Giao thông nông thôn thúc đẩy phát triển kinh tế

Thành công trong phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng cao của tỉnh thời gian qua có sự đóng góp quan trọng của hệ thống giao thông, nhất là mạng lưới giao thông nông thôn.

Khi lên xã Nậm Đét (Bắc Hà), chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của xã vùng cao này. Những ngôi nhà xây kiên cố nổi bật giữa đồi quế xanh ngát; các tuyến đường được đổ bê tông xi măng uốn lượn như dải lụa, nối liền trung tâm xã với các thôn. Bà Triệu Thị Ghến, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Đét cho biết: Xác định giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và kéo theo các tiêu chí khác nên Đảng ủy, UBND xã luôn ưu tiên nguồn lực và huy động người dân thực hiện.

Đường lên thôn Phìn Giàng, xã Phong Niên (Bảo Thắng) được đổ bê tông xi măng.

Đường lên thôn Phìn Giàng, xã Phong Niên (Bảo Thắng) được đổ bê tông xi măng.

Đến nay, 31,3 km/37,5 km đường trục xã, liên xã đã được rải nhựa và đổ bê tông xi măng; 26,3 km/35,4 km đường trục thôn, liên thôn được đổ bê tông; 5 km đường ngõ xóm và 8,3 km đường nội đồng cũng được cứng hóa. Những tuyến đường được đầu tư nâng cấp giúp việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân thuận lợi hơn.

Chia sẻ về những đổi thay của quê hương mình, anh Đặng Tiến Phú, người dân thôn Bản Lắp, xã Nậm Đét cho biết: Trước kia, đường từ thôn đến trung tâm xã là đường đất, trời mưa lầy lội rất khó đi. Năm 2013, khi được Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân trong thôn đã hăng hái đóng góp ngày công, hiến đất để thi công 15 km đường liên thôn, liên gia. Bây giờ, đường từ thôn đến trung tâm xã đã được đổ bê tông xi măng sạch, đẹp, bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn. Từ khi giao thông thuận lợi, quế không bị tư thương ép giá, luôn bán được giá cao, nhờ vậy, nhiều hộ trong thôn đã xây được nhà kiên cố...

Còn nhớ, hơn 3 năm về trước, đường lên thôn vùng cao Phìn Giàng của xã Phong Niên (Bảo Thắng) cũng chỉ là đường mòn dốc dựng đứng, rất khó khăn cho người dân trong việc đi lại. Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Bảo Thắng đã đầu tư gần 5 tỷ đồng, cộng với sự đóng góp của người nhân (hiến đất, góp công lao động, góp tiền), đến đầu năm 2018, tuyến đường lên thôn dài 6 km đã được đổ bê tông. Ông Phạm Viết Hưng, Chủ tịch UBND xã Phong Niên cho rằng: Việc hoàn thành tuyến đường lên thôn vùng cao người Mông này là một kỳ tích của địa phương, đáp ứng được sự mong mỏi của người dân trong nhiều năm qua. Tuyến đường hoàn thành đã thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển, góp phần giúp xã hoàn thiện về hạ tầng giao thông và “về đích” xây dựng nông thôn mới.

Chị Cư Thị Trá, ở thôn Phìn Giàng tâm sự: Hiện nay, gia súc và ngô, lúa sản xuất ra có tư thương lên tận nơi thu mua nên bà con rất phấn khởi và hăng hái sản xuất theo hướng hàng hóa.

Trở lại thành phố Lào Cai, ông Vi Hồng Liêu, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Phời cho chúng tôi biết: Trước đây, đường lên các thôn vùng cao của xã khó lắm, nhất là vào mùa mưa. Biết là khó nhưng “lực bất tòng tâm” vì điều kiện kinh tế của địa phương rất khó khăn, nhiều hộ trong xã còn chưa đủ ăn, nghĩ gì đến việc làm đường. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, được Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân trong xã đã tích cực tự nguyện hiến đất và đóng góp tiền, công lao động để làm đường. Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ, đóng góp của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể trong tỉnh nên những tuyến đường liên thôn trên địa bàn đã nhanh chóng được đổ bê tông, giúp việc đi lại thuận lợi cả 4 mùa.

Nhờ hệ thống giao thông được nâng cấp, vùng cao Tả Phời (thành phố Lào Cai) có nhiều khởi sắc.

Nhờ hệ thống giao thông được nâng cấp, vùng cao Tả Phời (thành phố Lào Cai) có nhiều khởi sắc.

Những năm qua, để thúc đẩy phát triển kinh tế ở các xã vùng cao, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn. Trong đó, phải kể đến Quyết định số 134/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020. Theo quyết định này, tỉnh hỗ trợ mở mới đường (chưa có nền đường) mức 120 triệu đồng/km; nâng cấp đã có nền đường với chiều rộng > 4 m là 80 triệu đồng/km; hỗ trợ 100% xi măng hoặc nhựa đường và vận chuyển đến địa điểm tập kết (mà ô tô vào được) đối với tuyến đường trục thôn, xã có bề rộng mặt đường từ 3 m trở lên và đường nội đồng có bề rộng mặt từ 2,5 m trở lên...

Nhờ vậy, từ năm 2016 đến tháng 6/2019, toàn tỉnh đã đầu tư nâng cấp hơn 2.400 km đường giao thông, trong đó có 1.346 km đường bê tông xi măng, gần 752 km đường cấp phối và mở mới hơn 308 km. Tính từ 2012 đến nay, toàn tỉnh làm được được gần 5.000 km đường giao thông nông thôn, trong đó, đổ bê tông xi măng gần 2.884 km, rải cấp phối gần 1.223 km, mở mới hơn 862 km. Đến nay, toàn tỉnh đã có 66/143 xã đạt tiêu chí giao thông.

Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Những năm qua, từ nguồn lực của tỉnh kết hợp vận động sự tham gia, đóng góp của nhân dân, tỉnh đã từng bước củng cố, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Nhờ có đường bê tông liên thôn kiên cố tới trung tâm xã và đường liên huyện, liên xã cũng được đầu tư mở rộng đã hỗ trợ việc thông thương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Viết Vinh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/giao-thong-nong-thon-thuc-day-phat-trien-kinh-te-z36n2019091814140788.htm