Bạn trẻ xúng xính diện áo dài, check-in đường mai giả ở TP.HCM Hàng nghìn bạn trẻ diện áo dài, đổ ra phố ông đồ tại nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM để chụp hình, xin chữ.
Chương trình lễ hội Tết Việt 2021 tại Nhà Văn hóa Thanh niên dự kiến kéo dài 20 ngày, từ 27/1 đến hết 16/2 (15 tháng chạp đến hết mùng 5 Tết Âm lịch). Như mọi năm, đây là một trong những điểm được trang trí rực rỡ, công phu. Lễ hội năm nay thể hiện không gian Tết truyền thống với đường mai, phố ông đồ, tiểu cảnh làng nghề...
Dù không phải cuối tuần, lễ hội vẫn thu thu hút lượng lớn người tham quan. Ở nhiều khu vực, du khách phải chờ đợi khá lâu mới đến lượt chụp ảnh. Các cô gái thường lựa chọn trang phục áo dài truyền thống, mang theo phụ kiện cành đào, mai, bao lì xì...
Chị Ánh (quận Bình Thạnh) thích nhất tiểu cảnh hàng trăm chiếc nón treo lơ lửng: "Theo mình, các không gian khác nhìn có vẻ rối mắt, còn làng nón thì trang trí tối giản, tinh tế hơn. Nghe nói năm nào đường mai cũng đông đúc cuối tuần nên mình và đồng nghiệp quyết định ra đây ngày trong tuần để tha hồ chụp ảnh".
Khoa Đăng (Tây Ninh) di chuyển 2 tiếng đồng hồ đến TP.HCM, đầu tư trang phục, thiết bị chuyên nghiệp check-in tại con đường hoa mai. "Mình quyết định đến sớm để có bộ ảnh đẹp mà không phải chen lấn trong dòng người tham quan. Lần đầu tiên ghé điểm này, mình thấy không gian ở đây đẹp, nhộn nhịp khiến mình cảm thấy Tết gần lắm rồi", nữ du khách nói.
Nhóm sinh viên có mặt từ sớm, mang theo cành đào, nhánh mai làm đạo cụ chụp ảnh: "Một số điểm khác ở TP.HCM cũng đã trang trí Tết rồi nhưng bọn mình thích ở đây nhất vì kiểu trang trí đậm chất truyền thống, gợi nhớ không gian Tết của người Việt".
Vợ chồng anh Khoa, chị Thủy (quận 1) bế con nhỏ đến tham quan đường mai. Anh chị muốn ghi lại khoảnh khắc đón Tết đặc biệt của con gái 2 tháng tuổi. "Khu vực nằm trong trung tâm thành phố, dễ di chuyển. Mình thất không gian trang trí ở đây có phần đơn giản, không nhiều tiểu cảnh chụp ảnh và sắc màu như năm trước", chị Thủy cho biết.
Bên cạnh đường mai, phố ông đồ vẫn là nét đặc sắc của lễ hội được duy trì qua nhiều năm với hàng chục gian hàng trưng bày chữ thư pháp cho du khách lựa chọn.
Bà đồ Minh Anh diện trang phục áo dài truyền thống, khăn đóng ngồi viết thư pháp ở một gian hàng. Cô chia sẻ năm nay lượng khách đến xin chữ chỉ bằng khoảng 60% so với cùng thời điểm năm trước. Mỗi bao lì xì trang trí, viết chữ thư pháp có giá 20.000-25.000 đồng.
Ngoài ra, du khách có thể tìm thấy góc nhỏ đậm chất Việt Nam như làng nón, làng mây, làng hoa, ụ rơm, cộ trâu… Khu vực trưng bày tranh Đông Hồ được nhiều khách lựa chọn làm điểm check-in.
Chí Hùng - Thảo Ly