Giới buôn điện thoại xách tay 'hết đường sống' vì nghị định 98?
Điều đáng nói là dù trước đó đã có chế tài xử phạt nghiêm minh, song vì lợi nhuận cao, tình trạng buôn lậu điện thoại di động xách tay với khối lượng và giá trị lớn vẫn không hề thuyên giảm mà có xu hướng gia tăng.
Miếng bánh béo bở, lợi nhuận cao nên không ai nỡ bỏ
Trước đó, ngày 27/7/2020, Cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP Biên Hòa lập Biên bản kiểm tra hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH Công Nghệ Lê Trịnh (Lê Trịnh Store), địa chỉ số 32, đường Bùi Văn Hòa, KP4 P Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai phát hiện có nhiều điện thoại di động không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Theo tìm hiểu, cửa hàng Lê Trịnh Store do ông Trịnh Thúc Hải (sinh năm 1989, HKTT tại tổ 15 ấp 1 Thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) làm chủ. Qua kiểm tra lực lượng chức năng TP Biên Hòa phát hiện cửa hàng có kinh doanh các dòng điện thoại như Iphone, Samsung, Oppo với số lượng hàng hóa cụ thể: 90 điện thoại di động mang nhãn hiệu iPhone các loại, 28 điện thoại Samsung, 16 điện thoại Oppo.
Qua quá trình kiểm tra thực tế, đại diện công ty TNHH Lê Trịnh chỉ xuất trình được hóa đơn, chứng từ của các sản phẩm điện thoại Samsung, Oppo còn các sản phẩm điện thoại Iphone thì công ty không cung cấp được tài liệu thể hiện nguồn gốc.
Công an TP Biên Hòa tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với địa điểm kinh doanh 4 Công ty TNHH Lê Trịnh về hành vi 'kinh doanh hàng hóa nhập lậu', đồng thời tạm giữ 90 điện thoại Iphone (có bảng thống kê kèm theo) để xác minh, xử lý theo quy định.
Ngày 28/7/2020, ông Hải khai nhận trong số 90 điện thoại Iphone tạm giữ có 14 chiếc là hàng mới có nguồn gốc 'xách tay' không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, 76 chiếc còn lại là điện thoại đã qua sử dụng, thu mua lại từ người tiêu dùng.
Theo công ty thẩm định thì giá trị tang vật vi phạm hành chính đối với 90 điện thoại Iphone các loại của Lê Trịnh Store có tổng số tiền là 1.301.870.000 đồng trong đó 14 chiếc là hàng mới (không có hóa đơn chứng từ hợp pháp) có giá trị 373.870.000 đồng.
Cũng trên địa bàn TP Biên Hòa, ngày 15/6/2020 Đội CS Kinh tế Công an thành phố Biên Hòa phối hợp cùng Công an phường Tân Hiệp kiểm tra hoạt động kinh doanh của cơ sở kinh doanh Điện thoại di động tại địa chỉ tổ 6C, Kp3, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa do ông Nguyễn Xuân Ái (27 tuổi, ngụ Cẩm Mỹ, Đồng Nai) làm chủ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở đang trưng bày 11 sản phẩm điện thoại di động nhãn hiệu “IPHONE” (trị giá trên 200 triệu đồng). Ông Ái thừa nhận số hàng trên là điện thoại nhập lậu, được ông mua từ TP.HCM và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.
Ngoài ra Tổ công tác còn phát hiện cơ sở kinh doanh trên không xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định đối với hoạt động kinh doanh ĐTDĐ của cơ sở.
Chỉ trong 2 ngày 13-14/4, lực lượng Công an Quảng Bình đã kiểm tra cửa hàng, siêu thị điện thoại di động "Fans Trọng nghĩa" tại xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy do Võ Phước Trọng (SN 1992 ngụ xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy) làm chủ và phát hiện 25 chiếc ĐTDĐ hãng Apple Iphone do nước ngoài sản xuất và một số phụ kiện khác. Trị giá hàng hóa ước tính khoảng 150 triệu đồng.
