Giáo trình đại học có bản đồ kèm hình lưỡi bò: Bộc lộ quy trình thẩm định lỏng lẻo

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sử dụng giáo trình dạy tiếng Trung có bản đồ kèm hình 'lưỡi bò', dù nhà trường đã tổ chức thu hồi, song sự việc cho thấy quy trình thẩm định giáo trình đại học bộc lộ nhiều bất cập.

Vừa qua, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã phát hiện ra giáo trình đang sử dụng tại trường có in hình bản đồ Trung Quốc kèm đường "lưỡi bò" gây bức xúc dư luận. Cụ thể, tại trang 36 của cuốn giáo trình đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese", bài 7 in hình bản đồ có "đường lưỡi bò".

Theo lãnh đạo nhà trường, khi phát hiện có hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp trong sách, ban giám hiệu nhà trường đã họp và ra quyết định tịch thu tất cả số giáo trình này. Một số cuốn đã được bán tới tay sinh viên cũng đã được thu hồi về để tiêu hủy.

Tuy nhiên, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến sự việc này bởi một giáo trình giảng dạy cho sinh viên lại có thể để lọt hình ảnh vi phạm trong suốt thời gian qua nhưng đến nay mới phát hiện và tổ chức thu hồi. Dù nhà trường nhận trách nhiệm, song điều này được nhiều người cho rằng khâu thẩm định giáo trình tại trường lỏng lẻo nên mới không phát hiện ra.

Giáo trình Đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese" có in hình đường "lưỡi bò".

Giáo trình Đọc sơ cấp 1 "Developing Chinese" có in hình đường "lưỡi bò".

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, cần phải làm rõ nguyên nhân, trach nhiệm của những người liên quan đã để xảy ra sự việc này. Khi giáo trình được giảng dạy cho sinh viên với sai lệch như vậy hết sức nguy hiểm. Do đó, trước mắt phải thu hồi ngay những cuốn giáo trình đã bán cho sinh viên.

Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: "Sau khi thu hồi giáo trình, cần phải kiểm điểm trách nhiệm, đưa ra hình thức xử lý kỷ luật những người thẩm định giáo trình, tổ chức cho học sinh học giáo trình có in hình ảnh vi phạm. Bộ GD&ĐT cũng cần vào cuộc kiểm tra, rà soát lại quy trình thẩm định giáo trình vi phạm để kiểm điểm trách nhiệm những người liên quan".

Trong thời gian qua, việc các trường đại học được quyền tự chủ, trong đó có tự chủ trong biên soạn chương trình, giáo trình giảng dạy cũng đặt ra lo ngại về chất lượng các giáo trình như: giáo trình sử dụng trong nhiều năm, sơ sài, kém chất lượng, có sai sót... Ngoài ra, việc nhà trường được phép xây dựng giáo trình, bán cho sinh viên theo các quy định hiện hành cũng rất chung chung, chưa cụ thể về các tiêu chí giáo trình đại học.

Cụ thể, tại Thông tư 04/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học được ra đời cách đây tận 8 năm, trong đó nhiều chi tiết, chủ yếu định hướng các trường chứ chưa có những quy định chặt chẽ.

ĐH Kinh doanh và Công nghệ nơi phát hiện ra giáo trình in hình "lưỡi bò". Ảnh: Q.Anh

ĐH Kinh doanh và Công nghệ nơi phát hiện ra giáo trình in hình "lưỡi bò". Ảnh: Q.Anh

Theo Thông tư 04/2011/TT-BGDĐT, giáo trình phục vụ cho việc giảng dạy, chuẩn bị bài giảng của giảng viên và học tập của sinh viên đối với các môn học có trong chương trình đào tạo phải được hội đồng khoa học và đào tạo khoa trình hiệu trưởng xem xét, lựa chọn.

Cơ sở giáo dục đại học tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình để sử dụng, đảm bảo mỗi môn học có ít nhất một giáo trình phục vụ công tác giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên. Các giáo trình đã xuất bản, cơ sở giáo dục đại học có thể bán, cho thuê, cho mượn,… để phục vụ giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên theo Luật xuất bản và các quy định hiện hành.

Thông tư cũng quy định, thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm về kinh phí tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định và duyệt giáo trình theo quy định hiện hành. Bộ GD&ĐT tổ chức kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học về công tác chỉ đạo, tổ chức biên soạn, lựa chọn, duyệt và thẩm định giáo trình của đơn vị theo quy định.

Quang Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/giao-trinh-dai-hoc-co-ban-do-kem-hinh-luoi-bo-boc-lo-quy-trinh-tham-dinh-long-leo-20191104222414044.htm