Giống lúa ST25 phủ khắp cánh đồng xã Long Đức

Vụ lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã xuống giống dứt điểm hơn 16.000ha lúa, đạt 100% kế hoạch, trong đó có hơn 6.000ha lúa ST25. Tại các địa phương, lúa đang giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng. Riêng xã Long Đức, huyện Long Phú có 1.240ha lúa thì có trên 98% sản xuất giống lúa ST25.

Điểm nổi bật của giống lúa ST25 được rất nhiều bà con yêu thích chọn canh tác là lúa cứng cây, giàn lúa cao, năng suất tốt... Là nông dân sinh sống lâu đời ở địa phương và đã từng sử dụng rất nhiều giống lúa canh tác, ông Phạm Hoàng Trân, ấp An Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú bộc bạch: “Tôi sản xuất các giống lúa thơm, đặc sản hơn 4 năm. Riêng với giống lúa ST25 làm 4 vụ (2 năm), với diện tích 3ha, so với các giống lúa khác thì lúa ST25 năng suất khá tốt. Đơn cử trong vụ lúa Đông - Xuân năm 2021 - 2022, năng suất lúa đạt 7,4 tấn/ha; vụ Hè - Thu năm 2022, năng suất lúa đạt 7,1 tấn/ha. Hiện tại, vụ lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023, lúa ST25 của tôi đang giai đoạn đòng trổ, giàn lúa nhìn rất đẹp, số lượng hạt trên bông nhiều, ước năng suất 7,2 tấn/ha. Qua nhiều vụ canh tác lúa ST25, tôi nhận thấy ưu điểm vượt trội của lúa là ít dịch bệnh; cây lúa cứng, ít đổ ngã; giá lúa cao hơn các giống lúa đặc sản khác từ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Theo đó, lúa ST25 được công ty bao tiêu đầu ra, giá dao động từ 7.600 - 7.700 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận trên 150 triệu đồng/3ha/năm”.

Ông Phạm Hoàng Trân, ấp An Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) khoe ruộng lúa ST25 đang giai đoạn đòng trổ. Ảnh: THÚY LIỄU

Ông Phạm Hoàng Trân, ấp An Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú (Sóc Trăng) khoe ruộng lúa ST25 đang giai đoạn đòng trổ. Ảnh: THÚY LIỄU

"Tính đến thời điểm hiện tại, lúa ST25 của gia đình tôi đang giai đoạn đòng trổ nhưng tôi chưa tốn bất cứ chi phí nào mua thuốc bảo vệ thực vật phun cho diện tích lúa 2ha. Nhìn giàn lúa là biết tiếp tục có vụ mùa bội thu, lúa ST25 thu hoạch xong sẽ đón tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023" - ông Võ Văn Thạnh, ấp Hòa Hưng, xã Long Đức, huyện Long Phú chia sẻ. Minh chứng giống lúa ST25 cho năng suất cao, ông Thạnh đã nhanh chân lội xuống ruộng lúa của gia đình dùng gang tay để đo, bông lúa dài hơn cả gang tay của ông.

Cũng theo ông Thạnh, thông thường với một số giống lúa, trong vụ canh tác phải phun thuốc bảo vệ thực vật từ 3 - 4 lần/vụ, nhằm phòng ngừa hay trị một số sâu bệnh, nhưng với giống lúa ST25 đã qua 4 vụ canh tác, ông vẫn chưa lần nào phun thuốc bảo vệ thực vật. Riêng với phân bón lúa, ông Thạnh sử dụng phân hữu cơ kết hợp phân vô cơ và trong suốt quá trình canh tác, áp dụng quy trình kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Thông qua các quy trình canh tác lúa ST25 bài bản cùng với đặc tính vượt trội của lúa về khả năng thích ứng điều kiện tự nhiên và kháng sâu bệnh, lúa luôn cho năng suất bình quân từ 6,5 - 7,5 tấn/ha, lợi nhuận thu về hơn 25 triệu đồng/ha/vụ.

