Gìn giữ nét đẹp văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Cẩm Khê

Những ngôi nhà mới khang trang, những con đường bê tông sạch đẹp nối liền các khu; trường học, trạm y tế được xây dựng, đời sống vật chất

Giữ gìn và bảo tồn Khu di tích lịch sử đình, đền Huân Trầm, giúp nâng cao ý thức tự giác và sự đồng lòng của người dân trong xây dựng văn hóa xóm làng

Những ngôi nhà mới khang trang, những con đường bê tông sạch đẹp nối liền các khu; trường học, trạm y tế được xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đang ngày càng được nâng lên… Đó là cảm nhận của chúng tôi khi đến xã Điêu Lương, huyện Cẩm Khê.

Trong phong trào xây dựng NTM, với sự đồng lòng, đoàn kết cao, nhân dân trong thôn đã đóng góp ngày công, tiền bạc để bê tông hóa 100% tuyến đường giao thông nội thôn; 87,5% đường bê tông nội đồng. Đặc biệt, năm 2019, để lưu giữ, tôn tạo lại Khu di tích lịch sử đình, đền Huân Trầm, nhân dân đã đóng góp gần 2 tỷ đồng để tu sửa, tôn tạo, mở rộng khuôn viên đình, đền. Đến cuối năm 2019, xã Điêu Lương chính thức được UBND tỉnh ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Phạm Đức Cẩn, thầy từ của Khu di tích lịch sử đình, đền Huân Trầm chia sẻ: Trân trọng những giá trị văn hóa mà lớp lớp tiền nhân đã để lại, nên trong phong trào xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa, người làng tôi rất coi trọng việc trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử đình, đền Huân Trầm linh thiêng. Các gia đình trong xã và con em xa quê đã góp ngày công, tiền của để tu sửa, tôn tạo, xây dựng đền thờ trong khuôn viên đình, đền. Hội đình làng được diễn ra vào ngày mùng 6 đến mùng 7 tháng Giêng với nhiều trò chơi như: chọi gà, cờ tướng, bóng chuyền… thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Đây sẽ là địa chỉ văn hóa - tâm linh để nhân dân trong xã mỗi khi đi xa, về gần đến tham quan, thắp hương, ngắm cảnh, từ đó góp phần giáo dục tình yêu quê hương.

Nhà thờ nhà thơ Bút Tre, xã Đồng Lương là địa chỉ văn hóa để người dân trong và ngoài xã đến tham quan

Từ Điêu Lương xuôi về xã Đồng Lương, quê hương của nhà thơ Bút Tre, những năm gần đây, hoạt động xây dựng đời sống văn hóa của nhân dân trong xã có nhiều khởi sắc. Năm 2020, tổng số hộ trong xã là 1531 hộ, trong đó số hộ được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa là 1385 hộ, đạt 91,3%. Trong xây dựng NTM, bên cạnh việc đóng góp ngày công, tiền của, nhân dân còn duy trì nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp như coi trọng quan hệ tộc họ, xóm giềng; đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất và trong cuộc sống. Đây chính là những yếu tố văn hóa quan trọng, góp phần bồi đắp, khơi gợi tinh thần, ý thức tự giác và sự đồng lòng của người dân trong tiến trình xây dựng NTM.

Hiện nay, huyện Cẩm Khê còn lưu giữ 43 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật, trong đó 5 di tích cấp quốc gia, 38 di tích cấp tỉnh như các đình: đình Thổ Khối, Phương Xá, Trình Khúc, đình Hội, đình Hạ Khê... và các đình, đền, nghè, miếu thờ cúng Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng, nhân vật lịch sử thời kỳ Hùng Vương cùng 56 lễ hội truyền thống. Công tác bảo tồn di sản và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc luôn được quan tâm đẩy mạnh, nhiều công trình di tích lịch sử, văn hóa có giá trị về mặt lịch sử, tâm linh được quan tâm trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị. Bên cạnh đó, phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng tại các làng, xã trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Hằng năm, hoạt động văn hóa - văn nghệ ở các xã, thị trấn thường xuyên được tổ chức gắn với các nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước; trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân tạo ra các hoạt động vui chơi văn hóa lành mạnh trong nhân dân. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng trong những năm qua đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, trên địa bàn huyện đã thành lập hai Câu lạc bộ Hát Xoan và dân ca Phú Thọ tại xã Đồng Lương và Phượng Vỹ với trên 100 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt và biểu diễn góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân tại địa phương.

Tục nuôi gà thờ của làng Văn Phú là nét đẹp văn hóa truyền thống của xã Sai Nga mỗi dịp Tết đến, Xuân về

Với sự nỗ lực trong việc giữ gìn nét đẹp văn hóa ở các địa phương, huyện Cẩm Khê có 210/257 khu dân cư được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa, đạt 81,7%; có 34.715 hộ/41.282 hộ gia đình được công nhận là hộ gia đình văn hóa, đạt 84,1%. Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được gắn với nội dung chương trình xây dựng NTM được triển khai đến từng xã, từng thôn, từng hộ gia đình bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng; 100% các xã đã tiến hành điều chỉnh hương ước, quy ước, bổ sung các thiết chế văn hóa tại nhà văn hóa - khu thể thao thôn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực.

Quốc An

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-thon-moi/202012/gin-giu-net-dep-van-hoa-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-cam-khe-174364