Gió vẫn thổi qua đại ngàn

Mỗi lần về đồng bằng, trong cuộc trà dư tửu hậu, nếu có ai hỏi quê hương bản quán thì tôi chỉ lên phía núi, nơi đỉnh Voi Mẹp ngàn năm mây phủ trắng. Nơi non thiêng xuất phát của những con sông lớn của Quảng Trị. Và đó chính là mạch nguồn để người Hướng Hóa tự hào về những cái thiên nhiên ưu ái cũng như thành quả của cần lao.

 “Săn mây” trên đình Cu Vơ. Ảnh: Minh Hiển

“Săn mây” trên đình Cu Vơ. Ảnh: Minh Hiển

1. Trong một lần “quá chén” ở thành phố Đông Hà, chuyến xe cuối cùng lên phố núi Lao Bảo cũng bị bỏ nhỡ. Chưa kịp đưa ra quyết định ở lại hay đi đâu thì ông bạn ngồi cùng bảo cứ vui đi, thích khi nào thì lên khi ấy. Xe cộ thiếu gì.

Và rồi ông bạn dẫn tôi ra đường, rất may chỉ đứng dăm phút là có chiếc ô tô trờ tới. Hỏi lên Lao Bảo, người thanh niên gật đầu cái rụp. Anh tên Khanh, chạy xe dịch vụ đã hơn 5 năm. Hằng ngày đi lại trên con đường 9 như ăn cơm bữa, thuộc mọi đoạn cua, đoạn dằn (gập gềnh) như thuộc ngày tháng năm sinh của mình. Khanh kể tôi nghe về nghề dịch vụ vận tải kiêm dẫn khách tham quan du lịch đang trở nên hot ở miền núi Hướng Hóa. Những năm trở lại đây, đời sống của người dân Lào sát biên giới Lao Bảo khá phát triển. Nhu cầu đi tham qua du lịch ngày một cao. Khanh đã liên kết với những “vệ tinh”, mà cụ thể là những người xơng tiền (dịch vụ đổi tiền di động) ở cửa khẩu. Khi có khách Lào quá cảnh có nhu cầu muốn đi tham quan nội địa Việt Nam là “alo” Khanh ngay. Dĩ nhiên là những cái “alo” giới thiệu như thế sẽ được “ăn chia” hợp lí và bền vững.

Hầu hết khách Lào đều “nhắm” hướng biển mà đến. Nào là biển Cửa Việt, Cửa Tùng, xa hơn có biển Thuận An (Huế), biển Đà Nẵng… Họ “khao khát” biển, muốn thưởng thức hải sản bởi người Lào không có lấy một mét vuông nước biển nào cả. Khanh bảo với tôi thế như muốn nhấn mạnh về lợi thế này của người Việt. Và nghiễm nhiên, dân của vùng thượng, trung Lào muốn tắm biển sẽ qua cung đường 9 vào Việt Nam vốn gần hơn so với về phía biển của Thái Lan. Buổi sáng sớm họ đến biển Cửa Việt, ngụp lặn, vui chơi rồi thưởng thức hải sản và trở lại nơi xuất phát là cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo vào thời điểm cuối ngày. Trên cung đường 9 với nhiều di tích, thắng cảnh, Khanh không quên giới thiệu và dẫn khách đi nhiệt tình nếu họ có nhu cầu.

Ở Hướng Hóa rất nhiều người liên kết làm du lịch theo hướng đó. Ngoài du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, du lịch chữa bệnh cũng đang được nhóm của Khanh phục vụ. Như dẫn khách đi chơi kết hợp vào Bệnh viện Trung ương Huế khám, chữa bệnh. Để làm được điều này, những người lái xe dịch vụ kiêm hướng dẫn viên như Khanh sẽ kết nối với các bệnh viện để làm thủ tục một cách nhanh nhất nhằm tiết kiệm thời gian cho khách. Mục tiêu của Khanh trong thời gian tới sẽ học thêm khóa tiếng Lào, thông thạo về chữ viết nhằm tương tác với khách Lào qua hệ thống mạng xã hội, nhắm đến nhóm khách hàng ở các thành phố.

Trên cung đường 9 “mềm” như lụa này, hằng ngày có hàng ngàn lượt xe xuôi ngược nối đuôi nhau. Ở đó luôn có những ý tưởng mới, những cách làm mới để phát triển ngành dịch vụ không khói đang manh nha ở vùng biển ải.

2. Theo lời hẹn đi “săn mặt trời” với những đứa em, tôi chuẩn bị mọi thứ, qua đêm ở phố núi Tân Liên để sáng sớm khởi hành. Ban ngày trời nắng và nóng như nung nhưng về đêm trời Hướng Hóa mát rượi. “4 giờ sáng bắt đầu khởi hành”, một đứa em trong đoàn dặn lui dặn tới và khẳng định trễ hơn thì buổi phượt sẽ không như ý.