Diện tích sản xuất lúa ST25 tại xã Long Đức đã lan rộng sang một số xã lân cận, trong đó có xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU

Diện tích sản xuất lúa ST25 tại xã Long Đức đã lan rộng sang một số xã lân cận, trong đó có xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng). Ảnh: THÚY LIỄU

Theo ghi nhận của chúng tôi, cả cánh đồng của Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức có diện tích sản xuất lúa hơn 620ha, với hơn 600 thành viên đều canh tác giống lúa ST25 đã 2 năm (2021, 2022). Năm 2020, lãnh đạo hợp tác xã này đã triển khai đến thành viên về việc đưa giống lúa ST25 vào sản xuất trên cánh đồng của hợp tác xã, hầu hết thành viên đều lo lắng vì trước giờ họ chưa canh tác giống ST25 và lo nhất là đầu ra của lúa, kể cả nỗi lo về năng suất lúa.

Trên cương vị là người đứng đầu hợp tác xã, ông Trương Văn Hùng - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Lợi đã tham gia thực hiện mô hình sản xuất lúa ST25 trên phần đất của gia đình, khi được ngành chuyên môn hỗ trợ về giống, kỹ thuật. Mô hình sản xuất lúa ST25 của ông Hùng rất thành công, với năng suất 10 tấn/ha, được rất nhiều thương lái tìm đến hỏi mua lúa. Khi thấy thực tế việc sản xuất lúa ST25 có năng suất cao, nhẹ công chăm sóc, ít dịch bệnh, giá bán cao, toàn thể thành viên hợp tác xã đã đồng lòng sản xuất lúa ST25 trên tất cả diện tích đất của thành viên. Ngoài các thành viên hợp tác xã sản xuất lúa ST25 thì trong vụ lúa Đông - Xuân năm 2022 - 2023, có hàng trăm bà con bên ngoài hợp tác xã đã chọn giống lúa ST25 gieo sạ.

Đồng chí Lâm Văn Vũ - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết: “Lợi nhuận cao đem lại từ sản xuất giống lúa ST25 của bà con nông dân xã Long Đức đã lan tỏa việc sản xuất giống lúa ST25 sang một số xã trên địa bàn huyện. Tại huyện có 2 hợp tác xã, thuộc 2 xã Long Đức, Tân Hưng sản xuất lúa ST25 với diện tích hơn 1.100ha, được đơn vị kết nối công ty bao tiêu toàn bộ lúa sau thu hoạch nên thành viên hợp tác xã rất phấn khởi và an tâm sản xuất. Bên cạnh đó, hộ dân bên ngoài khi sản xuất lúa ST25 cũng không lo đầu ra, vì có rất nhiều thương lái tìm mua lúa ST25, giá luôn cao hơn so các giống lúa khác. Trong thời điểm giá vật tư nông nghiệp tăng cao, chi phí thuê mướn lao động tăng thì bà con nông dân chọn giống lúa ST25 để canh tác, góp phần giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật (lúa ít dịch bệnh), không tốn chi phí thuê người phun thuốc, tăng thêm lợi nhuận sau thu hoạch khoảng 15 - 20%, kèm theo giá lúa ở mức 7.500 - 7.800 đồng/kg, chắc chắn nông dân có lợi nhuận bình quân 25 triệu đồng - 30 triệu đồng/ha/vụ”.

Gạo ST25 rất được người tiêu dùng ưa chuộng nên việc chọn sản xuất giống lúa ST25 của bà con nông dân trên địa bàn xã Long Đức là hướng đi phù hợp theo nhu cầu thị trường cần. Do đó, để lúa đạt năng suất, giảm chi phí đầu tư, bà con sản xuất giống lúa ST25 cần ứng dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất, sử dụng giống lúa cấp xác nhận, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh thay thế phân bón hóa học và quản lý chặt chẽ các công đoạn từ sản xuất đến thu hoạch theo quy trình, nhằm tạo ra sản phẩm lúa đạt chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/giong-lua-st25-phu-khap-canh-dong-xa-long-duc-61958.html