Gieo chữ nơi rẻo cao

Trong 17 năm công tác, cô giáo Lê Na đã có 15 năm gắn bó với những học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Với trái tim nhiệt thành, mong mỏi thực hiện ước mơ 'gieo chữ' nơi thâm sâu cùng cốc cô Lê Na đã góp phần thắp lên ước mơ, gieo mầm hy vọng cho bao lớp học trò trên vùng đất khó, chốn non cao ấy.

Đó là câu chuyện của cô giáo Lê Na (sinh năm 1982), giáo viên môn Ngữ văn, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, cô giáo có 15 năm miệt mài bám bản.

Gian nan ngược ngàn “gieo chữ”

Kỳ Sơn là huyện miền núi biên giới đặc biệt khó khăn, nằm phía Tây tỉnh Nghệ An, cách thành phố khoảng Vinh 250 km. Đây là huyện có đường biên giới với nước bạn Lào dài nhất tỉnh Nghệ An với 203,40km đường biên giới tiếp giáp với 4 huyện, 3 tỉnh của nước CHDCND Lào.

Toàn huyện có 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã biên giới (59 bản biên giới), có 179/191 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Huyện Kỳ Sơn có 5 hệ dân tộc anh em cùng sinh sống xen kẽ lẫn nhau, gồm: Thái; Mông; Khơ Mú; Kinh và Hoa. Nhiều cụm dân cư trên địa bàn nằm cách xa trung tâm huyện (thị trấn Mường Xén) rất xa (Keng Đu 80km,…).

Toàn huyện có hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa, nhận thức, hiểu biết không đồng đều. Vì là huyện miền núi, biên giới với địa hình phức tạp nên Kỳ Sơn có nhiều điểm trường bị cách trở về giao thông và thuộc khu vực đời sống kinh tế của người dân còn nghèo và khó khăn… Không đầu hàng trước những gian khó, nhiều thế hệ giáo viên sẵn sàng bám bản mang ánh sáng văn hóa đến với các thôn, bản xa xôi nơi biên viễn, cô giáo Lê Na cũng là một người giáo viên như thế.

Cô Lê Na, giáo viên môn Ngữ văn, Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn

Cô Lê Na, giáo viên môn Ngữ văn, Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn

Nhớ lại quá trình công tác, bắt đầu từ 17 năm trước, cô giáo Lê Na chia sẻ, năm 2005, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Vinh là tôi lên nhận công tác ở huyện biên giới Kỳ Sơn. Tôi công tác ở Trường THCS Mường Lống, huyện Kỳ Sơn từ tháng 8.2005.

Đến tháng 8.2008 tôi chuyển công tác về trường Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn. Tháng 10.2018 đến nay tôi công tác tại Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Cho dù giảng dạy ở bất kỳ trường nào thì tình yêu, sự khao khát con chữ của những đứa trẻ vùng cao cũng níu giáo viên chúng tôi ở lại.

Bằng sự thương yêu học sinh và niềm đam mê với nghề sau 17 năm trời miệt mài “cắm bản” dạy chữ, cô Na vẫn mang nhiều trăn trở, nghề giáo viên là một nghề vất vả trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là giáo viên công tác ở vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số thì khó khăn trăm bề.

Khó vì bất đồng ngôn ngữ, vì đường sá cách trở do địa hình đồi núi, vì kinh tế và nhận thức người dân còn nhiều hạn chế, cộng thêm thiên tai nên gia đình các em đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. “Các em phải đi bộ đến trường từ 5 đến 10km, nhiều em học sinh phải nghỉ học để phụ giúp việc nhà cho bố mẹ… Các giáo viên phải tiếp cận, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình để giúp đỡ học sinh đến trường.

Đặc biệt, trong 2 năm dịch Covid - 19 vừa qua, cả huyện phải nghỉ học để phòng, chống dịch. Mà trường thì thiếu thốn về cơ sở vật chất nên không có thiết bị hỗ trợ dạy và học online, nhiều thầy, cô giáo phải mang sách và bài tập đến nhà cho các em, hướng dẫn và động viên các em phải cố gắng học tập.

Bên cạnh đó, thiên tai hoành hành, vừa qua huyện Kỳ Sơn đã phải trải qua một trận lũ lụt kinh hoàng khiến trang thiết bị học tập của trường bị hư hỏng nặng do nước lũ ngập và cuốn trôi…”, cô Lê Na kể.

Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long trao quà cho thầy, cô giáo và các em học sinh giáo viên Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn

Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long trao quà cho thầy, cô giáo và các em học sinh giáo viên Trường PTDTNT THCS Kỳ Sơn

Khó khăn chất chồng, nhưng gắn bó với các em nhiều năm nên những giáo viên cắm bản càng hiểu những khó khăn của học trò còn lớn hơn gấp bội. Học sinh vùng cao, miền núi và những xã đặc biệt khó khăn thì thiệt thòi quá nhiều lắm. Mọi trang thiết bị, điều kiện phục vụ việc học đều rất thiếu thốn. Cái ăn, cái mặc nhiều khi còn không đủ,…

Chính vì không muốn để học sinh bị mù chữ, rồi tương lai phải gắn bó cả đời với rẫy nương mà cái đói, cái nghèo vẫn cứ đeo bám nên rất nhiều giáo viên đang hi sinh lặng thầm, chấp nhận khó khăn để lên bản dạy chữ cho các em,…

Sự cống hiến của các giáo viên vùng cao nói chung không thể kể hết bằng lời, chỉ có tận mắt chứng kiến, thì mới cảm nhận hết được những gian khổ và cả sự hy sinh vì sự nghiệp trồng người ở những nơi vùng cao, biên giới đầy gian khó.

