Giới đầu tư phấn chấn trở lại
Thứ Năm (22/10), Phố Wall trở lại tăng điểm sau một phiên giao dịch đầy bất ổn khi lại tìm thấy hy vọng từ Washington cũng như dữ liệu thất nghiệp tích cực.
Giao dịch trên Phố Wall trong tuần này bị tác dộng mạnh bởi một loạt các tin tức và tuyên bố liên quan đến diễn biến của các cuộc đàm phán về gói viện trợ bổ sung tại Washington.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm thứ Năm nói với giới truyền thông, đã có những tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Đảng Dân chủ và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời bà cho biết, dự luật về gói viện trợ mới có thể được ban hành "khá sớm".
“Nếu chúng tôi có thể giải quyết được vấn đề trong vài ngày tới, sẽ mất một thời gian để triển khai. Chúng tôi có thể tạo nên điều gì đó tuyệt vời, và tôi vẫn lạc quan rằng chúng tôi có thể làm được điều đó”, bà Pelosi tuyên bố.
Những tuyên bố trên là động lực chính thúc đẩy tâm lý thị trường phiên đêm qua.
Tuy nhiên, cùng ngày, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Kudlow đưa ra cảnh báo, "những khác biệt về chính sách vẫn còn đáng kể” và chưa thể giải quyết được trước cuộc bầu cử ngày 3/11.
Sau đó, Lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm Đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cũng từ chối cam kết bỏ phiếu cho dự luật về gói viện trợ bổ sung trước bầu cử.
Về dữ liệu kinh tế, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, số người xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước đã giảm xuống 787.000 người, ít hơn 100.000 người so với tuần trước đó.
Mức sụt giảm này cao hơn dự báo và lần đầu tiên số người xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống dưới mức 800.000 kể từ giữa tháng 3. Tuy nhiên, con số 787.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp vẫn tương đối cao trong bối cảnh nguồn tiền hỗ trợ từ chính phủ đang cạn dần.
Mặt khác, doanh số bán nhà sẵn có tại Mỹ ghi nhận tăng tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 9 do thị trường nhà ở được hưởng lợi từ lãi suất thấp. Tổng doanh số bán nhà sẵn có trong tháng trước đã tăng 9,4% so với tháng 8, Hiệp hội môi giới quốc gia Mỹ (NAR) báo cáo hôm thứ Năm .
Ngoài ra, theo báo cáo mới nhất của Conference Board, các chỉ số kinh tế hàng đầu của Mỹ chỉ tăng 0,7% trong tháng 9, sau mức tăng 1,4% trong tháng 8 và 2% trong tháng 7.
Cuối ngày, thị trường chờ đợi cuộc đối đầu trực tiếp cuối cùng giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ.
Kết thúc phiên 22/10, chỉ số Dow Jones tăng 152,84 điểm (+0,54%), lên 28.363,66 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 17,93 điểm (+0,52%), lên 3.453,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 21,31 điểm (+0,19%), lên 1.506,01 điểm.
Chứng khoán châu Âu giao dịch ảm đạm trong hiêm ngày thứ Năm dù đã được hỗ trợ khi Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak tiết lộ, chính phủ nước này sẽ bơm thêm hàng tỷ bảng hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tây Ban Nha trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên vượt hơn 1 triệu ca nhiễm vào thứ Tư, trong khi Ý chứng kiến sự gia tăng kỷ lục về số ca nhiễm mới hàng ngày. Số ca nhiễm mới ở Đức lần đầu tiên vượt 10.000 trong vòng 24 giờ.
Với việc đại dịch đang gia tăng chóng mặt ở châu Âu, mọi con mắt vào tuần tới sẽ đổ dồn vào động thái tiếp theo của Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Kết thúc phiên 22/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 9,15 điểm (+0,16%), lên 5.785,65 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 14,58 điểm (-0,12%), xuống 12.543,06 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 13,34 điểm (-0,05%) xuống 12.543,06 điểm.
Chứng khoán châu Á tiếp tục diễn biến trái chiều. Chứng khoán Nhật Bản giảm, do đồng yên đứng vững đe dọa lợi nhuận của các công ty xuất khẩu và lo ngại thỏa thuận về dự luật kích thích của Mỹ sẽ không đạt được cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống.
Chứng khoán Trung Quốc giảm với đà đi xuống của nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe.
Kết thúc phiên 22/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 165,19 điểm (-0,70%), xuống 23.474,27 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 12,52 điểm (-0,38%), xuống 3.312,50 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 31,71 điểm (+0,13%), lên 24.786,13 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 18,51 điểm (-0,67%), xuống 2.355,05 điểm.
Giá vàng phiên 22/10 giảm mạnh trong bối cảnh chỉ số đồng USD điều chỉnh phục hồi sau khi chạm mức thấp nhất trong vòng sáu tuần vào phiên trước đó. Giới đầu cơ kim loại quý cần một động lực mới, chẳng hạn như bùng nổ yếu tố địa chính trị, để phá vỡ giá vàng khỏi tình trạng bất ổn kéo dài hàng tuần hiện nay.
Kết thúc phiên 22/10, giá vàng giao ngay giảm 19,20 USD (-1,00%), xuống 1.905,10 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 24,90 giảm USD (-1,29%), xuống 1.904,60 USD/ounce.
Giá dầu tăng khi được thúc đẩy bởi khả năng gói kích thích kinh tế tại Mỹ sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần. Tuy nhiên, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết dự trữ xăng của Mỹ trong tuần trước tăng 1,9 triệu thùng so với kỳ vọng giảm 1,8 triệu thùng, báo hiệu nhu cầu nhiên liệu sụt giảm mạnh trong thời gian tới.
Kết thúc phiên 22/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,61 USD (+1,52%), lên 40,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,73 USD (+1,74%), lên 42,46 USD/thùng.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gioi-dau-tu-phan-chan-tro-lai-post253288.html