Giữ ấm cho 'đầu cơ nghiệp'

Những ngày cuối năm, cái nắng hanh vàng chiếu khô nẻ đôi má của trẻ em vùng cao. Tới chiều, cái lạnh đuổi ánh nắng đi, len lỏi từng ngóc ngách của bản làng, những đứa trẻ lục tục lùa đàn trâu bắt đầu rùng mình về chuồng đã được quây kín, bỏ thêm ít rơm khô vào để trâu nhai buổi đêm. Với người vùng cao, trong mùa đông, không chỉ có con người mà gia súc cũng cần được giữ ấm.

Mùa lạnh, người dân Sa Pa lùa trâu xuống các xã vùng thấp hơn để tránh rét.

Mùa lạnh, người dân Sa Pa lùa trâu xuống các xã vùng thấp hơn để tránh rét.

Buổi chiều, sau khi cùng vợ dùng lưới đen quây kín vườn địa lan, anh Hạng A Súng, thôn Hầu Chư Ngài, xã Hầu Thào (Sa Pa) tất tả xỏ đôi ủng, cầm chiếc xẻng lớn vào dọn chuồng trâu. Anh Súng rất nghèo. Ngôi nhà gỗ nằm bên lối nhỏ, nép vào những cây đào khẳng khiu mùa rụng lá trông càng trở nên xác xơ. Để có đủ cái ăn, cái mặc cho 2 đứa con đang tuổi lớn, anh Súng trồng lan, đi làm thuê, vợ anh đi bán thổ cẩm kiếm tiền. Gia tài lớn nhất của gia đình này là 5 con trâu béo múp, thường được đứa con gái lớn lùa đi chăn vào mỗi buổi chiều. Hồi giữa năm, con trâu lớn trong đàn đẻ thêm 1 con nghé. Lúc cho trâu uống nước, ăn cám ngô hay bỏ rơm vào chuồng, nhìn con gái cứ xoa đầu, vuốt ve 2 chiếc sừng non đang chuẩn bị nhú, anh Súng nói: “Ngày bé mình cũng từng phải đi chăn trâu nên mình biết chứ, đứa trẻ vùng cao nào cũng có bạn là những con trâu, nên chúng nó thương trâu lắm. Sau này lớn rồi, trâu không chỉ là bạn mà còn là tài sản lớn, nhà nào còn có trâu thì coi như vẫn là có của trong nhà, không có trâu thì coi như không còn gì cả”.

Cũng như hầu hết những đứa trẻ lớn lên trên rẻo cao, cái Chi, con gái đầu lòng của gia đình anh Súng coi những con trâu như bạn. Năm 2017, cái lạnh đầu tháng 1 khiến con trâu nhỏ nhất trong đàn nằm yên không đứng dậy được. Buổi sáng, cái Chi thức dậy, thấy bố đốt một đống rơm lớn, ngoài sân có thêm mấy người hàng xóm cùng chú, bác trong họ bàn nhau chuyện mổ thịt đem bán. Nó hiểu chuyện, lặng lẽ đi vào buồng, úp mặt khóc, suốt mấy ngày liền buồn bã. Đứa trẻ năm nay học lớp 7 luôn giữ trong lòng nỗi sợ mơ hồ về những mùa rét mướt, nó hăng hái phụ bố dọn chuồng, cùng mẹ quây bạt, lên nương cắt cỏ, nấu cám ngô cho đàn trâu của nó. Anh Súng bảo: Nó sợ trâu chết rét đấy!

Người dân Si Ma Cai nuôi nhốt gia súc trong mùa đông.

Người dân Si Ma Cai nuôi nhốt gia súc trong mùa đông.

