Giới phân tích: Malaysia cần cải thiện nguồn thu thuế để củng cố ngân sách
Theo các chuyên gia kinh tế, trong môi trường kinh tế đầy thách thức hiện nay, Chính phủ Malaysia cần phải hoàn thiện các chính sách thuế để củng cố ngân sách quốc gia.
Sau khi giành chiến thắng trong cuộc Tổng tuyển cử vào tháng 5/2018, Chính phủ do liên minh Hy vọng cầm quyền tại Malaysia đã áp dụng chế độ thuế Bán hàng và dịch vụ (SST) thay cho thuế Hàng hóa và dịch vụ (GST) để điều chỉnh giảm giá hàng hóa, dịch vụ.
Tuy nhiên, trong năm tài khóa 2019, STT được dự báo chỉ đóng góp cho ngân sách 22 tỷ ringgit (5,3 tỷ USD), thấp hơn so với mức thu nhập mà GST mang lại mỗi năm là 44 tỷ ringgit (10,6 tỷ USD).
Chính vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, trong môi trường kinh tế đầy thách thức hiện nay, Chính phủ Malaysia cần phải hoàn thiện các chính sách thuế để củng cố ngân sách quốc gia.
Tiến sĩ Veerinderjeet Singh, Chủ tịch Viện nghiên cứu kế toán công chứng viên Malaysia (MICPA), đánh giá SST chỉ phản ánh được 38% chỉ số giá tiêu dùng của các giỏ hàng hóa, trong khi GST là 60%.
Các chuyên gia về thuế cho rằng với tình hình giá dầu dao động ở mức 55-65 USD/thùng, ngân sách năm tài khóa 2020 nên được dự tính với mức giá này nhằm tránh phụ thuộc quá mức vào nguồn thu từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Malaysia Petronas.
Kể từ năm 2018, giá dầu thô Brent đã đạt đỉnh mức 84 USD/thùng, trước khi giảm mạnh xuống còn 53 USD/thùng vào tháng Một và dao động ở mức từ 55-75 USD/thùng cho tới hiện tại.
Trong khi đó, chuyên gia Veerinderjeet Singh lại khuyến nghị trong bối cảnh nền kinh tế hiện tại, Chính phủ Malaysia nên cân nhắc việc mở rộng nguồn thu thuế, đặc biệt là thuế thu nhập. Ông chia sẻ: "Hiện nay, chỉ có 2 triệu lao động đang nộp thuế thu nhập.
Bên cạnh lực lượng lao động, có rất nhiều người có thu nhập cao mà không phải nộp thuế. Điều này là do mức lương thấp của Malaysia cùng với những ưu đãi về thuế khác đã khiến nhiều người không thuộc diện phải nộp thuế".
Ông Veerinderjeet Singh cho rằng hiện nay việc thu thuế quá phụ thuộc vào Cục Thuế nội địa (IRB). Theo ông, với sự tiến bộ về khoa học công nghệ, Cục Thuế nội địa (IRB), các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước Malaysia (BNM) nên thiết lập một hệ thống liên kết nhằm ngăn chặn hành vi trốn và gian lận thuế.
Từ góc độ chính sách kinh tế và thuế, cũng có sự ủng hộ cho việc khôi phục GST bởi tính minh bạch và khả năng thu thuế tốt hơn của hệ thống này.
Theo phân tích của chuyên gia Veerinderjeet, điều khiến cho GST rõ ràng hơn đó là đầu vào và đầu ra, những thứ rất khó thao túng. Dù vậy, ông cho rằng thời điểm hiện tại chưa cần thiết phải khôi phục GST, mà hệ thống thuế hiện tại cần mang lại hiệu suất cao hơn.
Cùng quan điểm này, lãnh đạo của Deloitte Global Indirect Tax Clients & Industries, ông Senthuran Elalingam cho rằng việc giới thiệu trở lại GST là cần thiết vì GST cung cấp nguồn thu thuế lớn hơn và phương pháp thu thuế hiệu quả hơn.
Ông nhấn mạnh: "Chính phủ Malaysia cần nhận thức được GST là hệ thống thuế hiệu quả hơn so với SST. Tuy nhiên, điều gây tranh cãi đó là thời gian và cách thức thuyết phục người dân."
Ông Senthuran Elalingam bổ sung thêm rằng nỗ lực đầu tiên để tái triển khai GST đã không thành công do nhận thức hạn chế về cách thức vận hành cũng như lợi ích của GST, kết hợp với sự thiếu hiệu quả nghiêm trọng chẳng hạn như thanh toán các khoản hoàn thuế quá chậm.
Ông nhấn mạnh Malaysia phải rút kinh nghiệm từ những gì đã làm không tốt trong lần đầu áp dụng hệ thống này và đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo GST sẽ được triển khai thành công.
Ngoài các loại thuế thu nhập, trong lĩnh vực công nghệ, Chính phủ Malaysia đã tuyên bố áp dụng thuế dịch vụ với các dịch vụ công nghệ ở mức 6% bắt đầu từ ngày 1/1/2020. Tuy nhiên, cho tới nay Cục thuế Hoàng gia vẫn chưa đưa ra hướng dẫn chi tiết về quy định này.
Ông Senthuran nhận định với khung thời gian hạn chế, nhiều doanh nghiệp sẽ không hoàn toàn sẵn sàng khi thời điểm quy định có hiệu lực. Do đó, cơ quan chức trách cần có biện pháp linh hoạt trong quá trình triển khai quy định, đặc biệt là việc áp dụng các hình phạt trong giai đoạn chuyển tiếp.
Theo ông, từ góc độ của khác hàng, tác động lớn nhất sẽ là giá cả khi chi phí cho các dịch vụ công nghệ từ nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ tăng 6%. Tuy nhiên, đối với các giao dịch mua từ những nhà cung cấp trong nước sẽ không có sự thay đổi do những dịch vụ này đã chịu mức thuế 6% theo cách tính thuế SST.
Chủ tịch MICPA nhấn mạnh việc tính thuế hàng hóa và dịch vụ đối với các nhà cung cấp nước ngoài không phải là mới và là xu hướng toàn cầu. Singapore sẽ áp dụng quy định riêng từ 1/1/2020, trong khi nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn cũng đã nhận ra thực tế này.
Trong khi đó, thuế hàng hóa đặc biệt cũng là một loại thuế luôn luôn được hướng đến cho ngân sách của bất kỳ chính phủ hay quốc gia nào, bởi đây được coi là cách dễ nhất để có được ngân sách bổ sung cho quốc gia.
Đối với hàng hóa đặc biệt, chuyên gia Veerinderjeet cho rằng bản thân ngành công nghiệp này đã bị đánh thuế rất cao và bất kỳ một khoản thế bổ sung sẽ chỉ mang lại một lỗ hổng lớn hơn trong tương lai.
Hiện tại, Chính phủ Malaysia chưa có ý định tăng thuế hàng hóa đặc biệt khi mà trong năm tài khóa trước. Chính phủ đã tăng thuế đối với các sòng bạc lên 35% và 30% đối với các trò chơi trong tổng số thu nhập chúng mang lại.
Bên cạnh đó, theo SST, rượu bia bị tính thuế 10%, trong khi GST chỉ tính 5%. Chính vì vậy, chuyên gia này cho rằng cần cân nhắc cẩn trọng trong việc tăng thuế đối với loại hàng hóa này./.