Thắp sáng ước mơ

Những năm qua Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt và có nhiều chính sách thúc đẩy ngành giáo dục phát triển, đạt những thành tựu nhất định. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương trong đã tích cực hoàn thành việc phổ cập, xóa mù chữ.

Nhờ có sự nỗ lực ngành giáo dục, đặc biệt là sự cống hiến không ngừng nghỉ qua các năm của những thầy cô giáo miệt mài cắm bản, đến nay nhiều đồng bào vùng cao không biết chữ đã biết đọc, biết viết ở huyện Kỳ Sơn. Quy mô trường, lớp học ở những xã vùng sâu, vùng xa, xã biên giới kinh tế còn khó khăn ngày càng phát triển, các em nhỏ đều được đến trường.

“Công tác ở vùng khó khăn, thấu hiểu được sự thiếu thốn và thiệt thòi của học sinh nơi đây, tôi càng cảm nhận rõ ràng hơn ý nghĩa của nghề giáo viên. Sợ các em vì khó khăn mà phải nghỉ học để theo cha, mẹ lên nương, lên rẫy nên tôi cũng tự nhủ rằng, là giáo viên miền núi, nhiều khó khăn thì càng phải trách nhiệm hơn,…

Vì vậy, chúng tôi không ngừng học tập và trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận với những đổi mới trong dạy học cũng như kiểm tra đánh giá theo chủ trương của ngành giáo dục, khắc phục mọi khó khăn với một mục tiêu chung của ngành giáo dục huyện Kỳ Sơn là từng bước nâng cao chất lượng học sinh niềm núi và không để học sinh phải bỏ lại phía sau trên con đường chiếm lĩnh tri thức.

Thầy, cô giáo là người chắp cánh cho những ước mơ, gieo mầm hy vọng cho các em học sinh vùng cao. Học trò không bỏ trường, bỏ lớp, tiến bộ từng này chính là niềm vui và cũng là món quà quý giá nhất của thầy, cô giáo,…”, cô Na bộc bạch.

Cô Lê Na (áo vàng bên phải) và các thầy cô giáo, đại biểu chụp ảnh cùng các học sinh thân yêu của mình

Cô Lê Na (áo vàng bên phải) và các thầy cô giáo, đại biểu chụp ảnh cùng các học sinh thân yêu của mình

Không phụ lại những cố gắng ấy cô giáo Lê Na đã đạt được khá nhiều thành tích, góp phần thành công vào công tác giáo dục của huyện cũng như mục tiêu chung của ngành.

Cô Lê Na là Giáo viên dạy giỏi cấp huyện nhiều năm liền, năm học 2020 cô vinh dự đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, bậc THCS. Cô cũng là người luôn đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học...

“Giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức 1 môn học, mà còn qua hoạt động giáo dục, nhằm trang bị kỹ năng, giá trị sống cho học sinh, giúp các em tự tin vào bản thân, mạnh dạn trong các hoạt động. Ngược lại, giáo viên cũng sẽ được tiếp thêm lửa nghề, hạnh phúc với từng thành quả mà học sinh đạt được”, cô Lê Na chia sẻ.

Thành tích rõ nhất là cô đã đạt Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở 5 lần: 2010, 2011, 2017, 2018, 2021. Có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm nhiều năm liên tục đạt bậc 3 cấp huyện, được đánh giá tốt, ứng dụng vào thực tế và được nhiều đồng nghiệp khác đón nhận. Cô đã đào tạo ra nhiều học sinh giỏi cấp huyện đạt giải cao và đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy.

Cô Lê Na là 1 trong số 68 giáo viên vinh dự được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức trong dịp lễ 20.11 sắp tới.

Chia sẻ về “bí quyết” vượt mọi khó khăn cô Na cho biết, dẫu biết, chọn nghề cũng một phần vì sinh kế, nhưng đối với giáo viên vùng cao thì trước hết phải say mê tâm huyết với nghề và đức hy sinh, tình yêu học trò và sự đồng cảm với con người nơi đây, phải chiến thắng nỗi sợ hãi và muôn vàn khó khăn, thử thách.

Để vượt qua những gian nan thử thác, ngoài nỗ lực phấn đấu của bản thân cũng như sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu nhà trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo Kỳ Sơn. Nếu được lựa chọn một lần nữa, tôi vẫn mong sẽ được cống hiến nhiều hơn cho các em học sinh vùng cao.

Đức Hiệp

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhip-cau-giao-duc/gieo-chu-noi-reo-cao-i305436/