Giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ chạy trốn sau đêm đám ma con trai
Những ẩn ức liên tục ập đến như thử thách phẩm cách, lòng vị tha của một người mẹ đã từng phải chạy trốn sau đêm đám ma con trai.
Cuộc đời liên tục chạy trốn nhận bao ẩn ức
Trước đó, báo Vietnamnet đăng tải bài viết “ Cuộc chạy trốn của người mẹ sau đám ma con trai” nhận rất nhiều quan tâm của độc giả. Một người mẹ nghèo, khi con trai mất, bà kịp hiến tạng để cứu sống hai người. Song, quyết định ấy như thử thách lòng người, bà Nguyễn Hồng Son bị xóm làng ghẻ lạnh, đồn thổi “bán tạng” con để an hưởng tuổi già. Liên tục những lời xầm xì dội về phía gia đình buộc bà bán tất cả đất đai ở quê, bỏ xứ tìm chốn bình yên.
Câu chuyện "Cuộc chạy trốn của người mẹ sau đám ma con trai" từng được đăng tải trên báo Vietnamnet khiến nhiều độc giả quan tâm. Ảnh: Phan Nhơn
Sau khi được Bộ Y tế ghi nhận những công lao đóng góp cho Sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, bà Son trôi dạt về Củ Chi, mua một miếng đất xây một căn nhà nhỏ sống với con.
Ấy vậy mà, bi kịch tiếp nối bi kịch ập xuống với người mẹ. Từ một cơ duyên bà gặp được một người bán cho một miếng đất ở ấp Bàu Cạp, Xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ban đầu, người hàng xóm thấy bà Son khổ, cắt một miếng đất, bán trả góp dần. Mua đất trả được 2/3, còn chút ít bà xây căn nhà ở với 2 đứa con.
Rồi một ngày, giá đất lên cao vùn vụt, người chủ đất đổi ý muốn đòi lại đất, đuổi bà Son ra khỏi căn nhà. Tranh chấp xảy ra, trả đất, trả nhà thì không còn chỗ nào nương thân, bà cứ cam chịu những xỉ vả mắng nhiếc của hàng xóm.
Mỗi ngày, căn nhà bà Son thường xuyên nhận những gạch đá chọi vào, ngủ dậy bị khóa trái cửa ngoài. Khi đường cùng, bà Son quyết định thưa kiện ra tòa mong công lý được thực thi. Tòa xử 4 lần bà Son thắng, bác kháng cáo của chủ đất. Song, trong bản án dân sự tòa buộc bà Son phải trả số tiền 300 triệu tiền mua đất còn thiếu cộng với tính bù trượt giá đất tăng thêm 150 triệu.
Số tiền quá lớn, gom góp mãi cũng không đủ, bà tiếp tục chịu đựng. Suốt hai năm ròng, văng vẳng bên tai là những lời cay nghiệt xỉ vả bà ôm trọn vào lòng, nhẫn nhục sống.
Cuộc gặp gỡ giữa Đơn vị điều phối ghép tạng Chợ Rẫy và chính quyền xã Nhuận Đức để trao số tiền 200 triệu mạnh thường quân ủng hộ cho gia đình bà Son. Ảnh: Phan Nhơn
200 triệu và giọt nước mắt hạnh phúc
Cuộc viếng thăm tri ân người hiến tạng vào cuối năm 2019 của Đơn vị điều phối ghép tạng BV Chợ Rẫy, đoàn đến nhà xin thắp nhang con trai bà Son để tri ân. Nào ngờ, người phụ nữ bên cạnh xộc xộc vào nhà đuổi cả đoàn ra ngoài và bảo đây là nhà mình không ai được thắp nhang. Hung hăng hơn người phụ nữ còn đuổi đánh một người trong đoàn. Đến lúc này bà Son mới cho bác sĩ, phóng viên biết bi kịch của bà suốt 2 năm nay.
Giọt nước mắt hạnh phúc của bà Son khi không nghĩ có một tấm lòng giúp gia đình bà vượt qua khó khăn. Ảnh: Phan Nhơn
Nghe xong câu chuyện, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Đơn vị điều phối ghép tạng Chợ Rẫy chỉ biết xót xa, bà đến chính quyền địa phương mong chính quyền hỗ trợ, nâng đỡ tinh thần bà Son vượt qua khó khăn. Chính quyền đáp lại rằng, mâu thuẫn này kéo dài, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ nếu bà Son trả hết số tiền mà tòa tuyên cho chủ đất thì họ dễ xử lý, còn bằng mọi cách ở địa phương đã bảo vệ bà Son hết mức có thể.