Đúng 4 giờ sáng, trời mùa hè nhưng chúng tôi phải quấn trong chăn, nấn ná không muốn dậy nhưng vì sự thôi thúc mong chờ một buổi sáng mãn nhãn đón bình minh trên núi nên bật dậy như chiếc lò xo. Mọi thứ đã sẵn sàng. Chiếc xe máy lướt trong gió sớm về hướng tượng đài Khe Sanh, từ đây xe “lầm lũi” đi trong sương mờ thêm 10 cây số là đến đường lên đỉnh Cù Vơ, mà gọi theo kiểu sang chảnh là “Cu Vo Hill - Đồi Cu Vơ”. Cu Vơ được người dân đọc từ Cover nghĩa là vỏ bọc bên ngoài, hầm trú. Ngày xưa Mỹ thường thả quân xuống ở những cao điểm để trinh sát, kiểm soát thuận lợi. Cùng với quân lính là những cover để trú ẩn. Cứ thế những cao điểm Mỹ đổ quân người dân địa phương gọi là Cu Vơ. Ở Hướng Hóa có 3 đỉnh Cu Vơ như thế. Cái chúng tôi đang nhắm tới là đỉnh Cu Vơ ở bản Miệt Cũ của xã Hướng Linh.

 Mùa hoa dã quỳ ở Hướng Hóa. Ảnh: Hoàng Đăng Tình

Mùa hoa dã quỳ ở Hướng Hóa. Ảnh: Hoàng Đăng Tình

Con đường Hồ Chí Mình chỉ còn mỗi vệt sáng nhỏ dưới ánh đèn xe máy, từ cây số 10 rẽ trái, leo ngọn đèo hun hút ngót 5 cây số là đến đỉnh. Bản làng đang im lìm ngủ. Trên cao chỉ còn những tháp thu phát sóng của các nhà mạng nhấp nháy giữa bầu trời đang còn thẫm đen.

Khoảng 5 giờ kém. Quả cầu lửa như được các ngư dân kéo lên từ biển, kéo qua vách núi đang lừng lững, đốm đỏ ấy to dần và tạo nên sắc màu kì diệu. Mặt trời xuất hiện rõ dần và đang “ngự” trên những đám mây bàng bạc, bồng bềnh dưới thung sâu. Chốn tiên cảnh là đây chứ đâu. Một người trong nhóm đã thốt lên như thế. Khung cảnh này tôi đã thấy ở Đà Lạt, Sa Pa… qua ảnh và video nhưng hôm nay mới tận mắt thấy. Quả đúng là nơi “săn mặt trời mọc” đẹp nhất tỉnh Quảng Trị.

Trời sáng dần. Nhìn về phía lòng hồ Rào Quán như một tấm gương lớn nhiều góc cạnh. Mây cứ chập chờn từ đỉnh núi này qua đỉnh núi kia tạo thành những chiếc cầu mây diệu vợi. Một người trong đoàn thốt lên rằng ở đây mà dựng một ngôi nhà sàn nhỏ để qua đêm ở với sương với gió, sáng sớm đón mặt trời bằng sự run rẩy hơi lạnh thì có chi bằng.

Bỏ lại đỉnh Cù Vơ sau lưng với nhiều cảm xúc, chúng tôi xuống lòng hồ Rào Quán để trải nghiệm chốn sơn thủy hữu tình. Mùa khô, những ốc đảo lộ dần, mực nước xuống thấp khoe những cây khô chết từ thuở nào giờ khẳng khiu, tạo dáng bắt mắt.

Dưới lòng hồ này từng là những bản làng, mực nước xuống để phơi những chiếc cối đá hay những móng nhà. Cũng dưới lòng hồ này, một nhánh của con sông Rào Quán - thượng nguồn của sông Thạch Hãn ngàn ngàn năm trước đã từng chảy giờ “đổi phận” để góp một phần vào dòng điện của nước nhà.

Từ lòng hồ, chiếc thuyền chài chở khách du lịch sau một đêm cắm trại, trải nghiệm núi rừng sông nước trở về bên này bờ. Nhìn những bờ xa xa, đôi ba tốp người, họ là những gia đình đi nghỉ, picnic ở quanh bờ hồ, dễ dàng nhận ra những bạn trẻ với áo quần lụa là đang chụp ảnh cưới.

3. Đã có một dự án “sáu mươi vạn bước đường hoa dã quỳ”, một cách gọi bóng bẩy và ước lệ cho cung đường từ tượng đài chiến thắng Khe Sanh vào đến cầu Sê Băng Hiêng. Trong “60 vạn bước” ấy, có cơ hồ điểm du lịch mà khiến dân phượt phải ghé lại, “seo phi” và ghi vào “sổ tay du lịch” để sẵn sàng giới thiệu cho bạn bè người thân.

Hoa dã quỳ, loài hoa đã được mặc định cho cao nguyên Lâm Viên nhưng tận miền Trung này nó đang được nhân rộng từ một “đốm nhỏ” mà có sức hút kì lạ là xã Hướng Phùng. Một ban vận động trồng hoa đã được thiết lập bởi những người yêu hoa, yêu du lịch và đang đau đáu muốn nâng cao đời sống của người dân nơi này thông qua dịch vụ du lịch. Đã có hàng vạn bầu hoa dã quỳ được ươm tại Trường Tiểu học Hướng Phùng đợi mùa mưa xuống giống. Hoa đã được trồng tại một số điểm ở xã Hướng Phùng với sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan, trường học và người dân xứ này. Điều này thể hiện sự quyết tâm của chính quyền cũng như sự kì vọng của người dân với mong muốn biến thủ phủ của cây cà phê Arabica là điểm đến của du khách trong tương lai.

