Giao thương hàng hóa của người Quảng Ngãi xưa...

Không phải đến tận sau này, khi giao thông và thông tin liên lạc phát triển, hàng hóa tại Quảng Ngãi mới được xuất khẩu đi các nước, mà cách đây cả trăm năm trước, nhiều sản vật xứ Quảng như đường, gạo, muối... đã theo các thương thuyền đi muôn nơi.

Theo thương thuyền đi các nước

Chưa có một nghiên cứu nào nêu ra mốc thời gian mà sản vật xứ Quảng bắt đầu xuất cảng qua các nước, chỉ biết rằng, ngay từ năm 1925, trong tập khảo về Quảng Ngãi, Công sứ Pháp Laboocđơ ngày ấy đã viết: “Sự giàu có và phong phú của tỉnh này cũng nằm trong việc trồng mía... Việc thu hoạch mía đã tìm được lối ra thường xuyên từ phía người Hoa ở Thu Xà. Họ sẽ xuất cảng đường mật sang Hồng Kông... Họ đã xuất khẩu cho đến 12.000 tấn mía đường hằng năm”.

Bến Phú Thọ sầm uất năm nào, giờ chỉ còn là một khu dân cư yên bình, tĩnh lặng. Ảnh: Ý THU

Trong tập biên khảo Quảng Ngãi tỉnh chí do Nguyễn Bá Trác chủ trương, in trên Nam Phong tạp chí năm 1933 cũng giúp chúng ta hình dung về việc xuất cảng hàng hóa của người Quảng Ngãi ngày trước như sau: “Quảng Ngãi có 3 cửa biển lớn: Cửa Sơn Trà ở Bình Sơn, cửa Cổ Lũy ở Tư Nghĩa và cửa Sa Huỳnh ở Đức Phổ. Mỗi cửa đều có một sở Thương chánh để đánh thuế hàng hóa xuất cảng và nhập cảng”.

Về hàng hóa xuất qua các cửa biển, Quảng Ngãi tỉnh chí cũng nêu rằng: “Món xuất cảng quan hệ nhứt của tỉnh Quảng Ngãi là đường. Nơi xuất cảng nhiều hơn hết là cửa Cổ Lũy do thành phố Thu Xà chở ra. Sâm và quế thì bán ở cửa Sơn Trà, muối thì bán ở cửa Sa huỳnh”. Riêng về đặc sản đường Quảng Ngãi xuất cảng qua 3 cửa biển Cổ Lũy, Sơn Trà, Sa Huỳnh; Quảng Ngãi tỉnh chí cũng nêu khá chi tiết rằng, trong 3 năm 1929 - 1931, Quảng Ngãi đã xuất đi 24,1 tấn đường. Ngoài những sản vật kể trên, trong Địa chí Quảng Ngãi còn đề cập thêm về việc xuất khẩu lúa: “Số lúa xuất cảng qua các cửa biển Cổ Lũy, Sơn Trà và Sa Huỳnh năm 1931 vẫn có trên 80 tấn. Đây là số lúa của các chủ đất bán cho tư thương để xuất khẩu”.

Từ những tư liệu trên, có thể khẳng định rằng, việc sở hữu các cửa biển lớn đã giúp hoạt động giao thương, xuất hàng hóa Quảng Ngãi đi các nước phát triển từ rất sớm. Sở dĩ cửa Sơn Trà (Sa Cần) là nơi xuất cảng chính của sản vật quế là do nguồn quế từ Trà Bồng được các thương hồ vận chuyển khá thuận tiện theo đường sông Trà Bồng xuống đến tận cửa biển. Tại Sa Huỳnh (Đức Phổ), vì muối được người dân sản xuất ngay cạnh cửa biển, nên muối trở thành sản phẩm xuất cảng chính qua cửa biển này. Còn cửa Cổ Lũy, theo nhận định của nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư, thì đây là cửa ngõ cho sản phẩm đường từ vùng đồng bằng Quảng Ngãi ra các nơi trong nước và thế giới, không chỉ xuất qua Trung Quốc, mà còn qua Đài Loan, Hồng Kông, Singapore...

Giờ thưa vắng tàu ghe

Tại Cổ Lũy, từ xa xưa, các thuyền buôn của người Trung Quốc sau khi vào cửa biển này thường neo đậu tại bến Phú Thọ (thuộc địa phận xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi ngày nay). Tại đây, các hàng hóa chở từ Trung Quốc sang như lụa, đồ gốm, thuốc bắc... sẽ được bốc dỡ xuống các ghe nhỏ và được chở ngược lên bến Vực Hồng tại Thu Xà (thuộc địa phận xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa ngày nay) giao cho các nhà buôn ở đó. Sau đó, các nhà buôn ở Thu Xà lại xếp xuống ghe các sản vật Quảng Ngãi như đường, mật ong, trầm hương... rồi chở xuôi xuống bến Phú Thọ chất lên thuyền buôn người Hoa chở về Trung Quốc.

Muối là sản phẩm xuất cảng chủ lực qua cửa Sa Huỳnh, nhưng nhiều năm nay luôn rớt giá, khiến diêm dân chẳng còn mấy ai mặn mà giữ nghề. Ảnh: Ý THU

Theo tư liệu tại sách Cổ Lũy trong luồng văn hóa biển Việt Nam của tác giả Cao Chư, trong tài liệu Tỉnh Quảng Ngãi ghi chép vào thời điểm năm 1906 của chính quyền thực dân Pháp, sự vận chuyển bằng hàng hải ở Cổ Lũy được thể hiện khá rõ như sau: “Vào: 330 thuyền buôn ở Trung Kỳ vào, 8 thuyền buồm từ Nam Kỳ đến, hợp thành một tổng số 3.000 tấn. Ra: 430 thuyền buồm của Trung Quốc, 27 thuyền buồm của Nam Kỳ, 20 thuyền buồm của Bắc Kỳ, hợp thành trọng tải 13.000 tấn”.

Theo lời kể của cụ Nguyễn Thị Một, 88 tuổi, sống tại Nghĩa Phú, thì ngày trước, bến Phú Thọ lúc nào cũng tấp nập tàu ghe. Thấy các thương thuyền thu mua đường với số lượng lớn để xuất cảng, nên nhiều người dân Nghĩa Phú ngày trước cũng đi buôn đường. Sau khi tìm về các làng nghề làm đường ở Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng để mua đường muỗng, mọi người về bỏ công gọt đường ra thành từng cục nhỏ, rồi dùng cái vồ chà đường thành bột. Đường thành phẩm được dồn vào bao để bán cho thuyền buôn Trung Quốc, hoặc cho các ghe bầu vào Nam, ra Bắc.

Từng là một trong những thương cảng sầm uất bậc nhất tỉnh. Ấy vậy mà nay, cửa Cổ Lũy chỉ còn là một cửa biển bị bồi lấp, thưa vắng bóng tàu ghe. Từng là món xuất cảng quan trọng bậc nhất của Quảng Ngãi, nhưng nay nhà máy chế biến đường ở Quảng Ngãi cũng đã ngưng hoạt động. Một mặt hàng từng là sản phẩm xuất cảng chủ lực qua cửa Sa Huỳnh là muối, nhiều năm nay cũng rơi vào tình trạng “rớt giá”, khiến diêm dân chẳng còn mấy ai mặn mà giữ nghề... Không biết đến bao giờ, những sản vật ấy mới có lại được "vị trí" như xưa?

Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2047/202106/giao-thuong-hang-hoa-cua-nguoi-quang-ngai-xua-3060379/