Một tình huống thật sự khó xử, bác sĩ Thu chỉ biết an ủi động viên người mẹ vượt qua khó khăn. “Tôi khổ quen rồi bác sĩ, đời tôi khổ quen nên chịu riết rồi cũng xong. Thật áy náy, có lỗi khi đoàn bác sĩ đến thăm mà không kịp mời ly nước mà chứng kiến cảnh tranh chấp thế này”, bà Son áy náy.
Bác sĩ Thu chia sẻ: “Một câu chuyện chưa có tiền lệ và rất bối rối khi nhìn cảnh bà Son chịu đựng những áp chế tinh thần kéo dài suốt 2 năm. Nếu như một bệnh nhân nằm viện, ta kêu gọi ủng hộ để giúp đỡ, song trường hợp bà Son làm sao giúp bà là cả vấn đề. Lẽ nào đi xin mạnh thường quân 200 triệu đi mua đất, đó là một chuyện ngoài tầm với”.
Số tiền mạnh thường quân ủng hộ cộng với số tiền gia đình có đã nộp cho Thi hành án dân sự huyện chứng nhận nhà và đất của bà Son được chính danh. Ảnh: Phan Nhơn
Một buổi sáng khám cho một bệnh nhân lâu năm, một mạnh thường quân của bệnh viện, bác sĩ Thu than thở câu chuyện của bà Son. Một người giúp đời, cứu người khi trong tay bà không có bạc cắt vậy mà bi kịch trêu ngươi cứ ập đến thử thách người phụ nữ này. Cơ sự đã rõ, vị mạnh thường quân không đắn đo đã ngỏ lời gửi tặng bà Son 200 triệu để thi hành án quyết định của tòa, để được sống trên ngôi nhà và miếng đất cả đời bà “chạy trốn” gom góp.
Sáng ngày 17/1 (23 tháng Chạp âm lịch), trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương xã Nhuận Đức, Đơn vị điều phối ghép tạng BV Chợ Rẫy làm cầu nối trao số tiền 200 triệu của mạnh thường quân cho gia đình bà Son. Trước một tình cảm lớn, người phụ nữ rưng rưng: “Tôi chưa bao giờ nghĩ cuộc đời của tôi lại nhận một món quà lớn đến vậy. Chắc cái Tết này tôi được ăn tết yên ổn rồi, niềm hạnh phúc không gì bằng đến giờ tôi không thể tin được…”
Sáng cùng ngày, số tiền 450 triệu đã được gửi đến cơ quan Thi hành án huyện Củ Chi để cơ quan chức năng thực thi bản án, giúp người mẹ sở hữu chính danh ngôi nhà và miếng đất hiện đang ở. Hi vọng lần này, bà Son được an cư và không còn cuộc trốn chạy cũng như chịu đựng những bi kịch nào nữa.
Phan Nhơn
Khi một hệ thống ghép tạng từ người cho chết não được vận hành thì cần cả xã hội đồng lòng vào cuộc. Cũng như câu chuyện bà Son, cậu bé Sơn Lâm (9 tuổi, ngụ quận 2 TP.HCM) em trai của một người hiến tặng 5 bộ phận cứu người, gặp khó khăn theo mẹ mưu sinh khắp nơi không được đến trường. Sau khi biết hoàn cảnh, bệnh viện đã làm cầu nối để một mạnh thường quân giúp em chi phí ăn học đến 18 tuổi. Những việc này không phải của bệnh viện, bác sĩ mà thông qua câu chuyện ghép tạng, bác sĩ làm một cầu nối để giúp đỡ những người hiến tạng nếu gặp khó khăn. Họ, những con người tử tế đáng có 1 cuộc sống tốt. Làm vậy mới lan tỏa lòng trắc ẩn của mọi người, cũng như có sự san sẻ của những tấm lòng hảo tâm đến những gia đình như bà Son, bé Sơn Lâm.