Giáo viên chủ nhiệm, muôn việc phải 'ôm'

Gánh nặng sổ sách, báo cáo và những công việc không tên đang khiến cho nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm cảm thấy áp lực, ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn.

Giáo viên Trường tiểu học Phan Bội Châu (H.Thống Nhất) ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ học. Ảnh: C.Nghĩa

Giáo viên Trường tiểu học Phan Bội Châu (H.Thống Nhất) ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ học. Ảnh: C.Nghĩa

Muốn giải quyết được vấn đề này cho giáo viên, theo nhiều chuyên gia giáo dục, phải mạnh dạn cắt bỏ những phần việc không cần thiết, những nội dung mang tính hình thức, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý giáo dục thay cho phương pháp quản lý bằng sổ sách truyền thống.

* Áp lực giáo viên chủ nhiệm

Cô Phạm Thị Huyền là giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm lớp tại một trường THCS của TP.Long Khánh, dù vậy chưa khi nào cô cảm thấy mình bớt áp lực với công việc này. Cô Huyền chia sẻ: “Làm giáo viên chủ nhiệm thu nhập không hơn giáo viên bình thường, nhưng công việc phải làm luôn nhiều hơn giáo viên khác, thậm chí có những việc không tên, không có trong kế hoạch hay trong giáo án”.

Hằng ngày, dù có tiết dạy hay không cô Huyền vẫn phải đến trường để kiểm tra tình hình sinh hoạt và học tập của lớp, nhắc nhở, uốn nắn những trường hợp học sinh vi phạm quy định của nhà trường, học sinh học yếu mà giáo viên bộ môn khác phản ảnh. Thời gian còn lại, cô dành để chấm bài vở, làm báo cáo, ghi chép sổ chủ nhiệm… Không chỉ có vậy, hằng tuần cô Huyền còn phải dự ít nhất 2 tiết dạy của giáo viên khác, tính chung một năm học cô phải dự giờ tới 55 tiết.

Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ: Xây dựng trường học thông minh để giảm áp lực cho giáo viên

Hiện nay, Sở GD-ĐT đã tổng kết đề án Trường học tiên tiến hiện đại giai đoạn 2015-2020 và đang tiếp tục đề xuất với UBND tỉnh nhân rộng đề án. Theo đó, khi đề án được nhân rộng, giáo viên sẽ được tiếp cận với nhiều phần mềm quản lý giáo dục mới, thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại nhằm nâng cao tính tương tác trong quá trình dạy học. Bên cạnh đó, Sở cũng quyết liệt cải tiến, đổi mới, nâng cao trình độ kỹ năng quản lý cho không chỉ đội ngũ cán bộ trong ban giám hiệu mà cả đội ngũ là cán bộ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm…

Còn cô Phạm Thị Thương, giáo viên một trường tiểu học tại TT.Định Quán (H.Định Quán) chia sẻ: “Ngoài công tác chủ nhiệm và chuyên môn, nhiều khi tôi cảm thấy mình bị áp lực và “quay cuồng” với sổ sách, báo cáo, dự giờ và bồi dưỡng… Thu nhập của giáo viên còn thấp, nhưng khối lượng công việc phải làm thì lại quá lớn, do đó rất mong ngành sẽ giảm bớt một số đầu việc cho giáo viên chủ nhiệm. Trong đó, nên giảm bớt số tiết phải dự giờ của đồng nghiệp trong một năm học để giáo viên có điều kiện tập trung sâu hơn cho chuyên môn”.

Theo nhiều giáo viên làm công tác chủ nhiệm, vài năm gần đây dù các đầu việc đã bớt đi khá nhiều nhưng vẫn còn đó những việc có thể tiếp tục đơn giản hóa, giúp giáo viên có nhiều thời gian tập trung cho chuyên môn hơn. Đơn cử như chuyện giáo viên phải đứng ra giúp nhà trường thu các khoản tiền đóng góp của phụ huynh học sinh hay tham gia một số hội thi còn mang nặng tính hình thức, tốn nhiều thời gian.

“Khi có đợt kiểm tra chuyên môn, sổ sách, giáo viên chủ nhiệm thường ngồi viết lại cả chục trang giấy để đối phó, tránh bị đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Hoặc với quy định hằng năm giáo viên phải viết sáng kiến, kinh nghiệm chuyên môn, giờ chuyển sang hình thức viết giải pháp, tuy ngắn gọn, đơn giản hơn nhưng nhiều giáo viên cũng vẫn dừng lại ở mức độ làm cho có vì phần nhiều những giải pháp này không thể áp dụng vào thực tế” - một giáo viên chủ nhiệm bậc THCS ở TP.Biên Hòa bộc bạch.

* Giảm tải cho giáo viên chủ nhiệm

Nhằm giúp giáo viên, trong đó có giáo viên chủ nhiệm lớp tập trung cho công tác chuyên môn nhiều hơn, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có những cải cách khá mạnh mẽ, hướng ưu tiên đến những đầu việc phục vụ nâng cao chất lượng chuyên môn, phát huy được năng lực và sở trường của giáo viên. Chẳng hạn như Bộ GD-ĐT đã bỏ quy định hằng năm giáo viên phải viết sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy, nhiều giấy tờ sổ sách không cần thiết cũng được loại bỏ. Bộ cũng yêu cầu các địa phương, các nhà trường không được tự đặt ra những hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, gây khó khăn cho giáo viên. Những nỗ lực đổi mới nhằm giảm áp lực cho giáo viên đã được các nhà trường đánh giá cao.

PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, năm học 2020-2021 là năm đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, do đó để hạn chế gánh nặng sổ sách cho giáo viên, Bộ đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS-THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Theo đó, điều lệ trường học mới đã giúp giáo viên cởi bỏ được nhiều áp lực, tăng tính tự chủ, phát huy tính dân chủ trong nhà trường tốt hơn. Nhà trường có thể tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục hằng năm, còn giáo viên cũng có quyền tự chủ xây dựng kế hoạch dạy và học của mình để đăng ký với nhà trường. Với điều lệ trường học mới dành cho các bậc học phổ thông, Bộ GD-ĐT kỳ vọng sẽ giảm được nhiều sổ sách không cần thiết, những đầu việc hình thức, kém thực chất.

Theo Sở GD-ĐT, để giáo viên bớt đi gánh nặng hồ sơ, sổ sách, giáo án, Sở đang từng bước hướng dẫn giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ chuyên môn, quản lý học sinh. Nhiều hồ sơ, sổ sách trước đây phải viết tay, in ra giấy, đóng thành tập… sẽ được nhập bằng máy tính để dễ tra cứu, chia sẻ. Đối với giáo án, giáo viên có thể linh hoạt dùng cả giáo án truyền thống và giáo án điện tử để nâng cao chất lượng dạy và học. Các hình thức ứng dụng công nghệ này có thể được áp dụng linh hoạt, tùy vào điều kiện của từng trường.

Bà Lưu Thị Ngọc Quế, Trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang “giải phóng” công sức rất lớn cho giáo viên chủ nhiệm. Đơn cử như việc ứng dụng mạng xã hội vào trao đổi với phụ huynh về quá trình học tập của con em hằng ngày, không để chuyện đã rồi giáo viên mới trao đổi với phụ huynh. Hay như sổ liên lạc điện tử, cơ sở dữ liệu kết quả học tập của học sinh được giáo viên cập nhật, lưu trữ để giáo viên và phụ huynh cùng sử dụng, giúp cho quá trình quản lý được tốt hơn...

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202012/giao-vien-chu-nhiem-muon-viec-phai-om-3035516/