàn thành hạng mục nền đường và hoàn chỉnh 13km mặt đường bê tông nhựa đưa vào khai thác sử dụng. Từ năm 2018, Dự án dừng thi công do không được bố trí vốn. Sau gần 2 năm dừng thi công, đoạn tuyến tránh cung trượt Km120 + 127 bị mưa lũ gây hư hỏng nghiêm trọng. Nền đường bị nước xói mòn thành những rãnh lớn, nhiều đoạn sụt trượt, sạt lở cả nền đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; mái ta luy chưa được gia cố bảo vệ dẫn đến mưa lũ gây sụt sạt nhiều điểm. Ðất đá trên tuyến theo dòng nước cuốn xuống phía dưới vùi lấp nhiều diện tích nương, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho một số hộ dân ở 2 bản: Cổng Trời (xã Sa Lông) và Huổi Tóng 1 (xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà) sinh sống phía dưới đoạn tuyến tránh cung trượt.

Nhật Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/178700/giao-thong-di-truoc-mot-buoc