Tại thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, Công an tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các lực lượng liên quan tiến hành kiểm tra cửa hàng "Thế giới điện thoại" do Trương Anh Đào (SN 1994) làm chủ và cửa hàng "Hoàng Mobile" do Trần Sỹ Hoàng (SN 1991) làm chủ đã phát hiện tại 2 cửa hàng này có 22 chiếc điện thoại iPhone hãng Apple do nước ngoài sản xuất. Tổng trị giá hàng hóa lô hàng này ước tính khoảng 150 triệu đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, 3 chủ cửa hàng, siêu thị điện thoại đều không xuất trình được các loại hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Dịp đầu năm, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) - Công an TP.HCM cũng đã triệt phá đường dây nhập lậu số lượng lớn máy tính xách tay (laptop) và điện thoại di động iPhone từ Mỹ về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, ngày 17/2, tổ công tác của PC03 phát hiện tại sân bay có các đối tượng vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu khả nghi nên tiến hành kiểm tra.
Tiến hành kiểm tra, tổ công tác phát hiện bên trong 12 kiện hàng chứa 207 máy tính xách tay và 3 điện thoại di động iPhone (đã qua sử dụng). Toàn bộ số hàng hóa này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc và không khai báo Hải quan. Ước tính tổng giá trị hàng hóa bị bắt trên 2 tỉ đồng.
Giới kinh doanh điện thoại cắp nách “chờn tay” vì nghị định 98/2020
Trước đó, tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP việc kinh doanh hàng hóa xách tay không có chứng từ nhập khẩu, không thông qua kê khai hải quan theo quy định của pháp luật thì được coi là hành vi buôn lậu trái pháp luật.
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 17, tổ chức cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tùy theo mức độ của giá trị hàng hóa nhập lậu. Tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị phạt từ 200.000 đến 50.000.000 đồng.
Tuy nhiên, có vẻ như việc xử phạt quá nhẹ, chỉ như muối bỏ bể, nên các đối tượng kinh doanh điện thoại iPhone xách tay vẫn hoạt động ngày một nhộn nhịp, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Trước tình trạng bát nháo của hàng xách tay, để “siết” chặt, dẹp tận gốc tình trạng buôn lậu Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định 98/2020 có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2020.
Đây là Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo Điều 15 của Nghị định này, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
Hàng hóa nhập lậu được hiểu là những hàng hóa thuộc danh mục cấm, hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu theo điều kiện mà không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật.
Hàng hóa nhập lậu còn là hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục. Bên cạnh đó, hàng hóa nhập lậu còn được hiểu là hàng hóa lưu thông trên thị trường mà không có hóa đơn, chứng từ, hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng không hợp pháp.
Tất cả các sản phẩm điện thoại, máy tính “xách tay” được bày bán trên thị trường hiện nay đều được xếp vào dạng hàng hóa nhập lậu. Điều đó cũng có nghĩa, người bày bán các sản phẩm này đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 15 của Nghị định 98/2020.
Theo đó, tùy vào giá trị của hàng hóa nhập lậu mà những người kinh doanh mặt hàng này có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 50 triệu đồng.
Mức xử phạt 500.000 đồng - 1 triệu đồng sẽ được dành cho trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3 triệu đồng. Ngoài ra, người kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị xử phạt 50 triệu nếu giá trị của mặt hàng trên 100 triệu đồng.
Trong trường hợp người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, họ sẽ phải nộp gấp hai lần mức tiền phạt.
Các mức xử phạt này cũng được áp dụng với hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu, cố ý tàng trữ hàng hóa nhập lậu hoặc cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu.
Đối với người kinh doanh, vận chuyển các loại hàng xách tay còn bị tịch thu tang vật. Với tang vật có trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc tái phạm nhiều lần, người kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị tịch thu phương tiện vận chuyển theo quy định về hình thức xử phạt bổ sung ở Khoản 4, Điều 15 của Nghị định này.
Việc nghị định 98 mới chính thức có hiệu lực với mức xử phạt nặng như vậy, vậy câu hỏi đặt ra giới buôn điện thoại xách tay sẽ hết thời “rửa tay gác kiếm”, nhường chỗ cho điện thoại chính hãng lên ngôi?