Trong hành trình vượt đường Hồ Chí Minh qua bắc Hướng Hóa, thị tứ Hướng Phùng là nơi dừng chân lí tưởng để thưởng hoa, thưởng cà phê trước khi vượt đèo Sa Mù 20 cây số để đến với những điểm tham quan, chụp ảnh mới. Và li cà phê Arabica của quán B-wild coffee (Back to the wild coffee- cà phê trở lại hoang dã) là thức uống không thể bỏ qua. Chủ quán là ông Hồ Vương, một người am tường về cà phê. Khách lạ mới gặp khi nghe ông Vương “thuyết” về cà phê có người cho ông “nổ” nhưng với những ai có kiến thức về thức uống này thì “bái phục” ngay.

Ông Hồ Vương được xem là người tiên phong trong ngành cà phê sạch - cà phê rang xay ở Hướng Hóa. Gần 15 năm trước, khi cả huyện đang còn uống cà phê phin với nhiều chủng loại trên thị trường không đảm bảo chất lượng bởi pha tạp phụ gia, chất bảo quản thì ông đã chọn lối đi cà phê sạch: tự rang, xay và pha chế. Thời điểm đó, cà phê của ông đã vượt biên giới ra tận nước ngoài bởi cách làm mới và đầy nhiệt huyết này.

Gần đây nhất trong một chuyến công tác ở xã Hướng Phùng, tôi ghé quán ông để uống li hạt Chia như mọi khi. Và rồi than vãn với ông rằng bản thân uống cà phê phin ngày 2 li vẫn không sao nhưng khi uống cà phê rang xay thì lại say ngất ngư, đổ mồ hôi và run. Ông nói đó là bạn uống ở quán nào, chứ ở B-wild thì điều đó không xảy ra. Và ông đã pha cho tôi một li cà phê và giục tôi uống. Quả thật cà phê của ông không khiến tôi “chao đảo” như những nơi khác. Hỏi ra mới biết sự khác biệt của cà phê quán ông là Arabica, còn những nơi khác là Robusta. Hàm lượng cafein trong cà phê Arabica của Hướng Phùng bằng nửa của Robusta nhưng giá lại gấp đôi. Và ở Hướng Phùng, từ lâu ông Vương như một “đại sứ du lịch” của cà phê khi hằng ngày có nhiều khách du lịch Tây có ta có ghé quán ông. Ông đã để lại trong họ một ấn tượng về sự hiểu biết và đặc biệt li cà phê không đâu sánh được.

Công nghệ số đã “khai phóng” tầm hiểu biết và lan tỏa tri thức, thông tin của con người dù nó ở đâu, đô thị lớn hay thâm sơn cùng cốc. Chuyện hang động Cu Lum ở xã Hướng Việt như một ví dụ điển hình cho nền công nghệ số - mạng xã hội. Trước đó động Cu Lum nằm trong hệ thống núi Tổng Đài ở thung lũng Hướng Việt đã được bộ đội dùng làm nơi trú ẩn và căn cứ chiến đấu. Nhưng phải đến những ngày đầu năm 2019, những thanh niên thôn Chai ở xã Hướng Việt “thám hiểm” lại lần nữa thì những hang động này mới có cơ hội đến với “công chúng”. Trong lần tìm hiểu này, dẫn đầu là chàng trai Hồ Văn Hùng đã ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của động liền chụp ảnh và quảng bá thông qua mạng xã hội Face book. Những bức ảnh hấp dẫn, kèm theo tên động do các bạn tự đặt là Cu Lum (tiếng Vân Kiều có nghĩa là mê cung) đã làm người dân ở Hướng Hóa và vùng lân cận không thể không đến chiêm ngưỡng. Hiện ở núi Tổng Đài có tất cả 7 hang động lớn nhỏ vừa được nhóm thanh niên này “thám hiểm”.

Hiệu ứng về sự kì vĩ và lộng lẫy của Cu Lum, trong những mùa hè năm nay, chàng trai Hồ Văn Hùng trở thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ. Hùng nói có ngày em dẫn tới cả chục đoàn khách xa có gần có. Nước uống, đèn pin là những thứ mà nhóm thanh niên này cung ứng cho khách và thù lao từ sự nhiệt tình hướng dẫn khách tham quan đã là nguồn thu nhập đáng kể.

Nhìn những đoàn xe khách Tây và phượt thủ trong nước đi qua vùng bắc Hướng Hóa trong những ngày hè; tiếng ve, tiếng chim kêu vượn hú như một bản giao hưởng mà thiên nhiên dành cho xứ này, tôi đã thấy một tương lai mới đang rất gần của người Vân Kiều, người Kinh ở đây khi ngọn gió du lịch đang thổi qua đại ngàn.

Yên Mã Sơn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=143524