Giọng nói mơ hồ
Nguyễn Hữu Hồng Minh là thi sĩ, nhạc sĩ. Thơ và nhạc đã gắn kết, nâng cánh cho nhau trong niềm đam mê của nghệ sĩ. Bài 'Giọng nói mơ hồ' nằm trong tập thơ cùng tên.
Những câu thơ rồi sẽ ngủ yên
Bình dị như giấc mơ, bình dị như hạnh phúc
Hôm nay khác hôm qua, ngày mai khác nữa
Khi em đến tôi đi người lần lượt thay người
Bài hát bồng bềnh hoa đỏ trẻ tươi
Biển của ban mai rì rào tiếng sóng
Mùa trôi mùa trôi thầm thì vang động
Chuyến tàu đầy tiếp nối chuyến tàu qua
Đất trở mình nâng ngực gọi mùa xa
Dây ước mơ leo tràn trên bãi
Chân mãi bước trên đường ngoảnh lại
Từng chuyến xe đêm lăn bánh trên cầu
Em đã hát câu gì em đang ở nơi đâu?
Đang cười gọi làm sao tôi biết được
Em là ai tôi cũng còn chưa rõ
Gió qua tai như giọng nói mơ hồ
Nhưng chắc rằng em sẽ đến sau tôi
Để giữ nguyên màu hoa hôm trước
Biển sẽ bay cánh buồm khao khát
Con sóng khuya gấp gáp trở mình
Những khu vườn rụng lá suốt đêm
Mỗi gương mặt hồng hào như quả chín
Những mắt sao mở vào khuya bịn rịn
Chạm trời đêm dọc những giấc ngủ dài.
***
Bài hát viết cho người, câu thơ viết cho ai?
Nhóm lửa niềm vui khuây buồn năm tháng
Như cơn mưa giữa ngày nắng hạn
Hay tia lửa mặt trời len đêm tối bùng lên?
***
Những câu thơ rồi sẽ ngủ yên
Bình dị như giấc mơ, nồng nàn như hạnh phúc
Mùa thay mùa em thay tôi nhớ đến
Năm tháng ngủ quên trong giọng nói mơ hồ.
Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm:
Bài thơ mang đến hình dung về nỗi lặng câm tự mình phát sáng, những thương đau thấp thỏm theo từng nhịp máu. Thi sĩ luôn là kẻ đọa đày trên hành trình đi tìm “Thơ” như là hình thái quyết định sự tồn tại.
Nhưng, càng đi tìm lại càng mất hút, vì định mệnh của thi sĩ là không bao giờ tìm thấy và giữ được "chữ - từ" cuối cùng. Chỉ có hành trình ghi dấu những thương đau phát sáng trên từng tháng năm câm lặng, chứng thực cho “một tiếng nấc mơ hồ” lần nào đó đã vọng lên, giữa khoảng “hư vô hiện hữu”.
Có phải vì có em mà ta tồn tại, vắng em nên ta lưu đày? Thơ mơ hồ ở khoảng thương đau lặng lẽ ấy.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giong-noi-mo-ho-post1142470.html