Giới chức EU loại trừ nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ và bất động sản

Ngày 15/5, Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), ông Paolo Gentiloni, đã loại trừ nguy cơ châu lục này phải đối mặt với khủng hoảng nợ hay bất động sản.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 15/5, Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), ông Paolo Gentiloni, đã loại trừ nguy cơ châu lục này phải đối mặt với khủng hoảng nợ hay bất động sản, mặc dù Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tăng mạnh lãi suất.

Trao đổi trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ông Gentiloni cho biết quyết định tăng lãi suất tuy sẽ khiến một số quốc gia gặp khó khăn, song không phải toàn bộ 27 nước thành viên EU. Lý do là thị trường bất động sản tại mỗi quốc gia tồn tại vấn đề khác nhau, phụ thuộc vào mức độ liên kết giữa hệ thống thế chấp tài sản với lạm phát. Ông nhận định lãi suất tăng sẽ làm tăng chi phí vay nợ nhưng ở mức hạn chế và hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Tài chính Ireland Michael McGrath nhận định không tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản, ít nhất là tại quốc gia này trong bối cảnh nhu cầu nhà ở ngày càng tăng do bùng nổ dân số.

Trước đó cùng ngày, Ủy ban châu Âu dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024 ở 20 quốc gia thuộc Eurozone sẽ cao hơn dự báo được đưa ra hồi tháng 2 năm nay bất chấp lạm phát tiếp tục ở mức cao. Nợ công tại những nước này cũng được dự báo sẽ giảm.

Ngày 4/5 vừa qua, ECB đã công bố quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 3,25%, do lạm phát tại Eurozone đang chậm lại với triển vọng ổn định. Như vậy, ngân hàng này đã tăng lãi suất tổng cộng 375 điểm cơ bản kể từ tháng 7 năm ngoái.

Đây là tốc độ tăng lãi suất nhanh nhất của ECB và nhiều khả năng ECB sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách này để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh áp lực giá cả vả tiền lương tăng cao. Điều này làm dấy lên lo ngại khi chi phí vay và chi phí dịch vụ bất động sản trở nên đắt đỏ hơn, đẩy nhiều chính phủ rơi vào thế khó trong bối cảnh phải gồng gánh khoản nợ lớn một phần vì những chính sách hỗ trợ kinh tế thời đại dịch COVID-19./.

Mai Nguyễn/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gio-i-chu-c-eu-loa-i-tru-nguy-co-xa-y-ra-khu-ng-hoa-ng-no-va-bat-dong-san/291381.html