Mùa đông, đêm và sáng sương lạnh phủ khắp bản làng, những con trâu, bò nép vào góc chuồng, nhai trệu trạo đống rơm khô được vẩy nước muối. Trên những bãi thả, cỏ đã úa, người dân vùng cao trồng thêm cỏ ở nương, cạnh nhà, bỏ bột ngô vào nấu cám vỗ béo cho vật nuôi có thêm sức chịu lạnh. Nếu như những năm trước, người dân vùng cao chỉ nuôi trâu, bò lấy sức kéo và ít được quan tâm, thì giờ ý thức về việc bảo vệ những con gia súc lớn đã được thay đổi. Ông Chảo Trần Khiêm, một trong những hộ được hỗ trợ nuôi bò tại thôn Bản Toòng, xã Bản Phùng (Sa Pa) kể: “Ngày trước, cứ hết mùa làm nương, trâu được thả lên đồi, lên rừng, có khi cả tháng mới lên xem một lần, chẳng có ai làm chuồng cho trâu ở đâu. Trâu với bò, càng lạnh chúng càng leo lên cao, đến lúc lạnh quá, mệt rồi không xuống được, không chịu được rét thì bắt đầu chết. Giờ thì khác rồi, người dân làm chuồng cho trâu, bò ở, không những thế còn phải quây kín, phải giữ chuồng cho khô vì ướt là chúng bị lạnh rồi cước chân, không đi được cũng chết đấy”.

Với người vùng cao, con trâu là “đầu cơ nghiệp”, con cái tách ra ở riêng, tài sản cha mẹ chia cho là mấy khoảnh nương, tràn ruộng và con trâu làm vốn. Đến cả khi chết, đám tang cũng nhất thiết phải có con trâu để làm lễ. Các dịp lễ lớn, cúng đồng, cúng rừng… con trâu cũng là vật đem tế tới các bậc thần linh để thể hiện sự thành kính. Và hơn hết, con trâu là một khối tài sản lớn. Ông Vàng Quáng Phù, thôn Cán Chư Sử, xã Cán Cấu (Si Ma Cai) tâm sự: “Ngày xưa nuôi trâu để kéo cày, nuôi ngựa để thồ hàng nên những con gia súc ít được quan tâm lắm, chỉ thả trên đồi chúng sẽ tự kiếm ăn. Bây giờ thì người ta nuôi trâu, bò, nuôi ngựa làm giàu, để chết 1 con cũng mất mấy chục triệu đồng. Đấy là số tiền lớn với người vùng cao, có khi cả năm cấy lúa, ngô cũng chẳng được bằng ấy”.

Nói về sự chủ động trong công tác phòng, chống đói, rét trên đàn gia súc, chị Trần Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa, cho biết: “Sa Pa có thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông, nếu người dân không chủ động thì tỷ lệ gia súc chết rét là rất lớn. Những năm gần đây, tỷ lệ này giảm mạnh, trừ những thời điểm quá lạnh, bất khả kháng mới có gia súc bị chết. Ý thức về việc bảo vệ đàn vật nuôi trong người dân được nâng cao rất nhiều. Cứ đến mùa lạnh, người dân đều chủ động các biện pháp giữ ấm cho đàn gia súc, từ việc kiên cố, giữ ấm chuồng trại đến dự trữ thức ăn đều được triển khai rộng. Có thời điểm thời tiết khắc nghiệt, người dân còn theo đàn trâu đi tránh rét ở những xã vùng thấp như Thanh Phú, Nậm Sài (Sa Pa) hoặc Cốc San (Bát Xát). Vì vật nuôi cũng là của cải, hiểu được lẽ đó, ý thức bảo vệ được nâng cao”.

Những ngày giá rét, những con trâu, bò được nhốt trong chuồng chất đầy rơm khô và quây kín bằng liếp, bạt. Có những hộ còn cẩn thận đốt mùn cưa, đốt phân gia súc khô vừa làm phân bón cho cây trồng vừa giữ ấm cho vật nuôi. Thậm chí trong các cuộc “hành trình” xuôi về các xã vùng thấp tránh rét, không khó bắt gặp những chú nghé được chủ nuôi đắp trên mình những tấm áo mưa, những chiếc chăn, bao tải cũ thành áo khoác để giữ ấm. Đó chính là những hình ảnh ấm lòng mà những cán bộ chăn nuôi vùng cao mong muốn người dân thực hiện sau những năm có tỷ lệ gia súc chết vì đói, rét với những con số cao đến đau lòng, xót của. Đó cũng chính là kết quả của sự vào cuộc của các ngành, chính quyền địa phương sau thời gian dài nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn, là sự chủ động của người dân trong việc ra sức chống rét cho “đầu cơ nghiệp”.

Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/giu-am-cho-dau-co-nghiep-z3n20191228090712419.htm