Giao thông đi trước một bước -tạo động lực phát triển: Bài 1 - Những con đường của ý Đảng, lòng dân

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ (NQĐHĐB) tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông (HTGT) là 1 trong 5 đột phá chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh. Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định giao thông kết nối vùng là động lực thúc đẩy KT-XH. Với phương châm giao thông đi trước một bước tạo động lực cho phát triển, trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền đã ban hành nhiều nghị quyết, triển khai nhiều đề án phát triển HTGT, tạo nền tảng và là đòn bẩy quan trọng phát triển kinh tế.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, người dân xã Dũng Phong (Cao Phong) tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, người dân xã Dũng Phong (Cao Phong) tham gia làm đường giao thông nông thôn.

Những con đường nắng bụi mưa lầy, những đoạn đường đá hộc tai mèo từng là nỗi ám ảnh của nhiều cán bộ từ miền xuôi lên vùng cao Hòa Bình công tác từ những năm 90 của thế kỷ trước. Nhưng hiện nay, với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, chương trình cứng hóa giao thông nông thôn (GTNT), chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều tuyến đường nông thôn đã được mở rộng, nối dài, gắn kết miền ngược với miền xuôi.

Nhà nước và Nhân dân cùng làm

Bản Bà Rà, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao sinh sống, bản nằm trên triền núi cao, tách biệt với những bản làng phía dưới. Nhiều năm trước đây, đường về Bà Rà vô cùng khó khăn, chỉ là con đường mòn nhỏ xuyên rừng do người dân khai phá. Mỗi lần cán bộ xã, giáo viên vào bản xác định đi bộ 4 - 5 km đường rừng. Đường sá khó khăn cũng là nguyên nhân "kéo tụt" giá trị nông sản của người dân địa phương, cản trở kinh tế hộ gia đình.

Năm 2000, với chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm, Bà Rà được đầu tư tuyến đường giao thông từ trung tâm xã Nật Sơn (cũ) vào bản, người dân vô cùng phấn khởi. Nhớ lại những ngày huy động sức dân để làm đường vào bản, ông Triệu Lục Liên - người dân của bản chia sẻ: Nhà nước cho xi măng, còn Nhân dân bỏ công làm đường. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của xã, chúng tôi vận động Nhân dân đóng góp ngày công để hoàn thiện tuyến đường. Xóm thành lập các đội thợ tham gia đổ đường, những hộ không đóng góp được ngày công thì đóng sản phẩm để gây quỹ làm đường. Sau 2 tuần triển khai liên tục, tuyến đường đã hoàn thiện. Có đường, con em đi học không vất vả, giáo viên đến lớp thuận lợi và kinh tế cũng khá lên.

Sau đó, huyện tiếp tục đầu tư 1,4 km đường giao thông liên xóm theo nguồn vốn của chương trình NTM, nhiều hộ đã đồng thuận tham gia hiến đất làm đường. Không chỉ kéo gần Bà Rà với các địa bàn lân cận xã Hùng Sơn, tuyến đường mới đã góp phần kết nối đồng bào Dao 2 xóm Bà Rà và Bặc Rặc, xã Thanh Sơn (Lương Sơn) nhờ dự án đường liên xã kéo dài được tỉnh đầu tư xây dựng.

Nhà nước hỗ trợ vật tư, Nhân dân đóng góp ngày công hoặc Nhà nước hỗ trợ vốn, Nhân dân hiến đất làm đường... đó là những chủ trương đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh triển khai để tạo nên những con đường của ý Đảng, lòng dân. Theo báo cáo của UBND tỉnh, thực hiện chương trình xây dựng NTM, toàn tỉnh đã cứng hóa được hơn 4.000 km đường GTNT, trong đó, hàng nghìn hộ đã hiến đất và đóng góp ngày công để làm đường. Ngoài ra, đề án cứng hóa GTNT với hình thức Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân tự làm cùng với huy động từ nhiều nguồn lực đã góp phần nâng tỷ lệ đường GTNT được nhựa hóa, bê tông hóa tăng từ 36,43% cuối năm 2016 lên 57% cuối năm 2020. Năm 2020, tổng số km đường GTNT được cứng hóa bằng bê tông xi măng và đá dăm láng nhựa trên địa bàn tỉnh là 303,14 km, tổng kinh phí huy động 847.044 triệu đồng, trong đó, huy động trong Nhân dân 32.662 triệu đồng. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 74/131 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng NTM. Bộ mặt nông thôn nhiều nơi khang trang, sạch đẹp hơn, việc giao lưu văn hóa, kinh tế giữa các địa phương, khu vực thuận lợi hơn.

Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn

Đối với huyện vùng cao Lạc Sơn, trong những năm qua, giao thông, đặc biệt là GTNT thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế tại nhiều địa bàn khó khăn. Theo báo cáo của UBND huyện, tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có hơn 104 km đường đã được cứng hóa. Huyện đang tiếp tục triển khai nhiều tuyến đường liên xã quan trọng góp phần thúc đẩy KT-XH. Cùng cán bộ Ban quản lý xây dựng cơ bản huyện khảo sát một vòng tuyến đường liên xã Nhân Nghĩa - Tân Lập - Miền Đồi với tổng chiều dài hơn 1,7 km hiện đang được gấp rút thi công mới cảm nhận hết được niềm vui, phấn khởi của người dân được hưởng lợi từ dự án. Theo người dân xã Tân Lập kể lại: Trước đây, khi chưa làm đường, trên địa bàn xã có 2 ngầm vào mùa mưa thường ngập sâu, nước dâng cao, đi lại rất nguy hiểm. Trong khi đó, trẻ em đi học, người lớn đi chợ, cán bộ đi làm đều phải qua 2 ngầm này. "Những ngày mưa bão, ngầm ngập sâu là các xóm bị chia cắt, Nhân dân không thể đi lại được" - đồng chí Bùi Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết. Hiện nay, với việc thi công, hoàn thiện tuyến đường, hàng nghìn hộ dân thuộc 3 xã vùng thấp và những xã vùng cao như Miền Đồi, Quý Hòa được hưởng lợi, vừa phát triển kinh tế, vừa ổn định đời sống.

Đồng chí Bùi Văn Liên, Phó Ban Quản lý các công trình xây dựng cơ bản huyện Lạc Sơn cho biết: Xác định HTGT là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế, bằng các chương trình như đề án cứng hóa GTNT, chương trình xây dựng NTM hay dự án giảm nghèo, huyện đã huy động tối đa nguồn lực, ưu tiên ngân sách địa phương cho giao thông, vận động Nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM để đầu tư HTGT. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã bố trí hơn 8,4 tỷ đồng thực hiện đề án cứng hóa GTNT, hoàn thành 19/41 công trình với tổng chiều dài hơn 15,7 km.

Cũng giống như huyện Lạc Sơn, nhiều năm trước đây, đường xấu luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người khi đến huyện vùng cao Đà Bắc. Đã có không ít những pha "quẳng xe lội bộ" hay buộc xích vào bánh xe khiến người dân vô cùng vất vả. Là cán bộ giảm nghèo gần chục năm tại huyện vùng cao Đà Bắc, trực tiếp phụ trách xã Tiền Phong, chị Đinh Thị Thu cũng không ít lần khóc dở mếu dở vì ngã xe do đường trơn trượt. Nhưng nay từ xã Tiền Phong về nhà, chị Thu hoàn toàn có thể đi về trong ngày. Chị Thu chia sẻ: Là cán bộ nữ làm mảng giảm nghèo, thường xuyên họp xóm vào buổi tuối. Trước đây, mỗi lần về xóm tôi xác định đi vài ngày, ăn ngủ với bà con vì đường vào xóm không phải lúc nào cũng thuận lợi. Nhiều khi đi bộ vài km là chuyện bình thường. Với nhiều chương trình hỗ trợ, các trục đường liên xóm đã được đổ bê tông, bà con đi lại thuận lợi hơn nhiều. Đó cũng là điều kiện thuận lợi giúp Tiền Phong xây dựng điểm du lịch cộng đồng Đá Bia, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế.

Xác định HTGT là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển, nhiều cấp ủy Đảng đã ban hành nghị quyết chuyên đề nhằm phát triển giao thông đô thị, làm đòn bẩy thực hiện thắng lợi chỉ tiêu NQĐHĐB các cấp. NQĐHĐB huyện Mai Châu nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển hạ tầng đô thị thị trấn Mai Châu và các vùng lân cận gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Huyện Tân Lạc ban hành đề án phát triển trọng điểm giao thông nhằm thực hiện nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ huyện về phát triển du lịch sinh thái tại các xã vùng cao. NQĐHĐB tỉnh khóa XVII tiếp tục xác định phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có HTGT là 1 trong 5 đột phá chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh.

(Còn nữa)

Phương Linh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/156287/giao-thong-di-truoc-mot-buoc--tao-dong-luc-phat-trien-bai-1-nhung-c111n-duong-cua-y-dang,-long-dan.htm