Gieo chữ nơi vùng đất khó Tôn K'Long

Bây giờ ở Tôn K'Long không còn cảnh các thầy cô giáo phải lặn lội đến từng nhà để vận động trẻ em đến lớp; trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Trường lớp từng bước được kiên cố hóa, quy mô trường, lớp ở các cấp học không ngừng được mở rộng, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.

Cô Nguyễn Thị Hải Yến tận tình hướng dẫn học sinh tập viết môn Tiếng Việt lớp 1

Cô Nguyễn Thị Hải Yến tận tình hướng dẫn học sinh tập viết môn Tiếng Việt lớp 1

Thôn Tôn K’Long là một nơi vùng sâu, vùng xa của xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh, cách trung tâm huyện gần 20 km về phía Nam. Thôn được thành lập vào năm 2000, theo dự án giãn dân của UBND tỉnh Lâm Đồng. Đến thời điểm hiện tại, toàn thôn có 182 hộ; trong đó có 170 hộ người Mạ, 12 hộ người Kinh, Tày, Mường với 493 nhân khẩu đang sinh sống.

Thời điểm mới thực hiện di dân lên, mặc dù đã có nhiều chính sách, hỗ trợ từ địa phương nhưng đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, thôn Tôn K’Long chưa được đầu tư xây dựng điểm trường. Thấy vậy, một người dân địa phương đã tự phát, đứng ra mở lớp, tập hợp các em lại để dạy học. Đến năm 2012, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đạ Tẻh cùng chính quyền địa phương xã Đạ Pal đã thành lập điểm trường tiểu học phân hiệu Tôn K’Long.

Gắn bó với điểm trường ngay từ những ngày đầu thành lập, năm 2013 thầy giáo Nguyễn Văn Trạng (sinh năm 1973) được phân công về dạy học tại điểm trường. Kể từ đó đến nay, nhiều giáo viên đã được nhà trường phân công về điểm trường giảng dạy. Họ lần lượt đến và đi, chỉ duy nhất thầy Trạng là người bám trụ đến bây giờ. Tình yêu nghề đã giúp thầy vượt qua gian nan, thử thách, gắn bó với các em học trò nhỏ người dân tộc Châu Mạ vốn còn nhiều gian khó.

Nhớ về những ngày đầu khi mới đặt chân lên điểm trường, thầy Trạng chia sẻ: Thật ngỡ ngàng, không thể tin được vào mắt mình! Quãng đường chưa đến 10 km từ trung tâm xã vào đến thôn Tôn K’Long, ở nhiều nơi vốn đỗi rất bình thường, nhưng so với trên này càng đi càng thấy xa. Đường sá những năm trước ở đây đi lại cực kỳ khó khăn, nắng thì bụi mịt mù, khi trời mưa, đường trơn trượt lại dốc đứng, đi bộ cũng đã khó chứ chưa nói đến chuyện đi xe. Những lúc đó, tôi và các đồng nghiệp phải quấn xích vào bánh xe để di chuyển, thậm chí có khi đành phải bỏ xe tại điểm trường chính rồi đi bộ mất hơn hai tiếng đồng hồ mới ra bên ngoài con đường lớn.

Bây giờ, điểm trường tiểu học phân hiệu Tôn K’Long vẫn còn là một trong những điểm trường khó khăn của huyện Đạ Tẻh. Lớp học, bàn ghế, rồi cảnh quan xung quanh không được bằng khu chính. Do vậy, học sinh và giáo viên ở điểm trường này thường thiếu thốn đủ bề. Tuy nhiên, những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, Trường Tiểu học Đạ Pal đã chủ động xây dựng được lớp học và phòng ở khang trang, với đầy đủ các trang thiết bị dạy học, dụng cụ hỗ trợ cho giáo viên ngay tại khu phân hiệu. Từ đó, đánh dấu sự hình thành và đặt nền móng cho quá trình phát triển sự nghiệp giáo dục, thực hiện ước mơ của các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng sâu Tôn K’Long.

Điểm trường tiểu học phân hiệu Tôn K’Long hiện có 5 lớp học, được phân chia thành 3 phòng học. Trong đó, lớp 1 có 9 học sinh, được bố trí học riêng một phòng do cô Nguyễn Thị Hải Yến (sinh năm 1993) phụ trách. Theo cô Yến, sở dĩ các em được học riêng một phòng là vì học sinh đang thực hiện học theo chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới.

Học sinh lớp 2 và 3 học chung một phòng, mỗi lớp đều có 5 em, do cô Nguyễn Thị Phương (sinh năm 1988) làm chủ nhiệm; còn lớp 4 có 6 em, riêng lớp 5 chỉ có duy nhất 1 em học sinh, do thầy Nguyễn Văn Trạng (sinh năm 1973) phụ trách. Ở phòng học ghép này, các lớp được bố trí học quay lưng lại và mọi thứ đều có sự chia đôi. Tấm bảng chia đôi. Bàn ghế chia đôi. Học trò chia đôi. Và, thầy giáo cũng… chia đôi. Riêng thầy Đặng Hữu Thuận (sinh năm 1994) phụ trách giảng dạy các môn học giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật và kỹ thuật cho tất cả các lớp.

Đây là năm thứ 3, cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến được phân công về giảng dạy tại điểm trường Tôn K’Long. Càng gắn bó với điểm trường, cô gái trẻ lại càng thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Chính điều đó đã thôi thúc trong cô thêm quyết tâm bám trụ, mang con chữ đến với những em nhỏ vùng cao quê hương mình.

Chia sẻ về quá trình giảng dạy của mình, cô Yến cho biết: Những ngày đầu, tôi đã khóc vì quá vất vả, nhớ nhà. Lên đến đây, khung cảnh hoang vu, hẻo lánh trước mắt khác xa với những gì chúng tôi mường tượng về một ngôi trường khang trang, đủ đầy tiện nghi khi còn ngồi trên giảng đường. Giấc mơ ấy giờ hiện lên trần trụi với những trận gió rít lạnh lẽo, đường núi đá lởm chởm, đặc biệt là sự khác biệt về ngôn ngữ văn hóa với người dân bản địa. Nhưng rồi, lâu dần mọi thứ cũng tốt hơn. Và, giờ tôi cũng đã quen với nhịp sống của bà con vùng sâu nơi đây.

Ghé thăm lớp học của cô giáo Yến, tôi vô cùng ngỡ ngàng bởi căn phòng học khá khang trang, khuôn viên rực rỡ sắc màu với nhiều họa tiết trang trí sinh động, tôi đã cảm nhận được niềm tâm huyết, say mê trong từng lời giảng của các thầy cô, từng nét bút nắn nót trên trang giấy của các em thơ.

Chỉ có lòng yêu nghề mến trẻ, sự hy sinh thầm lặng mới có thể giúp các thầy, cô nơi đây trụ vững và “chèo đò” miệt mài cùng năm tháng. Để các em học sinh đều được tới trường, được học tập, gieo những hạt giống đẹp trên mảnh đất này cho một ngày mai đầy hứa hẹn.

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202104/gieo-chu-noi-vung-dat-kho-ton-klong-3054027/